VĂN HÓA

Tháp Bánh Ít, di sản Chăm Pa cổ kính giữa lòng Bình Định

Lan Hương • 29-04-2023 • Lượt xem: 1494
Tháp Bánh Ít, di sản Chăm Pa cổ kính giữa lòng Bình Định

Tháp Bánh Ít là một trong số ít những quần thể di tích mang trong mình dấu ấn của Vương quốc Chăm Pa cổ kính. Tọa lạc trên mảnh đất Bình Định – kinh đô của Chăm Pa một thời, đây là ngọn tháp chứa đựng khối kiến trúc độc đáo, thể hiện nét văn hóa của người Chăm và được xem là một trong những kiệt tác có giá trị nghệ thuật cao.

Tháp Bánh Ít hay còn được gọi với rất nhiều cái tên thú vị như tháp Tri Thiện, tháp Thiện Mẫu, tháp cầu Bà Gi, Thổ Sơn… người Pháp thì gọi là Tour d’argent - tháp Bạc. Cụm tháp cổ này tồn tại trên một ngọn đồi thuộc thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước và cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 16km.

Ngọn tháp được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. Sở dĩ mọi người gọi là tháp Bánh Ít, tên gọi vừa tượng hình vừa gần gũi là bởi khi nhìn từ xa, tháp trông như chiếc bánh ít lá gai, một loại bánh đặc sản của Bình Định.

Tháp Bánh Ít là quần thể bao gồm 4 tháp: 3 tháp phụ gồm tháp Cổng (Gopura), tháp Lửa (Kosagraha), tháp Bia (Posah) và một tháp Chính (Kalan). Mỗi tháp là một phần kiến trúc riêng biệt mang những sắc thái khác nhau vô cùng sinh động.

Toàn bộ di tích tháp Bánh Ít với quần thể 4 tòa tháp có lối kiến trúc riêng biệt vô cùng độc đáo.

Tháp Cổng

Đầu tiên khi đến thăm tháp Bánh Ít bạn sẽ gặp tháp Cổng. Tháp Cổng nằm ở phía Đông có chiều cao khoảng 13m, bình đồ hình vuông, mỗi chiều 7m theo lối kiến trúc Gopura và được xây dựng với chất liệu hoàn toàn bằng gạch đá ong.

Tháp Cổng, nơi dẫn đến tháp Chính được thiết kế theo kiến trúc Gopura.

Vì có chức năng dẫn vào tháp Chính nên tháp Cổng được thiết kế với 2 cửa thông nhau theo hướng Đông – Tây, có trục thẳng với cửa của tháp Chính và được trang trí đơn giản, không cầu kỳ như tháp Chính. Tháp Cổng có phần vòm cửa trang trí hình mũi lao nhiều lớp liên tiếp hướng lên trên, hai mặt bên là hai cửa giả, quanh thân tháp ốp trụ đá trơn và không trang trí, diềm mái hơn nhô ra để chống đỡ ba tầng mái, nhìn vào luôn thấy được vẻ khỏe khoắn vững chãi cho tòa tháp.

Tháp cổng có phần vòm được trang trí theo hình mũi lao nhiều lớp, dẫn lên tháp chính theo lối bậc thang.

Tháp Bia

Qua tháp Cổng, nếu đi thẳng lên trên sẽ gặp tháp Chính, nếu rẽ sang trái và đi men đường mòn dẫn lối sẽ gặp tháp Bia. Tháp Bia có chiều cao khoảng tầm 10m, nằm cách tháp Cổng khoảng 22m theo hướng Nam và cũng được xây dựng với cấu trúc hình vuông bằng gạch nung đỏ theo kiến trúc Posah.

Tháp Bia có 4 mặt, được trổ cửa thông nhau theo 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Điểm đặc biệt của tháp Bia chính là phần mái, không giống với những tháp Chàm thường gặp, các tầng mái của tháp Bia có kiến trúc thu nhỏ dần lên phía trên. Mỗi tầng có một hàng bầu lọ phình hai đầu, nhìn từ xa tựa những quả bầu nằm sát nhau, vì thế đây còn được gọi là Tháp Bầu Rượu. Trong tháp thường có bia ký, ghi lại công trạng các vị thần được thờ phượng nơi đây. Tuy nhiên hiện nay tấm bia trong tháp đã không còn được lưu giữ.

Tháp Bia, được trổ cửa thông nhau theo 4 hướng và có phần mái vô cùng đặc biệt.

Tháp Lửa

Đi qua tháp Bia men theo hướng Tây Bắc, ngay cạnh ngôi tháp Chính là tháp Lửa, đây là ngọn tháp có kiến trúc độc nhất vô nhị tại Bình Định. Tháp Lửa cao khoảng 10m, có bình đồ hình chữ nhật, chiều dài 12m, chiều rộng 5m. Do công trình này có chức năng như một nhà kho (dùng để đồ tế lễ) nên tháp có cấu trúc mô phỏng như ngôi nhà sàn dân gian.

Tháp Lửa còn có tên gọi khác là tháp Yên Ngựa, bởi phần mái có hình dạng lõm ở giữa giống yên ngựa. Phần đế được thiết kế hơn nhô ra hơn so với thân tháp, xung quanh được trang trí bằng những phù điêu có hình chim thần đang giơ cánh cao nâng đỡ cả phần thân tháp.

Tháp Lửa là tòa tháp có kiến trúc khác biệt nhất trong tất cả các ngọn tháp Chăm tại Bình Định.

Tháp Chính

Tháp Chính cũng là ngọn tháp trung tâm, được xây dựng trên đỉnh đồi theo lối kiến trúc Kalan, có chiền cao khoảng 29,6m, bình đồ hình vuông, mỗi chiều rộng 11m. Tháp có một cửa chính duy nhất nằm ở hướng Đông, các cửa còn lại đều là cửa giả. Cửa chính nhô ra khỏi mặt tường đến khoảng 2m, vòm cửa có hình mũi giáo, chính giữa vòm được trang trí phù điêu mặt hình Kala, các cửa giả nhô ra ít hơn, diềm mái vòm cửa giả lại được trang trí bằng các phù điêu mình người đầu voi.

Tháp Chính trong quần thể tháp Bánh Ít được thiết kế vô cùng cầu kỳ và đẹp mắt.

Tháp Chính cao 3 tầng, ở dưới to và nhỏ dần về phía đỉnh, một số tầng mái lại được trang trí bằng những họa tiết hoa văn đẹp mắt. Chẳng hạn như tầng một, ở phía Nam tạc hình sư tử, họa tiết bò thần Nandin ở phía Tây và Đông, phía Bắc là hình mặt Kala nhìn thẳng. Bên trong lòng tháp Chính đặt tượng thần Shiva được phục chế theo nguyên mẫu hiện vật gốc được trưng bày tại Pháp.

Nếu có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt tháp Chính, bạn sẽ có cảm giác như lạc vào xứ sở Chăm pa thu nhỏ. Xung quanh tháp có những bức phù điêu được chạm khắc hình ảnh người vũ nữ Chăm trong điệu múa vô cùng sinh động.

Với các chi tiết chạm khắc tinh xảo, làm nổi bật nét văn hóa Chăm cổ lâu đời còn tồn tại đến ngày nay.

Được biết trong tổng thể toàn bộ di tích Tháp Chàm còn tồn tại trên đất nước Việt Nam, quần thể tháp Bánh Ít là một di tích độc đáo với kiến trúc đa dạng, có tính nghệ thuật cao, và là một trong những công trình đền tháp lớn nhất còn lại của Vương Triều Chăp pa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu.