VĂN HÓA

Thấu hiểu và yêu quý văn hóa Việt qua những cuốn sách

Cẩm Chi • 03-04-2023 • Lượt xem: 1221
Thấu hiểu và yêu quý văn hóa Việt qua những cuốn sách

Những phong tục đã tồn tại hàng nghìn năm của người Việt, tại sao có sự khác biệt văn hóa vùng miền hay những trải nghiệm thực tế văn hóa truyền thống và hiện đại… là những câu chuyện thú vị về lòng tự hào dân tộc mà các cuốn sách về văn hóa mang tới cho độc giả.

Bức tranh "Thuần phong mỹ tục" 

Có tuổi đời lên tới 100 năm, “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính là một nghiên cứu công phu về văn hóa, lối sống của người Việt. Tác giả đã diễn giải cách mà xã hội thuần Việt xưa giao lưu, tiếp thu văn hóa từ bên ngoài để tạo nên phong tục độc đáo. Các câu hỏi được trả lời xác đáng như: Các phong tục tập quán đã được hình thành, phổ cập như thế nào? Thói quen, hành vi của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với gia đình, xã hội được quy ước, điều chỉnh ra sao? Những câu chuyện cách xưng hô, lối ăn mặc, kiêng khem, hội hè, lễ Tết, phong tục ma chay, cưới hỏi, tôn giáo, chính trị giúp người đọc hiểu hơn về lối sống của cha ông cách đây hàng trăm năm. 

Đọc Việt Nam phong tục để hiểu về phong tục Việt Nam, cũng là dịp để ta nhìn lại phong tục Việt Nam  

Ra mắt vào đầu thế kỷ 20, khi đất nước dần tiếp xúc với văn minh phương Tây, “Việt Nam phong tục” có vai trò định vị giá trị dân tộc, ở cả mặt tốt và mặt xấu, giúp người đọc có cái nhìn khách quan hơn về văn hóa nước nhà. Cái hay của cuốn sách là được viết qua tư duy giao thoa Nho học và Tây học hài hòa, vừa đắm mình trong văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu lối tư duy, cách sống phương Tây.

Tác giả mổ xẻ, đánh giá từng phong tục tập quán, điểm mặt phê phán lối sống “xấu xí”, không phù hợp và nên thay đổi như “trọng vật chất”, “lo những ngôi thứ trong làng, lo những danh phận vô ích”; “vì ăn uống mà anh em thường hay khích bác nhau”. Ông mong muốn "mừng thọ và mừng sinh nhật của cha mẹ hơn là làm giỗ ngày húy nhật”; đơn giản hóa tục tang ma, học hỏi Âu châu, Nhật Bản… Điều này thể hiện góc nhìn tiến bộ, hiện đại của tác giả khi có cái nhìn hướng về sự hội nhập tương lai của đất nước. 

Sự khác biệt văn hóa vùng miền

“Văn hóa vùng và phân vùng Văn hóa Việt Nam” của GS. Ngô Đức Thịnh giải đáp nhiều thắc mắc cho nhiều người về sự khác biệt văn hóa vùng miền từ nhiều lý do vị trí địa lý, lịch sử, chính trị, xã hội…

Việt Nam có 7 vùng văn hóa lớn với những đặc trưng riêng  

Đầu tiên tác giả xác định quan niệm vùng văn hóa từ các lý thuyết lớn về không gian và các tiêu chí để phân vùng văn hóa trên thế giới, từ đó đưa ra phác thảo về phân vùng văn hóa ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có 7 vùng văn hóa lớn, trong đó bao chứa nhiều tiểu vùng văn hóa ở cấp độ nhỏ hơn: Đồng bằng và trung du Bắc Bộ, tiểu vùng văn hóa Xứ Lạng, vùng văn hóa Tây Bắc và miền núi Thanh Nghệ, tiểu vùng văn hóa Xứ Thanh, Xứ Nghệ, Xứ Huế, Xứ Quảng, vùng cực nam Trung Bộ, vùng văn hóa Tây Nguyên - Trường Sơn và vùng văn hóa Nam Bộ. Từ đó, tác giả lý giải một số hiện tượng văn hóa riêng lẻ (nhà cửa, trang phục, ăn uống, thuyền bè, sử thi,...) thể hiện tính địa phương trong văn hóa Việt Nam.

Độc giả đọc sẽ hiểu rõ khác biệt giữa vùng này vùng kia là chuyện đương nhiên, từ đó càng thêm yêu sự đa dạng văn hóa Việt, đồng thời bớt đi phân biệt, bắt nạt vùng miền, và cảm thông hơn với những suy nghĩ của người miền khác. Chúng ta sẽ thấy được việc phải bảo vệ văn hóa vùng của riêng mình, mới có thể hiểu rõ được, hình thành được thế, điểm yếu và nét riêng của bản thân. 

Nhật ký khám phá vẻ đẹp văn hóa Việt

“Lãng du trong văn hóa Việt” của Hữu Ngọc là những ký sự trải nghiệm thông qua những hành trình khám phá thực tế tại nhiều địa điểm. Bằng con mắt của một người thuần Việt, ông nắm bắt được những vẻ đẹp của những nền văn minh nhân loại. Và bằng con mắt của nhân loại, ông phát hiện ra những đặc sắc của Việt Nam mà nhiều khi người Việt ta lại không thể nhìn ra.

Hữu Ngọc dẫn dắt người đọc dọc theo chiều dài của đất nước, vẽ nên bức tranh đa diện, chân thực về Việt Nam. Từ Lam Kinh của triều Lê, tới làng Nhị Khê, thăm quê hương Nguyễn Trãi. Đến Vạn Phúc hỏi nghề dệt lụa Hà Đông, sang vùng Kinh Bắc nghe hát quan họ. Lên vùng Tây Bắc nếm hương vị núi rừng, hóa thân tập tục người Tày, H’Mông. Tới Lạng Sơn, Sơn La ăn món khau nhục, nghe điệu hát sli của người Nùng, tìm hiểu tục ngữ Thái... Qua Đèo Ngang, thương giọng ngọt lịm của xứ Huế bên dòng Hương, sống cùng những người Ê Đê ở Phú Yên, lang thang Ninh Thuận xem đồ gốm Chăm… Vào miền Nam hai mùa mưa nắng, thưởng thức sản vật hay lênh đênh trên chiếc xuồng sông nước, vang vọng cải lương… Từ những điều trông thấy, mỗi trang viết không phải “cưỡi ngựa xem hoa” mà trân quý, níu giữ từng chi tiết, mở ra nhiều tầng kiến thức sâu rộng. 

Cuốn sách của Hữu Ngọc gợi mở cho độc giả vô vàn những câu chuyện, để ta có thể khơi sâu hơn, nối dài hơn nét văn hóa, đẹp đẽ xưa nay của người Việt trong thời đại này.

Lịch sử - truyền thống của người Việt cũng được Hữu Ngọc kể bằng một góc nhìn khác. Ông “hình dung” về một địa danh, “nghe” tiếng gà gáy từ 700 năm trước, tiếng nói của bia cổ, quốc văn; lịch sử xây dựng những tuyến đường sắt; ý thức bảo tồn văn hóa của một sử gia Pháp về văn hóa Việt... Ông bàn về nhiều nhân vật quan trọng trong lịch sử, những tín ngưỡng của dân tộc hay những vấn đề nổi bật của xã hội như quan niệm chữ trinh, phụ nữ đơn thân, đám cưới, cái chết, ăn thịt chó, các làng quê bị "ô nhiễm" văn hoá, thân phận người Việt ở Mĩ,… Trong bầu không khí ấy, ông “ôn cố tri tân” cố nhân, chỉ ra những đặc sắc nghệ thuật của dân tộc (tuồng cổ, ca trù, nhiếp ảnh, hội họa…).

Bằng sự tài hoa và cái nhìn sâu sắc, thấu đáo, Hữu Ngọc đã đặt những nét văn hóa truyền thống trong sự soi chiếu của các nền văn hóa thế giới, giữa quá trình “toàn cầu hóa, hiện đại hóa” của dân tộc, để toát lên những nét đẹp đẽ đặc sắc. Từ đó, ông đưa ra thông điệp "cần thiết phải cảnh báo để người dân nhận thức về di sản văn hoá của mình trước khi nó bị lãng quên và bị thời gian hủy diệt.” Và từ đây, mỗi người đều được tiếp thêm động lực tự khám phá và dấn bước vào những chuyến lãng du của riêng mình.