VĂN HÓA

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và một cuộc đời dùng nghị lực như ngọn lửa thắp sáng tin yêu

Nguyệt Minh • 20-11-2020 • Lượt xem: 2259
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và một cuộc đời dùng nghị lực như ngọn lửa thắp sáng tin yêu

Trong mỗi lần gặp thầy, luôn hiện lên trong tôi một nhà giáo tin yêu cuộc đời, ân cần với tất cả mọi người. Điều đặc biệt, thầy luôn ghi nhớ những gương mặt đã từng quen, từng gặp, nhất là những học trò của thầy. Bao nhiêu thế hệ học sinh đã được thầy dạy dỗ, đặc biệt được thầy vun đắp ước mơ và nghị lực, hẳn không một ai quên được hình ảnh của một người thầy đặc biệt: Người đã viết lên đời mình bằng chính đôi chân!

Xin giới thiệu lại với bạn đọc của DDVN bài viết chân dung của tác giả Nguyệt Minh về cuộc đời, số phận, nghị lực phi thường của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký!

Ký ức khó phai mờ về người thầy thắp lên hi vọng

Hình ảnh cậu bé yếu ớt, bị liệt hai tay nhưng vẫn hăm hở đến trường, cố công tự tập viết bằng ngón chân, lại còn viết rất đẹp đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Nhưng để nói về ông, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, bấy nhiêu thôi chưa đủ.

Trước mắt tôi, vẫn là Nguyễn Ngọc Ký của... đôi chân. Ông đang hí hoáy gõ... bàn phím. Đó là một bài thơ về cha ông viết cách đây đã lâu, giờ nhớ cha, gõ lại trong khóe mắt rơm rớm:

Một đời mơ ước vay lo

Vẫn dành cơm tám mangcho láng giềng

Một đời áo nhuộm bùn đen

Cho con áo trắng lớn lên làm người

Ông nhớ hồi nhỏ, cha từng ôm ông mà khóc: “Nếu cha mẹ chết, ai sẽ lo cho con đây?”. “Con có đi học được không cha? Con có viết được không cha? Con có làm thầy được không”. Người cha gạt nước mắt quay đi, cười động viên con: “Có”.

Thế là Ký tập viết, để lớn lên được... làm thầy giáo. Thấy con vui thì cha mẹ cũng chiều, tạo điều kiện cho Ký. Từng ngày một, cậu bé nhỏ thó, gầy gò vẫn kiên trì miệt mài tập luyện, buộc đôi chân phải làm theo những gì mình muốn. Hàng trăm lần, những ngón chân bị tê dại, co quắp, đau buốt óc.

Viết được, Ký đi học. Khi các bạn trong lớp cầm bút trên tay viết chữ thật dễ dàng thì Ký vẫn hý hoáy với cây bút chì kẹp nơi mười đầu ngón chân ở cuối lớp. Cuối cùng, cậu đã thành công. Những nét chữ nghệch ngoạc cứ thẳng dần, tròn dần. Ký đã viết được chữ. Và viết rất đẹp.

Thầy Trần Ngọc Châu dạy bộ môn toán, là chủ nhiệm lớp 7B của Ký, thường kể cho cả lớp nghe những câu chuyện về các nhà toán học thiên tài thế giới.

Người thì bị khiếm thị nhưng vẫn là nhà toán học lỗi lạc, người thì mải mê giải toán đến nỗi quên cả cái chết đang đến từng giây... Từ các câu chuyện kể đó đã làm sáng lên niềm yêu thích môn tóan của Nguyễn Ngọc Ký.

Ký thường xuyên đi bộ xuống nhà thầy để nhờ thầy giảng bài, hướng dẫn cho cách làm từng bài toán khó. Có lần gặp phải đề toán quá nan giải, đi đâu cậu cũng nghĩ, hàng tuần vẫn không ra cách giải được. Đột nhiên khi đang trên đường về, nghĩ ra, Ký ngồi ngay xuống vệ cỏ bên đường, lôi sách bút, compa ra vẽ vẽ viết viết.

Lại có khi đang ngồi ăn cơm với bố mẹ, nghĩ ra cách giải, quên cả ăn, cậu mở vội sách vở ra. Cha cậu bảo: “Mày như cái thằng điên ấy con ạ, ngày học, đêm học, đừng ăn nữa, học cho no đi”. Và nhờ sự nỗ lực đó, năm 1963, khi đang học lớp 7 Nguyễn Ngọc Ký đã nhận giải học sinh giỏi toán toàn miền Bắc.

Những buổi tới nhà thầy học toán, khi về trời mưa, gió lạnh, đường trơn, thầy lại cầm đèn pin dẫn lối trò về, còn khoác chiếc áo bông đang mặc cho cậu học trò yếu ớt, xanh xao... Ngày Ký chuẩn bị lấy vợ, chính thầy đã đề nghị Ký nên nhờ người bạn học lấy chiếc xe đạp – tài sản quý giá nhất của thầy mà đi lo công việc.


Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đang viết bằng đôi chân kỳ diệu của mình

Những trang hồi ký ngày ấy

Khi học phổ thông, Truyện Kiều, Ký thuộc lòng không sót một câu nào. Trong suốt ba năm học cấp ba, Nguyễn Ngọc Ký đã lặng lẽ gửi rất nhiều sáng tác của mình đến các tòa soạn báo. Mỗi một lần thư gửi đi là mỗi một lần hy vọng, nhưng... không một lần nào có hồi âm.

Khi vào Đại học Tổng hợp năm thứ nhất thì bài thơ đầu tiên của Nguyễn Ngọc Ký, bài “Núi bắt phi công” đã được in ở báo Thiếu niên tiền phong. Từ đó, cậu sinh viên văn khoa quyết tâm viết tập hồi ký “Những năm tháng không quên”.

Ký viết vào buổi trưa khi mọi người đi ngủ, viết ở góc lớp, viết lúc nửa đêm, mê mải say sưa cho đến sáng, rồi lại cắp sách đi học. Có khi viết đến hai ba chục trang trong một đêm.

Hai năm trời, cuối cùng bản thảo cuốn sách “Những năm tháng không quên” với hơn 1.000 trang của Nguyễn Ngọc Ký đã được NXB Kim Đồng ấn hành vào đúng dịp cậu bảo vệ tốt nghiệp Đại học Văn khoa.

Sau này, cuốn sách được đổi lại tên là: “Tôi đi học” và tái bản nhiều lần, trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều bạn đọc một thời. Ra trường, nghe lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, về quê dạy học, tìm hiểu vốn sống con trẻ, sáng tác dành cho độc giả thiếu nhi.

Nhiều người thắc mắc, một người viết bằng chân thì đứng lớp thế nào, nhưng anh đã nghĩ ra phương pháp giảng dạy phù hợp với mình, chỉ khi nào cần mới viết chữ trên bảng.

Chữ trên bảng được anh viết sẵn ra từng tờ giấy, rồi nhờ học sinh treo lên bảng và che bên ngoài một tờ giấy trắng khác. Khi nào cần cho học sinh thấy thông điệp của tác phẩm, anh sẽ dùng sợi dây ròng rọc từ từ kéo xuống, và những dòng chữ cần thiết  hiện ra.

Trong những giờ giảng, Nguyễn Ngọc Ký luôn luôn có sự đan cài vào hệ thống câu hỏi độc đáo, gợi trí tò mò cho học trò, dấy lên cảm xúc. Ông quan niệm, chữ viết ra không chỉ là chữ ở trên bảng đen mà còn phải biết viết gì vào tâm hồn trẻ thơ.

Phòng Giáo dục huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) đã cử ông đi thi giáo viên giỏi toàn tỉnh. Nhiều người đặt câu hỏi, huyện hết giáo viên hay sao mà lại cử cái ông thầy bị hỏng đôi tay đi?

Một chút áp lực nhỏ rồi ông cũng tự tin trở lại. 200 thầy cô giáo ngồi dự kín dưới lớp và chật hai bên hành lang trong toàn tỉnh Hà Nam Ninh hôm đó phải xúc động, có người đã khóc khi dự xong bài giảng của ông.--PageBreak--

Câu chuyện tình yêu đặc biệt nhưng giản dị

Trở về quê nhà dạy học, anh không dám nghĩ tới chuyện có một cô gái yêu thương mình và mình sẽ lấy làm vợ. Nỗi e ngại, ngập ngừng vì hoàn cảnh không giống ai khiến Ký như chững lại.

Nhiều khi anh khổ tâm vô cùng, mình là con trai duy nhất trong nhà, nếu không lấy vợ, ai sẽ là người nối dõi gia đình đây? Mà lấy vợ, liệu với đôi tay bị hỏng, mình có lo cho vợ con bằng bạn bằng bè không?

Nỗi băn khoăn theo Ký vào giấc ngủ. Nhất là khi thấy cảnh bố mẹ đã gần sang tuổi thất thập cổ lai hy vẫn ngóng mong đứa cháu nội ẵm bồng.

Thế rồi, một buổi sáng mùa thu đẹp trời cách đây hơn ba mươi năm, người anh kết nghĩa của Ký đã dẫn em gái vợ xuống nhà Ký chơi. Một cô gái 20 tuổi mảnh mai, nhỏ nhắn. Như có linh cảm, ngay lần gặp đầu tiên đó, giữa hai người đã có cảm giác thân quen gần gũi.

Thế là, chỉ hai tuần sau, cô gái có khuôn mặt phúc hậu, nhanh nhẹn kia đã trở lại thăm người bạn mới quen lần thứ hai. Cô đi xe đạp một mình suốt quãng đường dài 30 cây số từ nhà mình xuống nhà Ký.

Cô gái mạnh dạn đề nghị chở anh đi chơi. Ký ngập ngừng ngồi lên chiếc xe đạp để cô gái bé nhỏ này chở đi trên con đường, hai bên là cánh đồng lúa xanh ngát, đường quê quanh co khiến cho câu chuyện của hai người ngập ngừng, đứt quãng: “Em có sợ người ta trêu khi đèo anh không?”.

“Thế anh có ngượng khi bị em đèo không?” – “Chắc em hiểu, chỉ có trai đèo gái, chứ chẳng bao giờ có chuyện gái lại đèo trai”. Câu chuyện cứ dần trôi, thấm thoắt đã xế chiều, nghĩ tới việc người con gái này lại lủi thủi đi về trên quãng đường xa lắc lơ, Ký xót xa lắm.

Thế là... anh tìm cách giữ chân cô ở lại. Lúc này tình cảm của hai người đã rõ ràng và mặn nồng hơn. Tối đó, bên thềm nhà, câu chuyện của đôi bạn trẻ cứ chốc chốc lại chùng xuống...

Khi nói chuyện cưới xin, hai bên gia đình của cả “cô dâu” lẫn "chú rể” chẳng ai đồng ý. Chỉ vì đôi tay của Ký mà bố cô dâu không ưng, ghét lây sang cả con gái, cầm gậy đuổi đánh khiến cô phải chạy sang nhà bà con nương náu.

Cả gia đình Ký cũng không ai đồng ý việc hai người đến với nhau, chỉ vì cô gái kia là người quá mảnh mai, yếu ớt, vóc dáng nhỏ bé lại hay ốm đau, thì làm sao có thể là người vợ đảm lo cho chồng?

Nhật ký ông viết năm nào, có đoạn: “Mình không ngờ N lại có được những suy nghĩ sâu sắc và táo bạo như vậy. Đây thực sự là người bạn đời mình mơ rồi chăng?...Thế rồi... một nụ hôn đầu... Một vòng tay âu yếm từ N. Mình lặng đi trong giây phút hạnh phúc đầu tiên.

Sóng gió qua đi, mọi người cũng thuyết phục được hai bên gia đình đồng ý cho Ký - Nhiễu nên vợ nên chồng. Công lớn là công của nhà thơ Đoàn Văn Cừ - một người có họ hàng với nhà cô dâu.


Góc làm việc thân thuộc này đã viết nên rất nhiều tác phẩm giá trị cho các thế hệ học sinh

Ký không thể nào quên món quà cưới của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tặng sau đám cưới của mình. “Nhân dịp năm mới, đồng thời nhân dịp vui lớn của cháu, bác thân ái gửi đến cháu Ký và cháu Nhiễu những lời chúc tốt đẹp nhất của bác...”. Đặc biệt hơn trong gói quà cùng với bốn mét vải lụa trắng, bốn mét vải kaki màu ghi có chiếc khăn bằng loại vải trùng tên với Nhiễu.

Năm 1994, ông vào TP HCM để chữa bệnh. Sau đó vì người vợ thân yêu cũng lại bị bệnh nặng nên ông đã đưa vợ vào TP HCM chữa bệnh trước sự giúp đỡ của nhiều bạn bè, tổ chức, các trường ở quận 1, rồi quận Gò Vấp của thành phố thiết tha mời ông về dạy học tại ngôi trường của họ.

Cuối cùng, ông đã nhận lời làm việc ở Phòng GD - ĐT quận Gò Vấp. Ngôi nhà mà gia đình ông đang ở hiện nay là món quà lớn của mọi người dành tặng, đã được cất lên từ năm 1996.

Những tháng ngày hai vợ chồng ông đều bị bệnh nặng, cả hai người mà chỉ còn có... một cánh tay có thể làm việc được, lúc này người vợ thương chồng lo lắng biết bao nhiêu, nghĩ mình không qua khỏi đã thầm tâm nguyện với chồng một điều nếu có mệnh hệ gì thì hãy tục huyền với người em gái góa phụ hơn mười năm nay của bà để hai người có thể chăm sóc cho nhau lúc tuổi già.

Ngày 3/2/2001 cơn tai biến mạch máu não đã cướp đi người vợ hiền thân yêu của ông. Giữa tháng ngày này, người em gái của bà, đã lặng lẽ tìm vào TP HCM với anh rể của mình, thay chị gái trông nom anh những khi trái gió trở trời. Có nhiều người bạn đã “tếu” ông rằng, đây có thể coi như sự nghiêm túc của hai lần lấy vợ.

Ông vẫn không nghĩ là mình già, vẫn rất đam mê với công việc của một nhà tư vấn tâm lý học đường sau khi nghỉ hưu. Công việc mới của ông, hàng ngày là sẵn sàng lắng nghe thấu hiểu các cuộc điện thoại từ mọi nơi trên đất nước gọi về với biết bao nhiêu mảnh đời ngang trái cần ông chia sẻ. Ông  vẫn rất sẵn sàng cầm điện thoại trên đôi chân và lắng nghe cuộc đời bốn phương đang gõ cửa nhà mình.

Có thể nói Nguyễn Ngọc Ký là người Việt Nam lập kỷ lục với số buổi giao lưu nhiều nhất, hơn một ngàn buổi. Có những buổi giao lưu với các trường, sau đó họ nhận xét: “Ba mươi phút giao lưu của thầy còn hiệu quả hơn việc chúng tôi dạy các em môn Giáo dục công dân cả năm”.

Thậm chí có dòng họ, trong buổi lễ trao học bổng cho con cái, cháu chắt trong họ tộc đã mời vợ chồng ông đến nói chuyện, làm tấm gương cho các cháu noi theo.

Trong suốt bao nhiêu năm tháng ấy ông đã đi giao lưu với rất nhiều các thầy, cô giáo, các em học sinh các trường từ tiểu học tới đại học trong cả nước. Buổi giao lưu đầu tiên của ông là năm 1961, khi ông đang học lớp 6 với Trường cấp II, xã Hải Tiến, Hải Hậu, Nam Định.

Với sự nghiệp dạy và học của mình, có lẽ ít có người liên tục trong hai mươi năm được bầu là Chiến sĩ thi đua như nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Ông đã hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu.

Trong con đường sáng tác văn học, ông có rất nhiều tác phẩm, từ hàng ngàn câu đố dành cho thiếu nhi đã được in thành sách tới những cuốn tự truyện và nhiều tập thơ được xuất bản. Tháng 1/2006, ông đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc thi UPU, viết thư cho người em ngưỡng mộ nhất phát động trong giới học đường, ông là người có hơn 10 nghìn bức thư các em viết gửi về ông.

Năm 1994 ông vào TP HCM sinh sống. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng hiện giờ thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn rất quan tâm tới cuộc sống quanh mình, đặc biệt những học trò thân thương của thầy. Và hơn cả, ông vẫn miệt mài sáng tác và viết nên những bài viết ý nghĩa cho thế hệ học trò hôm nay.