Hội họa

Thế giới sáng tạo Đinh Phong, những mẫu tự của một tử ngữ huyền bí

Nguyệt Phạm • 21-04-2021 • Lượt xem: 9971
Thế giới sáng tạo Đinh Phong, những mẫu tự của một tử ngữ huyền bí

Triển lãm tranh, tượng cá nhân lần thứ hai của họa sĩ Đinh Phong với chủ đề "Giấc mơ siêu thực" khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tối 11.4.2021 đã gây nhiều chú ý trong dư luận và thưởng thức công chúng. DDVN giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyệt Phạm vừa gửi về sau khi cô trực tiếp đến xem tranh với những cảm xúc và chiêm nghiệm từ thế giới sáng tạo của người họa sĩ...  

Tin và bài liên quan:

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân: Tốc lực nghệ thuật

Điêu khắc Đào Châu Hải, một bước ngoặc trong nghệ thuật Việt Nam (Kỳ 1)

Siêu thực trong hội họa Đinh Phong (Kỳ 2)

Trường hợp Trần Hải Minh: Nghệ thuật như một ý niệm khác biệt!

Họa sĩ Ca Lê Thắng: 'Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới'

Tôi đã bắt gặp một thế giới mơ màng bất toàn, bay ngẫu nhiên nhưng lại hài hoà, hợp lý. Trong không gian đó, tôi tìm được cảm giác thư thái, dễ chịu dù anh không cố tình tạo ra một không khí dễ chịu.

Đối với tôi, không gian nghệ thuật Đinh Phong là một không gian trầm tích, huyền hoặc, sâu thẳm. Lần đầu lạc vào đó, tôi cảm nhận một th

ứ mơ hồ như lạc vào một giấc mơ xưa cũ của chính mình hay của ngàn, vạn đời đã qua.

Họa sĩ Đinh Phong trong một lần nói chuyện về điêu khắc với bạn đồng nghiệp tại Hà Nội, 1.2021.

Theo tôi, tranh Đinh Phong thuộc dòng tranh trừu tượng với bố cục liệt kê, đồng hiện. Trên bề mặt ấy, bao nhiêu "của cải", bao nhiêu câu chuyện được kể cùng lúc như một tập hợp những chiếc màn hình riêng mình tự chiếu cuốn phim của mình trong một màn hình lớn.

Tất cả chúng đều có một mối liên kết chung là màu sắc và thẩm mỹ vô thức của người hoạ sĩ.   

Trong một phòng triển lãm 'Sắc mơ siêu thực" của họa sĩ Đinh Phong tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chiều 10.4.2021. Từ phải sang: Họa sĩ nhà phê bình Lý Trực Sơn, nhà sưu tập Thanh Hải - Mai Gallery, họa sĩ Trần Lưu Mỹ, Họa sĩ Ca Lê Thắng, nhà điêu khắc Đào Châu Hải và nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. 

Cấu trúc, bố cục tranh, thoạt đầu có cảm giác như là sự đặt để rời rạc, ngẫu nhiên nhưng khi dời bước ra xa để có cái nhìn toàn diện thì ta thấy các khoảng âm và dương (những khối hình và khoảng không) đan xen như cách các hoa văn chuyển động, những cây lá và sông suối đan chen và tránh né nhau tạo nên một môi sinh hài hoà.

Bên cạnh đó, sự rời rạc của các mảng bố cục được sự mạnh mẽ của màu sắc đậm nhạt cứu vãn làm cho bố cục chắc khoẻ hơn. Anh đã tạo nên một thế giới để "Những mẫu tự của một tử ngữ huyền bí" được tự do quẫy đạp, tự do bơi lội.

Và chính nó gây được cảm giác mơ màng hoài niệm rất xa xôi từ tiền kiếp. Người xem sẽ phát sinh khát khao kết nối, tạo dựng một tổng thể xuyên suốt, lắp ghép lại như một trò chơi logo để từ đó mường tượng một chân dung, một con người, một tính cách nghệ thuật huyền hoặc sâu kín và thú vị.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải (trái) đang cùng họa sĩ Đinh Phong xếp đặt lại các khối tượng điêu khắc trong triển lãm "Giấc mơ siêu thực" tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính - Q.1.TP.HCM)  

Điêu khắc của họa sĩ Đinh Phong dưới cách nhìn của tôi cũng thuộc trường phái trừu tượng. Có thể do thói quen sưu tập cổ vật nên các tác phẩm cũng mang dáng dấp của những mẫu cổ vật.

Cổ vật như những mảng vỡ rời rạc ký ức từ tiềm thức xa xưa được khai quật. Một bảo tàng văn hoá tâm thức cá nhân. Tác phẩm điêu khắc của Đinh Phong rất chú ý đến khối âm dương (khuyết, lồi) vừa như những mảnh vỡ nhưng cân đối hài hoà, vừa như một chỉnh thể đầy đủ.

Đặc biệt, điêu khắc của anh không phải để hiểu và để mơ. Tác phẩm của anh còn để chiêm nghiêm. Những đường chém tức tối chính là dấu vết đứt gãy, đứt bể, đó còn gì khác nếu không phải là kết quả khủng hoảng, chồng lấn dấu vết của đời người, của lãng quên thời gian? 

Người ta có thể thấy tìm thấy trong điêu khắc, trong tượng Đinh Phong sự tàn phá của thời gian nhưng mặt khác cũng có thể nghiêm ra rằng chính thời gian sẽ cắt bỏ đi nhưng rườm rà vướng víu.

Và, cái đẹp không cần phải hoàn hảo mà cái đẹp là cái còn lại qua thời gian!

Bài viết về triển lãm "Giấc mơ siêu thực" trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ Sáu, 16.4.2021 đánh giá với nhiều phân tích và ghi nhận "Hội họa Đinh Phong, cơn gió lạ thổi vào mỹ thuật Việt". 

Mặt khác, những tác phẩm của Đinh Phong cho thấy cách làm việc thống nhất giữa Hội hoạ và Điêu khắc trong thế giới sáng tạo của anh. Điêu khắc như những mảng khối vật chất hiện thực hoá được tách ra từ những giấc mơ hội hoạ.

Với việc dùng chất liệu gốm và đồng để thể hiện tác phẩm cho thấy ý nghĩa cách thức khai thác những địa tầng đất đá thời gian như địa tầng tâm thức con người. 

Rất nhiều các bạn trẻ đã tìm đến trong triển lãm họa sĩ Đinh Phong trực tiếp livestream, đưa tin trên facebook, Zalo.. vì thế giới sáng tạo của anh rất gần với những giấc mơ của họ. 

Mỗi tác phẩm như chứa đựng rất nhiều câu chuyện bí mật của quá khứ, người ta nhìn ngắm lắng nghe nó, rồi bất chợt trong sự yên ắng lắng lòng ấy, người ta nghe thấy những giấc mơ của chính mình, những khát vọng sống tiềm ẩn trỗi lên, những ấp ủ riêng tư muốn được giải thoát...

(Sài Gòn, nhân xem triển lãm "giấc mơ siêu thực" của họa sĩ Đinh Phong, khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tối 11.4.2021).

Nhà thơ Nguyệt Phạm