VĂN HÓA

Thực hư đạo diễn 'Phượng Khẩu' nhái phim Trung Quốc?

Châu Anh • 20-02-2020 • Lượt xem: 1728
Thực hư đạo diễn 'Phượng Khẩu' nhái phim Trung Quốc?

Nhiều người sau khi xem trailer đã tố đạo diễn "Phượng khẩu" nhái lại phim từ Diên Hy Công Lược của Trung Quốc. Có người còn nói đây là phiên bản Như Ý Truyện của Việt Nam. Bên cạnh đó nhiều người rất bất bình vì một tác phẩm văn hóa của Việt Nam lại bị đem ra chế giễu là ăn theo, đạo nhái. 

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, trước các thông tin đó đã có thái độ bình thản, anh cho rằng các blogger Trung Quốc ý kiến hoàn toàn sai lệch, nên không muốn tranh cãi.

“Một khán giả biết tiếng Hoa đã gửi link đó cho tôi đọc rồi. Riêng tôi điều đó đang thể hiện một tín hiệu tích cực là nền phim cổ trang của Việt Nam từ trước đến Phượng khấu đã tạo ra một sức hút, dấu ấn nhất định. Nói về phim cổ trang, cung đấu thì Trung Quốc là hàng đầu rồi, sau đó đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Nên hỏi tôi có học hỏi gì từ Diên Hi công lược không thì tôi nói có, không có gì xấu hổ hết. Nhưng thực chất Phượng khấu đang đi những bước đi hơn cả một bộ phim. Tôi quan niệm phim hay sân khấu, bất cứ thể loại nào tôi làm đều dùng nó là phương tiện để giữ gìn, truyền tải, phát huy cái đẹp, văn hóa Việt Nam. Có thể về trình độ sản xuất, kinh nghiệm, điều kiện của mình không bằng nhưng Phượng khấu đã đạt được sự riêng biệt, đặc sắc, thẩm mỹ từ thời ông cha mình về trang phục và khơi gợi cho giới trẻ về niềm tự hào lịch sử, văn hóa Việt. Mục tiêu cuối cùng của tôi là đưa cái hay, cái đẹp của Việt Nam lên màn ảnh", đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, người phục dựng mũ triều Nguyễn thành công

Diễn giải về trang phục trong phim "Phượng khẩu", đạo diễn nói: “Về phục trang trong Phượng khấu đã chứng minh rằng thẩm mỹ, gu thời trang của người Việt có cái riêng, đặc sắc và gợi niềm tự hào về trang phục, quốc phục Việt Nam. Đầu tiên phải nói chính xác là trang phục, màu sắc, hoa văn, họa tiết của các nước đồng văn châu Á đều ảnh hưởng nhau. Nếu có kiến thức thì sẽ biết kiểu dáng trang phục thời Mãn Thanh, họ mặc Trường Sam còn trang phục “ngũ thân tay chẽn" được ra đời vào nửa cuối thế kỷ thứ 18 trong đợt cải cách trang phục Đàng trong của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Hơn nữa về trang phục người Việt không chuộng gắn quá nhiều trang sức trên đầu vì tóc của người Việt rất đẹp, chỉ phục sức ở phần cổ và tay. Và áo Nhật Bình là đặc trưng không tìm ở đâu ra trong bất cứ triều đại nào của Trung Quốc. Đó là sự khác biệt và vì sao Phượng khấu chọn trang phục chiếc áo Nhật Bình của nhà Nguyễn. Mọi người đang xem trailer, cũng có người chê màu sắc sến sẩm giống cải lương nhưng tôi nói thật nếu giống cải lương thời hoàng kim của cô Thanh Nga hay cô Kim Cương thì đó là niềm hãnh diện cho chúng tôi đấy”.

Hiện nay phim cung đấu ở Việt Nam vẫn là một thị trường phim thiếu người xem vì không có phim hoặc không có phim hay. Sự xuất hiện của "Phượng Khẩu" lần này không khỏi gây nên những tò mò. Một trong những khó khăn trong việc làm phim cung đấu, đó là trang phục. Các đoàn phim gặp phải những khó khăn trong việc tìm vải, may trang phục... để ra được bối cảnh và không khí của phim.

Hình ảnh trong phim Phượng khẩu

“Trong cách nhìn của tôi thì trang phục của nhà Nguyễn rất rực rỡ, xa hoa chứ không u tối, cũ kỹ. Đặc trưng kiến trúc của triều Nguyễn là màu sắc của khảm trai, gỗ xà cừ… nên không thể nhìn vào nói là giống Tàu được. Tôi đã xử lý màu sắc trang phục tông rực rỡ để nổi trên nền kiến trúc ấy chứ. Còn về bối cảnh mà nói giống thì càng không chính xác vì phim trường Trung Quốc rất chuyên nghiệp còn mình là phim trường dã chiến”. Huỳnh Tuấn Anh nói thêm.