VĂN HÓA

Thủy đài – di sản công nghiệp độc đáo giữa lòng đô thị

Cẩm Chi • 03-02-2023 • Lượt xem: 4662
Thủy đài – di sản công nghiệp độc đáo giữa lòng đô thị

Ngoài chức năng điều tiết nước, những tháp nước sừng sững như một di sản văn hóa, gợi lại một nét kiến trúc của một thời đại, là một phần ký ức của đời sống đô thị.

Thủy đài (tháp nước) là những bồn chứa nước được đặt ở trên cao và có vai trò điều áp lưu lượng nước chảy đến đường ống của tất cả các khu vực dân cư trong thành phố. Đây là công trình kiến trúc đề cao ở tính công năng. Với nhiều chuyên gia, thủy đài cũng là một biểu trưng của thành phố, là hình ảnh có tính công nghiệp, đánh dấu sự trưởng thành của đô thị trong việc kiến tạo tiện ích sinh hoạt cho người dân.

Các thủy đài được xây dựng với vật liệu bê tông trần theo kiến trúc hiện đại, chủ nghĩa thô mộc. Kích thước của chúng cao tới 30m - 40m, đường kính chỗ rộng nhất 16m, có sức chứa trung bình khoảng 1,2 - 8 triệu lít nước. Kết cấu của thủy đài là bê tông dự ứng lực rất vững chãi, kiên cố, có khả năng chịu lực trên 100 năm. Sự hiện diện của thủy đài tạo nên đường bóng chân trời (đường Siluet) để có thể nhận diện thành phố từ xa. Vì vậy, nhìn từ xa, thủy đài như một cây nấm khổng lồ, độc đáo.

Thủy đài đã có từ lâu đời trên thế giới. Ở Việt Nam, chúng được người Pháp, Mỹ thiết kế và xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, giữ vai trò là công trình thuộc hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các thành phố lớn. Các công trình thủy đài ở nước ta hiện còn 11 cái (Hà Nội, Phan Thiết và TP.HCM).

Thủy đài Hàng Đậu, Đồn Thủy

Tháp Hàng Đậu xây dựng năm 1894, trước cả cầu Long Biên, nằm tại ngã sáu của các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng. Thủy đài này là công trình đầu tiên ghi dấu sự thay đổi bộ mặt thành thị của Hà Nội, khi người Hà Nội chuyển từ nước máy thay thế nước giếng đào, ao hồ. 

 

Tháp nước Hàng Đậu trở thành điểm check-in thơ mộng của thủ đô

Xây cùng thời điểm, tháp nước Đồn Thủy nằm lọt trong khuôn viên của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm. Công trình này hiện không còn giữ nguyên cấu trúc ban đầu, trừ vỏ ngoài. Đài nước bằng thép ở đỉnh tháp đã được tháo dỡ, hệ thống ống nước lên và xuống cũng không còn. Mái tôn được thay mới. Từ công năng cấp nước ban đầu, tòa tháp hiện được chuyển đổi thành khu làm việc cho nhân viên.

Tháp nước Đồn Thủy ở trong khuôn viên Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm.

Hai tháp nước này được xây dựng kiên cố như pháo đài bằng đá phá thành cổ Hà Nội vào năm 1894, cùng xây theo một kiểu nên giống nhau như hệt. Đài xây hình tròn, đường kính 19 mét, tường cao hơn 20 mét, kể cả nóc là 25 mét, hình chóp nón. Với tổng dung tích 2.500 m3, vào cuối thế kỷ 19, đầu 20, nước từ nhà máy được đưa lên hai tháp để phân phối theo ống dẫn đi khắp nơi trong thành phố. Dưới chân tháp nước có cửa ra vào, trong tháp xây những bức tường đá có khoảng cách đều đặn như nan hoa xe đạp, có cửa thông đi vòng quanh tháp. Những bức tường trong tháp để đỡ bể chứa nước làm bằng tôn để phía trên, gọi là chòi nước.

Gắn bó với Hà Nội hơn 110 năm, tháp nước Hàng Đậu và Đồn Thủy được người dân thủ đô qua nhiều thế hệ yêu quý như những con phố cổ. Điều đặc biệt là trải qua nhiều năm chiến tranh, công trình không hề dính một mảnh bom, viên đạn nào.

Thủy đài Phan Thiết

Có tuổi đời hơn 90 năm, tháp nước Phan Thiết (Bình Thuận) nằm bên sông Cà Ty do hoàng thân Xuphanuvong (Lào) thiết kế, trở thành biểu tượng tình hữu nghị Việt – Lào.

Tháp nước được xây dựng theo hình trụ bát giác đều, chiều cao từ nền lên đỉnh là 32m. Phần bầu đài (bồn nước) hình bát giác, cao 5m, đường kính 9m, có thể chứa 350 m3 nước. Phần dưới của tháp cao 22m, đường kính chân tháp là 10m. Nóc của lầu đài có 3 tầng mái che hình bát giác lợp bằng ngói móc.

Tháp nước Phan Thiết nằm thơ mộng ngay bên dòng sông Cà Ty (Bình Thuận)

Bao quanh Tháp nước Phan Thiết ghi dòng chữ “U.E.PT” (viết tắt chữ “Unise Des Eaux de Phan Thiet” - Nhà máy nước Phan Thiết), được ghép bằng những mảnh chén sứ kiểu theo lối viết chữ hình tròn. Dọc theo các cạnh của thân tháp từ trên xuống có bố trí 5 ô thông gió được trang trí các hoa văn chữ triện tương ứng với 5 chữ: "Hỷ", "Phúc", "Thọ", "Kiết", "Lộc". Hàm ý cầu chúc cho muôn người vui vẻ, hạnh phúc, trường thọ, thịnh vượng và no ấm.

Tháp thi công từ năm 1928 đến 1934 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho toàn vùng đô thị Phan Thiết. Hiện, tháp nước trở thành biểu tượng thiêng liêng của người dân thành phố, đi vào thơ ca và âm nhạc của xứ biển Phan Thiết, điểm đến lịch sử truyền thống của du lịch địa phương.

Thủy đài Sài Gòn

Khi chiếm Sài Gòn, năm 1878 người Pháp đã cho xây tháp nước đầu tiên ở vị trí hồ Con Rùa hiện nay để cung cấp nước cho người dân thành phố. Đến năm 1921, người Pháp cho dỡ thủy đài này để xây hồ với mục đích trấn yểm.

Tháp nước đầu tiên của Sài Gòn ở hồ Con Rùa

Trong thập niên 1960 (khoảng 1965-1969), người Mỹ xây dựng 8 thủy đài lớn là ở đường Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh), Hồ Văn Huê (Phú Nhuận), Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), Nguyễn Văn Tráng (quận 1), Ba Tháng Hai (quận 10), Hoàng Diệu (quận 4), Võ Văn Kiệt (quận 5), Phạm Phú Thứ (quận 6). Chúng được thi công đồng loạt với mục đích ổn định nguồn nước cho các khu vực ở xa nhà máy nước Thủ Đức (hoàn thành năm 1966) với tổng dung tích gần 50.000 m3 và công suất bơm khoảng 480.000 m3 một ngày.

Thủy đài trên đường Hoàng Diệu cắt Nguyễn Tất Thành (quận 4)

Tuy nhiên, khi xây dựng xong thì thủy đài vận hành bị rò rỉ nên bỏ hoang hơn 40 năm. Hiện nay, các thủy đài này đang được lên phương án tháo dỡ để đầu tư thành bể chứa nước ngầm, trạm châm clo phục vụ mục đích cấp nước an toàn. (đường Nguyễn Văn Đậu, Nguyễn Văn Tráng đã phá bỏ một phần).

Thủy đài cổ nhất và được bảo tồn tốt nhất thành phố nằm trong khuôn viên của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, được Pháp xây dựng vào năm 1886. Đây là một trong hai thuỷ đài xưa nhất Đông Dương, đã tồn tại 136 năm.

Thủy đài Sawaco ở Công trường Quốc tế (quận 3)

Đài nước được thiết kế theo hình oval, cao 25 m. Phía trên là hai bồn nước hình tròn với sức chứa 1.000 - 1.500 m3. Những bức tường bao quanh đài nước có độ dày từ 1,6 đến 2 m làm nhiệm vụ chịu lực. Hàng loạt cửa chính, cửa sổ, lỗ thông gió được chạm khắc hoa văn. Phần nền móng được xây dựng bởi các tầng đá hoa cương bền chắc. Thủy đài này được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP và trở thành phòng Truyền thống của ngành nước thành phố.

Ngoài các thủy đài khổng lồ này, thành phố còn khoảng gần 10 thủy đài nhỏ, sức chứa 50 m3 đến 150 m3 phục vụ việc cấp nước cho các chung cư nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố.