Duyên Dáng Việt Nam

Tìm thấy ấn triện vàng gần 8kg cách đây 4 thế kỷ

Kim Ngân • 01-05-2020 • Lượt xem: 783
Tìm thấy ấn triện vàng gần 8kg cách đây 4 thế kỷ

Khi nghiên cứu di tích ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từng là chiến trường triều đại nhà Minh cách đây gần 4 thế kỷ, các nhà khảo cổ tìm thấy ấn triện cực kỳ quý hiếm, làm từ vàng nguyên chất cùng hơn 10.000 cổ vật khác.

Tin, bài liên quan:

Phát hiện ‘kho báu’ khổng lồ từ 12 xác tàu đắm dưới Địa Trung Hải

Trứng đà điểu là vật trang trí xa xỉ 5.000 năm trước

Tìm thấy kho tiền xu cổ gần 2000 năm tuổi

Ông Liu Zhiyan, giám đốc khảo cổ ở Viện nghiên cứu khảo cổ và di tích văn hóa tỉnh Tứ Xuyên và các chuyên gia vừa phát hiện ấn triện làm từ vàng nguyên chất 95%, nặng hơn 7,7 kg tại Di tích lịch sử Giang Khẩu Trần Dận. Đây là lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu tìm thấy một vật phẩm bằng vàng thuộc về người thừa kế một ngai vàng Trung Quốc.

Ấn triện có kích thước 10 x 10 cm, được chạm khắc tỉ mỉ, phần tay cầm hình con rùa có dòng chữ "Báu vật của Thục vương". Ấn bị chia thành 4 mảnh và là cổ vật đáng chú ý nhất. Các nhà nghiên cứu suy đoán đây là một trong những vật báu được phân tán khi hoàng đế bị lật đổ trong cuộc nổi dậy cách đây hơn 370 năm.


Ấn triện với phần tay cầm hình con rùa

Ông Liu nhận định đây là "một trong những phát hiện quan trọng nhất những năm gần đây" và ấn triện "là loại duy nhất trên thế giới". Theo ông Liu, ấn triện này là vật sở hữu của Trương Hiến Trung, lãnh tụ khởi nghĩa nông dân cuối thời nhà Minh, từng đánh chiếm vùng Tứ Xuyên ngày nay vào năm 1644. 
Các nhà khoa học cho rằng Trương Hiến Trung đã chia “biểu tượng quyền lực” này thành 4 mảnh để biểu thị sự kết thúc của triều Minh. Họ cần nghiên cứu thêm để xác định chính xác ấn triện thuộc về vị Thục vương nào. 

Ấn triện là vật quý hiếm nhất trong khoảng 10.000 cổ vật được tìm thấy

Ngoài ấn triện vàng còn có 10.000 cổ vật khác, bao gồm 2.000 đồ tạo tác có giá trị đặc biệt như đồng xu bằng vàng, bạc, đồng, đồ trang trí và trang sức... Đây là kết quả của cuộc khai quật kéo dài hàng tháng ở Di tích lịch sử này. 
Ông Liu cho biết những đồ tạo tác được tìm thấy ở sâu bên dưới lớp đất đá và lòng sông, có nghĩa chúng đã nằm ở đó trong thời gian dài. Khúc sông này nhiều khả năng là trận địa nơi Trương Hiến Trung bị Dương Triển, vị tướng nhà Minh, phục kích. 1.000 tàu cùng nhiều kho báu đã chìm xuống lòng sông. Ngoài ra, các nhóm đồ tạo tác cũng hé lộ Trương Hiến Trung đã phân loại và sắp xếp số châu báu khi rời Thành Đô. 

Các thỏi vàng, đồng xu, đồ trang sức khác được khai quật

Trong cuộc khai quật thứ nhất và thứ hai, chúng tôi tìm thấy chủ yếu là vũ khí, đồ dùng và đồ trang sức, nhưng lần thứ ba đã tiết lộ những kho báu như tiền xu và các vật có giá trị khác”, ông Liu cho biết thêm.
Đây là giai đoạn 3 của dự án khảo cổ lớn bắt đầu vào mùa xuân năm 2017 bên bờ sông Dân ở thị trấn Giang Khẩu của Tứ Xuyên với khu vực khai quật rộng 5.000 m2, nằm ở lòng sông Dân, hay còn gọi là sông Mân (một nhánh của sông Dương Tử), tỉnh Tứ Xuyên. 

Khu vực khai quật ấn triện và hàng chục nghìn cổ vật khác

Giai đoạn khai quật đầu tiên bắt đầu vào tháng 4/2017 và giai đoạn thứ hai diễn ra vào tháng 1/2018 với tổng cộng hơn 52.000 cổ vật được tìm thấy. Số cổ vật này sẽ được bảo quản trong bảo tàng Giang Khẩu dự kiến xây dựng vào cuối năm 2020, với vốn đầu tư 500 triệu nhân dân tệ (1.647 tỷ đồng). 
Trước đó, kho báu của Trương Hiến Trung bắt đầu dạt vào bờ biển ở thị trấn Giang Khẩu giữa những năm 1950 và 1990.

(Theo Daily Mail)