VĂN HÓA

"Tôi muốn viết một bộ bách khoa thư về những cảm xúc quen thuộc"

Tơ Tằm • 25-08-2024 • Lượt xem: 2256
"Tôi muốn viết một bộ bách khoa thư về những cảm xúc quen thuộc"

Đã bao giờ bạn thử gọi tên từng cảm xúc vụn vặt trong ngày chưa? Ừ thì nó giống như cách mà mọi người vẫn nói với nhau đó: Buồn, vui, tức giận, hân hoan, mừng rỡ, đau đớn, lâng lâng… Nhưng sự thật thì mình sẽ diễn đạt nó rõ ràng được đến mức nào?

Đã bao giờ bạn thử gọi tên từng cảm xúc vụn vặt trong ngày chưa?

“Hôm nay em buồn.”

“Buồn đến mức nào?”

“Thì là buồn, nó như kiểu… Em không biết nữa, là như vậy thôi.”

Thỉnh thoảng mình tắc tị khi muốn diễn đạt chính cái thứ cảm xúc đơn thuần nhất trong lòng mình. Ừ thì nó giống như cách mà mọi người vẫn nói với nhau đó: Buồn, vui, tức giận, hân hoan, mừng rỡ, đau đớn, lâng lâng… Nhưng sự thật thì nó như thế nào? Nỗi buồn hôm nay không giống hôm qua. Niềm vui hôm nay cũng có vẻ mới mẻ. Nỗi đau vật lý cũng khác với nỗi đau trong lòng… Mà mình đâu thể phân cấp cho các cảm xúc như chấm điểm được, “buồn cấp một,” “buồn cấp hai,” thế à?

Ông Perdu trong “Hiệu sách nhỏ ở Paris” có một “Hiệu thuốc văn chương”, nơi mà ông dùng những cuốn sách để hóa giải cho “những nỗi đau nhức nhối vô phương lý giải nhưng lại rất chân thực” – hay là “những cảm xúc không được xem là đau đớn, mà các bác sĩ sẽ không bao giờ chẩn đoán được.” Và cuốn bách khoa thư đó là mong muốn của ông khi chứng kiến các vị khách đầy hoang mang bế tắc bước đến con thuyền của ông mà chẳng biết tìm gì cho mình.

Ông nói rằng sách cũng như thuốc cần được kê đơn, sách còn hơn cả bác sĩ, và mỗi người sẽ cần cho mình một cuốn sách đúng để đọc. Ông giúp họ làm việc đó. Ông nhìn thấy nỗi sợ của họ, trong khi họ khăng khăng rằng họ chỉ cần tìm kiếm một giải pháp tức thời. Và nếu như họ chọn sai một cuốn sách thì cảm xúc của họ cũng sẽ lệch lạc theo. Ông đọc vị tâm hồn người khách để bán những cuốn sách sẽ đối xử tử tế đối với họ.

“Tôi thường tự hỏi tại sao người ta không viết thêm về sống… Sao ông không viết một cuốn?

Tôi lại muốn viết một bộ bách khoa thư về những cảm xúc quen thuộc, ” ông [Perdu] nói. “Vần L sẽ có ‘Lo lắng khi cho người khác đi nhờ xe’, vần C là ‘Cảm giác tự mãn của những người dậy sớm’, vần S thì có ‘Sốt sắng giấu ngón chân, hay nỗi sợ người kia sẽ không yêu ta nữa nếu thấy bàn chân ta’.”

Sau khi đọc đoạn văn đó, mình dừng lại thử lắng nghe bản thân mình một chút. Mình nhìn từng ngón tay mình đang nằm dưới nắng, nhúc nhích nó, rồi di chuyển vệt nắng dần lên cánh tay, bắp tay, dừng lại nơi hình xăm nhỏ ở bờ vai. Nó cho biết mình thật sư có hiện diện. Mình co người ôm lấy đầu gối, đầu vẫn nghiêng về phía hình xăm vẽ ngọn núi có ánh mặt trời. Sau một quãng thời gian khá dài thì phần hông mình tê dần đi, mất cảm giác. Mình tự hỏi, phần cơ thể đó đi đâu rồi, khi nào thì đến những phần khác?

“Nỗi buồn như một mớ slime lỏng sệt, còn em cứ chìm dần, chìm dần vào trong nó, trộn lẫn rồi biến mất…”

“Nỗi sợ mình bị tan ra.”

Đột nhiên mình đã có thể gọi được một vài thứ cảm giác rõ ràng. Cho dù sau đó chẳng để làm gì cả, thì việc diễn đạt ra được cũng khiến mình vui hơn rất nhiều. Thậm chí mình lại muốn đưa vào bách khoa thư của ông Perdu một định nghĩa này: “Vui như khi cảm xúc trong lòng mình được nói ra thành tiếng.”

Là thế hệ Millennials, từ bé mình đã được dạy dỗ nghiêm khắc cùng sự bận rộn của người lớn. Trong trí nhớ của mình, ba má ít khi hỏi rằng, “Hôm nay con thấy thế nào?” Có lẽ người lớn sẽ thường mặc định rằng trẻ con không có nhiều thứ để lo nghĩ nên cũng không có những cảm xúc đặc biệt để lưu tâm. Mỗi ngày của mình đều sẽ trôi qua như một bản nhân đôi của ngày hôm trước, chỉ khác nhau bởi thời khóa biểu. Mình biết có gì đó không ổn khi trong người mình lúc nào cũng như có một khoảng trống toang hoác, thờ ơ với thực thể là mình. Dần dần, mình làm bạn luôn với khoảng không đó, lờ đi những biểu hiện mong manh của cảm xúc. Những trang sách lấp đầy những túi khí cho mình. Mình đọc những từ ngữ tinh tế, ghi nhớ cảm xúc của nhân vật, hình dung nó lại ở ngoài đời. Đôi khi mình nhận ra được những cảm giác quen thuộc, đôi khi là trải nghiệm mới. Tất cả từ mơ hồ ảm đạm sẽ chuyển sang sắc nét lung linh.

Nhưng, đúng như ông Perdu nói, không phải ai cũng biết chọn cho mình một cuốn sách phù hợp với trạng thái của mình lúc đó. Điều duy nhất mình có thể làm là vơ đại một cuốn có cái tựa đề sâu sắc, bám víu lấy câu chữ của nó. Mình còn ngỡ rằng mình hiểu hết nội dung, hoá thân mình trọn vẹn. Nhưng chẳng hiểu sao cái lỗ hổng kia lại bắt đầu phình ra hơn nữa… “Ôi mình sai rồi, những lời này nghe thật mệt! Thứ mình muốn lúc này là một sự vỗ về, không phải lời giáo huấn.” Tại sao? Vì mình không hiểu mình, không biết cảm xúc lúc đó là gì và mình cần gì.

Gọi tên cảm xúc cũng như một thói quen, thứ mà cần được hình thành từ nhỏ. Ti tỉ những chuyển động trên cơ mặt mình mỗi ngày đều có ý nghĩa và lý giải riêng, chỉ là mình bỏ qua mất mà không biết. Vì mải chạy theo gạo muối củi dầu. Vì phải chăm lo cho người khác, đành gạt qua yêu ghét cá nhân. Vì cái tôi to lớn không chấp nhận sự đòi hỏi của trái tim yếu đuối… Bao nhiêu người có thể trơ lỳ đến mức không diễn đạt nổi nội tâm mình ra dù chỉ một chút? Nên nếu ông Perdu có viết cuốn bách khoa thư đó, mình sẵn lòng tham gia vô điều kiện, để những cảm xúc vụn vặt được gọi tên.

Ảnh: Tơ Tằm