VĂN HÓA

Top 3 phong tục đón Tết độc đáo của các dân tộc thiểu số

Minh Trung • 02-01-2023 • Lượt xem: 922
Top 3 phong tục đón Tết độc đáo của các dân tộc thiểu số

Từ bao đời nay, các dân tộc thiểu số ở nước ta luôn có những nét văn hóa đặc sắc riêng biệt từ lối sống, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ. Không chỉ vậy, những phong tục độc đáo để chào đón Tết Nguyên đán của các dân tộc này cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc, góp phần xây dựng một bản sắc văn hóa phong phú đa dạng của mảnh đất hình chữ S. 
 

Người Pu Péo với phong tục cướp giọng gà

Người dân tộc Pu Péo có những đặc trưng về phong tục tập quán và ngôn ngữ rất riêng, họ cũng sử dụng lịch theo triều đại nhà Chu ở Trung Quốc giống với một số dân tộc thiểu số khác. Theo đó, một chu kỳ sẽ kéo dài 12 năm, một năm gồm 12 tháng, mỗi tháng từ 29 đến 30 ngày và cứ 3 năm cũng có một năm nhuận như lịch âm truyền thống của nước ta. Vì vậy, người dân tộc Pu Péo cũng chào đón năm mới cùng thời điểm với một số dân tộc khác.

Một trong những phong tục đón Tết đặc sắc của người dân tộc Pu Péo chính là cướp giọng gà. Theo đó, vào đúng thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, người Pu Péo sẽ phân công để trông chừng những chú gà trống trong chuồng. Chờ đúng lúc bầy gà đập cánh, chuẩn bị gáy vang đón chào ngày mới, người Pu Péo sẽ đốt một quả pháo nhỏ ném vào chuồng khiến bầy gà giật mình. Theo phản xạ, đàn gà sẽ thi nhau gáy to. Vào thời điểm này, mọi người cũng sẽ cùng nhau hò hét để lấn át tiếng gà. Người Pu Péo cho rằng giọng gà gáy vang mang ý nghĩa vui vẻ, nên nếu người nào hò hét lấn át được cả giọng gà sẽ được nhiều phúc lộc và may mắn trong cả năm tới.  

Người Pu Péo với phong tục cướp giọng gà

Tục gọi trâu về ăn tết của người Mường

Do vị trí địa lý và dân số, người dân tộc Mường có lối sống và phong tục nhiều nét tương đồng với người Kinh, phong tục đón Tết cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, một trong những tập tục truyền thống đặc trưng riêng của họ chính là gọi trâu về ăn Tết.

Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, người dân tộc Mường rất xem trọng những nghi thức vào các ngày lễ Tết. Họ cho rằng đây là lễ hội lớn trong năm. Tục gọi trâu về ăn Tết xuất phát từ quan niệm trâu là loài vật gần gũi và cực kỳ quan trọng trong đời sống lao động, con trâu là “con của”. Cái cày hay con trâu cũng cần được nghỉ ngơi sau một năm lao động miệt mài. Vào những ngày trước Tết, người dân tộc Mường sẽ chuẩn bị trước một cái mõ để ngay sau thời khắc giao thừa, trẻ con người Mường sẽ cầm đuốc mõ trên tay và đi dạo vòng quanh ngõ. Sau đó, chúng sẽ dừng lại rồi giả vờ đếm “1, 2, 3,…” và nói “trâu nhà tôi đủ rồi”. Mặc dù chỉ là hình thức tượng trưng, nhưng đây cũng được xem như hành động tạ ơn đến với những “người bạn đồng hành” trong suốt một năm qua. Tiếp đó, người Mường còn treo một số bánh trái lên các công cụ sản xuất như đòn gánh, cái cuốc, cái cày để mời về ăn Tết cùng gia đình. Bên cạnh đó, các thành viên khác sẽ xuống suối lấy nước về để thắp hương tổ tiên và đổ vào vại tích nước. Họ tin rằng nếu sử dụng nước thiêng được lấy vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn tấn tới. 

Tục gọi trâu về ăn tết của người Mường

Người Dao với phong tục Tết Nhảy và "ăn trộm cầu may"

Nếu kể đến các dân tộc với nhiều phong tục độc đáo mà không nhắc đến dân tộc Dao quả là một thiếu sót. Năm mới của dân tộc Dao cũng rơi vào tháng Giêng âm lịch, tháng của mưa thuận gió hòa, cầu mong một năm vụ mùa bội thu. Vào những ngày trước Tết, mọi người thường chuẩn bị bàn những chiếc thờ bằng tre xung quanh với bốn tấm gỗ. Bên trong bàn thờ, người dân tộc Dao sẽ đặt vào ba ống tròn to, đây được xem như tượng trưng cho đất, trời và con người. Tiền và vàng mã cũng được họ khéo léo cho vào bên trong ống. Khi bước vào lễ hội đầu năm, sẽ có bốn thanh niên bê bốn chiếc bàn thờ từ bốn góc, bên trên bàn đặt các vật phẩm như gà luộc, bánh nếp và vàng mã. Thầy cúng sẽ đứng chính giữa và đọc to các lời cầu nguyện cho một năm mọi điều thuận lợi.

Tục Tết nhảy xuất phát từ mong muốn xuân về là dịp để bà con vui chơi và nghỉ ngơi sau một năm dài lao động vất vả. Tết nhảy không chỉ mang đến một mùa xuân rộn ràng, tràn ngập sức sống, người dân tộc Dao còn cho rằng đây là dịp để họ rèn luyện một sức khỏe dẻo dai để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới. Tết nhảy thường kéo dài nhiều ngày liền, mọi người sẽ cùng nhau vui chơi hết mình, mặc kệ ngày hay đêm. Ai không đủ sức thì về nghỉ ngơi, sau đó lại tiếp tục cuộc vui nếu muốn. Tất cả mọi người từ già trẻ, gái trai sẽ nhảy liên tục nhiều điệu nhảy khác nhau trong tiếng trống, chiêng rộn rã, vui tươi.

Vào ngày đầu năm, mọi người sẽ tập trung ở một địa điểm đã chọn trước, sau khi thực hiện xong các nghi lễ truyền thống, bà con trong làng sẽ cùng nhau đi diễu hành xung quanh các nhà trong làng cùng tiếng chiêng, trống nhộn nhịp. Khi đi qua từng nhà, người dân tộc Dao đều cố gắng lấy trộm vật gì đó. Bởi họ quan niệm rằng càng trộm được nhiều thì may mắn và tiền tài trong năm mới càng đủ đầy. Trái lại, nếu đang trộm mà bị gia chủ phát hiện sẽ bị phạt rượu và cả năm xem như kém may mắn. Người dân thường chỉ trộm đi những vật không có giá trị cao như bó rau hay quả trứng trong bếp để tượng trưng, vì tục này không mang nặng về mặt vật chất. Cuối ngày, người dân tộc Dao cũng sẽ mang những vật đã trộm trả lại cho người mất để xin thưởng. 

Người Dao với phong tục Tết Nhảy

Đất nước Việt Nam xinh đẹp có tất cả 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi vùng đất, mỗi dân tộc lại mang cho mình một nền văn hóa độc đáo khác nhau. Chính những mảnh ghép khác biệt ấy đã vẽ nên một bức tranh văn hóa Việt Nam sinh động và đa dạng. Mong rằng những phong tục độc đáo này sẽ tiếp tục được quảng bá và lưu truyền để thêm nhiều người được biết và tự hào.