VĂN HÓA

Top 4 món ăn đặc trưng trong ngày Tết của các dân tộc thiểu số

Anh Thư • 20-12-2022 • Lượt xem: 1072
Top 4 món ăn đặc trưng trong ngày Tết của các dân tộc thiểu số

Văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay luôn được bạn bè quốc tế ca ngợi bởi sự phong phú, đa dạng, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Không chỉ trang phục hay các phong tục độc đáo, các món ăn đặc trưng ngày Tết cũng là một trong những nét văn hóa thú vị rất riêng. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
 

Bánh cooc mò
Một tên gọi quen thuộc hơn của bánh cooc mò là bánh sừng trâu bởi hình dạng, thành phẩm của nó. Đây là loại bánh thường bắt gặp ở nhiều khu vực người dân tộc thiểu số khác nhau, nhưng xuất hiện phổ biến nhất có thể kể đến địa bàn của người dân tộc Cơ Tu, dân tộc Tày hay dân tộc Nùng. Loại bánh này thường được lựa chọn trong các dịp lễ Tết hoặc các sự kiện quan trọng của gia đình và buôn làng.


Khi làm bánh cooc mò, người ta thường sẽ lựa chọn những hạt nếp với tiêu chuẩn rất gắt gao như các hạt phải lớn nhỏ đều nhau, có mùi thơm và chắc. Phần nước để nấu bánh cũng phải dùng nước suối trong vắt, có vị ngọt, mát của núi rừng, của thiên nhiên tại vùng đất này. Lựa chọn tìm lá dong cũng phải là lá còn xanh mơn mởn, mới nguyên, không bị rách, sâu hay gấp gãy. Công đoạn gói bánh cooc mò cũng được giao cho các mẹ, các chị có đôi tay khéo léo để cho ra những chiếc bánh thơm, dẻo lại đẹp mắt.

Lá dong được buộc lại như hình chiếc phễu rồi đổ nếp và lạc đã được trộn đều vào bên trong. Người ta dùng một chiếc đũa hoặc dùng tay vỗ nhẹ bên ngoài để phần nhân được nén thật chặt. Cuối cùng là gấp mép lá và buộc lại bằng dây lạc. Khi buộc bánh cũng không được buộc quá lỏng hoặc quá chặt. Nếu buộc quá lỏng, bánh sẽ bị hút nước nhiều, làm bánh bị nhão mất ngon. Bánh buộc quá chặt có thể làm rách phần lá gói, phần nếp bên trong không nở đều cũng khiến bánh bị sượng. Người ta sẽ ngâm với nước một lúc để bánh được ngấm đủ nước, sau đó cột thành từng chùm rồi luộc khoảng 2 tiếng là bánh chín. Món bánh mang đầy vị ngọt và hương thơm của núi rừng, cùng sự tỉ mỉ, kỳ công của người thợ làm bánh cũng khiến chiếc bánh đơn giản trở nên đặc biệt.  

Bánh láo khoải
Nếu món ăn quen thuộc trong ngày Tết của người Kinh là bánh chưng, bánh tét, thì bánh láo khoải là món bánh độc đáo của người dân tộc Mông. Bánh láo khoải hay còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như lức khoải hay rớ khoải, là một món bánh không phổ biến mà chỉ hay xuất hiện vào dịp Tết.

Cách làm món bánh này cũng không cầu kỳ, phức tạp. Người ta sẽ dùng ngô nghiền đồ chín rồi nén thật chặt trên bàn đá để nặn thành hình bầu dục, sau đó bôi mỡ đã trộn với mật ong xung quanh phần bánh. Trước khi ăn, người ta sẽ thái phần bánh thành từng miếng mỏng rồi nướng trên bếp than, hoặc thái sợi mảnh (còn được gọi là thái chỉ) để nấu với đường. Bên cạnh đó, cũng có một số người chọn ăn theo cách dùng bánh láo khoải nấu cùng với quả đậu hà lan như một món canh.   

Bánh láo khoải

Thịt trâu gác bếp 
Thịt trâu gác bếp là món ăn không thể bỏ lỡ trong danh mục các món ăn đặc trưng của các dân tộc vùng cao Tây Bắc bởi sự thơm ngon, lạ miệng. Nếu có tình cờ đến thăm buôn làng của người dân tộc thiểu số trong các dịp đặc biệt như lễ Tết, đây sẽ là món ăn bạn nhất định không thể bỏ qua.

Từng miếng thịt trâu được tẩm ướp với các gia vị thông dụng như sả, ớt, gừng, tỏi và hai gia vị đặc trưng không thể tìm kiếm ở nơi nào khác là hạt dổi, mắc khén. Giã nhuyễn tất cả các gia vị và ướp đều phần thịt trâu trong khoảng 20 – 25 phút. Không nên ướp quá lâu để thịt không bị chua. Người ta sẽ xiên thịt vào các thanh kim loại hoặc thanh nứa đã được vót nhọn rồi đem gác lên bếp. bên dưới là củi với lửa cháy vừa. Không nên để lửa quá lớn thịt cũng sẽ không ngon. Người dân Tây Bắc thường tìm gỗ nhãn để làm thịt trâu gác bếp, thành phẩm sẽ thơm và ngon hơn rất nhiều. Gác bếp trong khoảng 24 giờ là có thể dùng được.

Ngày nay, thịt trâu gác bếp đã trở thành món ăn quen thuộc và nổi tiếng bởi nhiều người dân tộc đã phát triển và đưa ra thị trường. Đồng thời nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng. 

Thịt trâu gác bếp

Khâu nhục
Khâu nhục là món ăn của người Hoa, nhưng có lẽ vì vị trí địa lý giáp ranh với Trung Quốc mà món ăn này bằng một cách nào đó đã du nhập vào Việt Nam, trở thành đặc sản quen thuộc của người dân Tây Bắc mỗi dịp lễ Tết. Các dân tộc như người Nùng, người Tày hay Sán Dìu cũng lựa chọn khâu nhục cho các sự kiện như đám cưới, đám hỏi,…

Nói đơn giản, khâu nhục là phần thịt được ướp cho đến khi thấm đều với các gia vị như tỏi ớt, ngũ vị hương, húng lìu, địa liền, giấm, rượu và các gia vị thông dụng khác rồi mang đi hấp cách thủy trong khoảng nửa ngày cho phần thịt thật mềm là đạt tiêu chuẩn. Khâu nhục thường được ăn kèm với rau cải xanh, mộc nhĩ và ớt. Phần khâu nhục thành phẩm khi ăn sẽ cho cảm giác đậm đà, thấm đều gia vị, mùi thơm của các loại rau nêm và độ mềm như tan trong miệng.

Bên cạnh bốn món ăn độc đáo tiêu biểu được nhắc đến ở trên, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam còn rất nhiều những món ăn ngon và lạ miệng trong ngày Tết. Nếu có cơ hội, hãy thử một lần đặt chân đến vùng đất của các dân tộc thiểu số để trải nghiệm không khí xuân cùng văn hóa đón Tết thú vị nhé.