VĂN HÓA

Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (Kỳ 3)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 31-12-2019 • Lượt xem: 5897
Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (Kỳ 3)

Địa hạt của thế giới truyện ngắn luôn mở rộng biên giới nếu nhà văn là một cây bút tài hoa, cao cường. Thật bất ngờ khi tôi tìm thấy trong tập truyện “Phép tính của một nho sĩ” của Trần Vũ có nhiều truyện ngắn tiếp diễn trên không gian ngỡ đóng lại của bài thơ. Đó là bài thơ “Ăn Hải cảng” đã từng được chuyển ngữ nhiều thứ tiếng của tôi.

Tin, bài liên quan:

Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (Kỳ 2)

Trần Vũ - phép lạ của văn chương (Kỳ 1)

“Gai sắc” trong truyện Trần Vũ (Kỳ 2)

Vào mùa hè cách đây khoảng chục năm, một lần Trần Vũ viết mail cho tôi. Anh cho biết đang đi nghỉ ở Tây Ban Nha. Và trong một lần theo tàu ra đảo, anh chợt nhớ bài thơ “Ăn Hải cảng” của tôi với những câu "Tôi đã ăn một Hải cảng trong vòng ba tiếng đồng hồ/ Hải cảng đó hai mươi năm xa bỗng quay về/ không nghĩ mình đã ăn nhiều thế?" đã gây cho anh ấn tượng mạnh. Và anh nói sẽ viết một truyện ngắn có một nhân vật “như Minh vậy”. Vâng, hình như trong bất cứ người nghệ sĩ nào cũng có tố chất thèm ăn một Hải cảng của ảo tưởng, của thương nhớ, của ký ức phiêu dạt hoang dại… Và như trong bài thơ đã viết, Y – gã thủy du lang bạt ấy đã có một cơ ăn trọn tất cả trong vòng ba tiếng đồng hồ. Thậm chí “tôi đang ăn cái đầu tôi” là một câu thơ huyền hoặc siêu thực pha trộn lẫn hậu hiện đại để bay lên như một huyền thoại ảnh tượng ngôn ngữ.

 

Nhà văn Trần Vũ (Ảnh của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu cung cấp cho DDVN)

Thời điểm đó anh Trần Vũ đang thay nhà văn Khánh Trường phụ trách tờ Hợp Lưu. Và anh cũng chính là nhà văn đã chọn rất nhiều truyện ngắn của tôi để giới thiệu trong giai đoạn anh điều hành tờ báo này. Chúng tôi đã liên lạc qua email trao đổi với nhau khá thường xuyên về các vấn đề thi ca văn học nghệ thuật khá là thân tình.   

 

Bài thơ "Ăn Hải cảng" Nguyễn Hữu Hồng Minh bản chuyển ngữ tiếng Đức của hai dịch giả Hồ Phạm Huy Đôn & Michael Sollorz trên trang lyrikline.org (Đức)

Bài thơ “Ăn Hải cảng” của tôi đã được chuyển ngữ nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc... Nhiều bài viết nghiên cứu về thơ cho rằng "Ăn Hải cảng" (siêu thực) cùng với "Lỗ thủng lịch sử" (mở đầu Hậu hiện đại ở VN) là hai bài thơ được biết đến nhiều nhất khi nhắc đến thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Tôi cũng đã đọc bài thơ "Ăn Hải cảng" tại Đức và Pháp trong các chương trình giao lưu thơ. Tại Đức với bản dịch của Hồ Phạm Huy Đôn & Michael Sollorz. Tại Pháp với bản dịch của Đoàn Cầm Thi & Poisson. Bài thơ được tuyển chọn vào nhiều tuyển thơ trong, ngoài nước, có ở thi phẩm "Chất trụ & Những bài thơ khác" (Nxb Thuận Hóa - Huế in lần đầu tiên 10/2002).
Xin được giới thiệu lại bài thơ ở đây cùng bạn đọc.

ĂN HẢI CẢNG

Tôi đã ăn một hải cảng ba tiếng đồng hồ
Hải cảng đó hai mươi năm xa, quay về
Không nghĩ mình có thể ăn nhiều thế!

Ăn những âm thanh nhỏ xíu như tiếng gió
Tiếng những con hà biển
hát trên rêu trên sóng
Ðến con hải âu quen
hai mươi năm bay không mỏi trong kí ức
Cánh chim hay cánh thời gian
Những chấm phá đời tôi cao vời

Ăn hai trái vú em săn chắc
áp mặt hai quả chuông
Những tiếng chuông vỡ ngọc tuổi thơ
Màu cà-rem hai mươi năm không đổi

Ngày nào tôi bay
Hải cảng phong kín hai mươi năm
Dựng huy hoàng chiều đứng thẳng

Tôi muốn ăn hết những bánh lái
Cuộn đời tôi đi đến khúc quanh nào?
Những chiếc mỏ neo
Thời gian chặt hết từng bến đậu

Lưu lạc đời về đây trên dây thừng
Buộc hờ trên bến cô đơn
hơi thở ẩm ướt hoang vu

Hải cảng mắt buồn đen khuya
Áo nón, giấy pluya
Bia, féc-mơ-tuya...
Tình gái
Ôi môi đời tìm chơi
Viết mãi trên sóng xanh giấy nháp

Làm sao tin được
cái chết đóng sẵn như thân tàu?

Ồ ạt cuốn về đâu
Cột buồm huy hoàng xé gió
Réo gọi ngày xanh

Tìm gì trong mong manh,
sóng vỡ tan tành
Chảy mãi thôi,
ấm dòng lệ

Tôi đã ăn hết một hải cảng ba tiếng đồng hồ
Có thể chết vì bội thực
Nhưng không sao!

Tôi đang ăn cái đầu tôi

Trên cảng kia,
gã thủy du đã quay về
sau hai mươi năm

Y lang bang đâu khi không đầu?
Và cũng không tàu?

Ðang bay lên những linh hồn bánh lái...

(Cảng Tiên Sa, Ðà Nẵng 2000-2001)

Nguyễn Hữu Hồng Minh

 

Từ thông tin trên mail đó đến nay là bao lâu tôi mới được đọc lại một truyện ngắn của một nhà văn đầy nội lực? Thật xúc động lâng lâng khi dở từng trang của tập truyện ngắn “Phép tính của một nho sĩ”.  

 

Một trang truyện ngắn "Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam" của Trần Vũ lấy cảm hứng từ bài thơ "Ăn Hải cảng" của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Có trong tập truyện “Phép tính của một nho sĩ” (Nxb. Hội Nhà văn 2019)

Và đây, thế giới truyện ngắn của Trần Vũ đã xuất hiện nhân vật Mẫn, trong truyện "Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam". Lược trích:

"Trong mỗi cá nhân, còn một thách thức khác. Vượt thắng thượng đế để thật sự là thượng đế.
Trên đường đi tìm thượng đế, Mẫn mang ám ảnh của thiên nhiên, thứ ám ảnh vượt tính con người. Với hắn, vũ trụ quyết định hết thẩy và so với hết thẩy, vũ trụ nhỏ bé nhất.

Lối lập luận quái đản của Mẫn khiến nhóm ưa thích. Hắn hay viết những dòng chữ kỳ dị rồi quẳng cho cả nhóm trước khi biến hoá những con chữ thành sự thật. Giống mỗi thành viên trong nhóm, Mẫn có định nghĩa riêng của hắn về con người". (tr.188).

 

Tập truyện "“Phép tính của một nho sĩ” của Trần Vũ có thể xem là sự kiện xuất bản ở VN trong năm 2019

Và định nghĩa đó Trần Vũ làm rõ bằng cách trích hẳn lại những ý chính trong bài thơ “Ăn Hải cảng":

"Mẫn đánh giá khả năng một thanh niên ở sức ăn hết một hải cảng trong ba giờ đồng hồ và hắn khoái trá với bản phân loại siêu thực đó. Chúng tôi đã có lần chứng kiến hắn ăn hết một hòn non bộ siêu thực trong ba giờ đồng hồ dù chín tháng sau hắn không màng ăn uống gì nữa. (tr.189)

*

Và thật diễm tuyệt, tôi được gặp lại Trần Vũ khi qua Pháp. Sau đêm giao lưu, đọc thơ ở hội quán Poyer du Vietnam tại Paris cùng nhà thơ, họa sĩ Ly Hoàng Ly. Tôi đọc bài thơ “Ăn Hải cảng” nguyên tác và một dịch giả đọc bản dịch bài thơ của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Đoàn Cầm Thi & Poisson.  

Một đêm Paris tuyết trắng khó quên…

 

Nhà văn Trần Vũ (đứng, phải sang), Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà phê bình Thụy Khuê, nhà văn Cổ Ngư tại Paris (Ảnh: Trần Thiện-Đạo)

Chuyến sang Pháp đó qua giới thiệu và cầu nối của nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo, tôi có dịp gặp gỡ, mặt đối mặt để uống rượu cùng Trần Vũ ở nhà chị Thuỵ Khuê. Nhiều đêm vui còn có nhà văn Cổ Ngư. Sau đó là nhiều kỷ niệm khác như cùng Cao Việt Dũng cà phê với anh Phan Huy Đường, đến nhà Đoàn Cầm Thi - Poisson ở phố La-tinh, thăm xưởng vẽ của vợ chồng Trần Trọng Vũ - Thuận... Lang thang bất tận.

Những cảm xúc trác tuyệt để viết khởi đầu ca khúc "Sài gòn Paris mưa đến ngàn sau...".
Trong một bức ảnh hội ngộ, có cả nhà văn Trần Thiện Đạo, dịch giả TS Nguyễn Duy Bình, nhà thơ họa sĩ Ly Hoàng Ly… Thời điểm Pháp tháng lạnh nhất. Có tuyết... Anh Trần Thiện Đạo, anh Phan Huy Đường đều đã mất… Một góc ký ức Paris trong tôi cũng sạt lở.

Paris, tên em trong gió cuốn!... Thời gian gió cuốn thật! Xoá sạch mọi dấu vết! Ngày tháng và tuổi trẻ!

 

Nhà văn Trần Vũ và vợ, cây bút Vũ Thị Thanh Mai

Khi tôi viết những dòng này được biết anh Trần Vũ cũng không còn ở Paris nữa! Anh đã rời nước Pháp để chuyển sang sống ở Mỹ! Nếu có quay trở lại nước Pháp chúng tôi cũng không còn gặp nhau…

May ra chỉ có Nghệ thuật là còn lại!...

Đâu đó trong cuộc đời và những chuyến viễn hành văn chương vẫn còn “Ăn Hải cảng” và "Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam".

Ít ra ở tầng sâu ký ức của chúng tôi có hai cọng rêu chữ nghĩa vô hình là thế!

Phải không anh Trần Vũ!?...

 

Sài Gòn, chiều cuối năm Kỷ Hợi 31/12/2019.

N.H.H.M