VĂN HÓA

Về Hội An tìm dấu vết nhạc sĩ La Hối 'Xuân và Tuổi trẻ' (Bài 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 02-10-2021 • Lượt xem: 10118
Về Hội An tìm dấu vết nhạc sĩ La Hối 'Xuân và Tuổi trẻ' (Bài 1)

Có thể xếp hai nhạc sĩ La Hối, Lê Trọng Nguyễn vào danh bất hư truyển với hai ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ” và “Nắng chiều”. Ít có khán giả yêu nhạc mộ điệu nào lại không biết đến giai điệu của hai bài hát này. Hai ông là niềm tự hào của âm nhạc Quảng Nam. Vùng đất địa linh nhân kiệt khởi thủy nhiều văn nhân, tài hoa. Những giai thoại về ca khúc vẫn còn nhiều kỳ tích và lan truyền mãi…

Tin và bài liên quan: 

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh (Kỳ 1)

Văn Cao, người nghệ sĩ đa giác quan

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 1)

Tháng ngày không tọa độ - Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Đà Nẵng, khởi đầu cuộc hành trình

Tôi trở lại Đà Nẵng đột ngột với chuyến đi trong gió bão. Một cơn áp thấp nhiệt đới thành lốc xoáy đang đổ bộ vào Nha Trang, Phú Yên khiến cả một vùng khúc ruột miền Trung cũng khúc khuỷu, mưa gió. Tuy vậy, thời tiết đó không cản trở ý định của tôi lần này trở về là đi tìm một số tư liệu về hai nhạc sĩ La Hối và Lê Trọng Nguyễn, hai thần tượng âm nhạc của tôi ngày trẻ. Đành rằng cũng biết phong phanh hay “đánh hơi nồi chõ” đây đó nhạc sĩ La Hối ở Hội An và Lê Trọng Nguyễn là dân Điện Bàn, nhưng việc lần theo dấu vết, làm một trải nghiệm dấn thân là chưa bao giờ và không dễ dàng. Ít hay nhiều khi bạn làm một chuyến “về nguồn” chứng kiến những vết tích thâm trầm của nghệ thuật còn lại sau bao đổ nát của lịch sử. Để thấy cuối cùng chỉ còn những tác phẩm kiệt tác và bất hủ là ngự trị được, đong đưa cùng năm tháng.


Bản nhạc "Xuân và Tuổi trẻ" nhạc sĩ La Hối - (Tư liệu của NST Nguyễn Trọng Hiệp)

Nhạc sĩ La Hối sinh năm 1920 ở Hội An. Như vậy có thể thấy La Hối là bút hiệu và ẩn trong tên ông nhiều ẩn ý. Cũng như thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) với Thơ điên chiết tự ra có một nghĩa đen là gió lạnh, cô đơn và bi ai. Nghĩa đen của La Hối là tiếng kêu thống thiết, hối hận. Thật ra không ai muốn đặt cho mình những cái tên trúc trắc, khó hiểu hay đen đủi nhưng đôi khi vì những lý do gì dó đã vận vào, đã chọn nó. Trong lịch sử còn tồn nghi nhiều câu hỏi về chuyện này ví dụ như nhà văn Nguyễn Dữ (thế kỷ 16) viết cuốn sách nổi tiếng Truyền kỳ mạn lục. Nhiếu nhà nghiên cứu cho rằng chỉ có thể là Dư chứ sinh con không ai đặt tên Dữ cầu mong cuộc đời con sóng gió dữ dằn, dữ dội như vậy! Nhưng đó là giả thuyết mà thôi. Sự thật trên văn bản vẫn là cái tên Nguyễn Dữ với những câu chuyện trúc trắc, hồ ly phá chấp, phá giới không hề giống ai cả. Văn học nghệ thuật phải chăng là những dị biệt?

Để chuẩn bị tư liệu, tôi đã liên lạc được với nhà văn, nhà báo Trần Trung Sáng. Anh là một trong những người am tường văn hóa Quảng Nam. Hai anh em hẹn cà phê cuối ngày tại quán Trúc Lâm Viên trên đường Huỳnh Thúc Kháng và anh cũng đã giúp tôi những dữ liệu cần thiết để lên đường. Sáng khởi hành có thêm nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, nguyên giám đốc Nhà hát Trưng Vương thành phố Đà Nẵng, nhà thơ Đông Trình và nhà báo Hồng Sơn. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm là người Quảng Ngãi nhưng đã thành công tại Đà Nẵng. Anh đã viết, phổ thơ để có rất nhiều ca khúc hay về đất này như Miền Trung quê mẹ, Đêm biển mưa, Quế Sơn đất mẹ ân tình và đặc biệt là ca khúc Đà Nẵng tình người được nhiều người yêu thích. Vì thế, anh cho biết rất bất ngờ khi biết bài hát nổi tiếng Xuân và Tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối được viết ở Hội An. Với đời nghệ sĩ, chỉ có một ca khúc thành công đã đi vào bất tử. Trước thềm mỗi mùa Xuân, tâm hồn người Việt Nam nào không ngân lên những lời hát ‘Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới Lòng đắm say bao nguồn vui sống Xuân về với ngàn hoa tươi sáng Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời Xuân thắm tươi...”


Nhạc sĩ Đình Thậm chở nhà thơ Đông Trình trên xe đạp đi tìm từ đường Nhạc sĩ La Hối - (Ảnh: Hồng Sơn)

Hội An và những câu chuyện lạ về nhạc sĩ La Hối

Chúng tôi vào đến Hội An khoảng 10 giờ sáng. Phố cổ bây giờ cấm xe vào trong nên nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm đã gửi xe tận ngoài đường Trần Phú để đi bộ vào phố cổ Nguyễn Thái Học. Vì ngược đường, tất cả phải đi một đoạn khá xa. Nhà thơ Đông Trình năm nay 76 tuổi, chân yếu, không đi được và nhạc sĩ đã thuê một chiếc xe đạp để chở ông. Tôi thì bán tín bán nghi khi đi tìm số nhà 100 Nguyễn Thái Học chỉ gặp những mặt tiền 4 m2 bán hàng tơ lụa na ná nhau. Trước ngôi nhà mà nhà văn Trần Trung Sáng chỉ, tôi càng nghi ngờ trí nhớ mình vì tường quét một màu vàng sặc sỡ, vải vóc tơ lụa phơi móc mời chào níu kéo.

Thấy chúng tôi, một nhân viên nam đi ra đon đả. Tôi hỏi: "Xin lỗi, cho anh hỏi thăm đây có phải là nhà thờ nhạc sĩ La Hối không em?" Cậu thanh niên nhớn nhác: "Ông nớ ông làm cái chi anh?”

Tôi bật cười phải giải thích một hồi về nhạc sĩ và ca khúc Xuân và Tuổi trẻ. Chỉ mới nghe tôi nhẩm mấy lời hát, mắt cậu sáng lên: ”Ơ, bài hát này thì em biết nhưng không hề hay nhà ở, nhà thờ ông ở đâu? Cậu gãi đầu ngụng nghịu: "Anh thông cảm tụi em mới lớn sau này những chuyện xưa như rứa không biết… Nhưng để em hỏi thăm cho anh”.

Cậu thanh niên quay vào trong rồi trở ra với một anh bạn. Người này xem lớn hơn độ chục tuổi. Anh quả quyết với tôi là cả dòng họ La Hối đã bán nhà từ lâu và đi đâu không ai biết. “Ông nhạc sĩ đó em biết mà. Nổi tiếng lắm! Nhưng ổng mất đâu từ hai mấy tuổi chỉ còn lại bài hát Xuân và Tuổi trẻ. Ngày xưa dòng họ ông còn ở đây. Sau gần trăm năm thì tản mác hết. Nghe nói người vào Sài Gòn, người về quê bản cũ bên Quảng Đông. Anh thấy đó, cả khu phố này giờ cho thuê hay buôn bán vải vóc. Nhưng toàn là gia chủ mới. Những người xưa mất hết rồi…”


Căn nhà được cho là nơi nhạc sĩ La Hối viết bản nhạc nổi tiếng "Xuân và Tuổi trẻ" bây giờ là số 91 Nguyễn Thái Học - Hội An. Là cửa hiệu "Đường lụa - Silk Road tailor" giao dịch, buôn bán vải vóc - (Ảnh: Hồng Sơn)

Tôi ngạc nhiên tính lấy điện thoại hỏi thăm nhà văn Trần Trung Sáng. Còn nhớ cà phê hôm qua anh nói với tôi là gia tộc La Hối vẫn còn ở gần số nhà 100 phố Nguyễn Thái Học. Giờ mới hay cớ sự này. Đang lưỡng lự thì bỗng dưng anh này nói: ”Em cũng chỉ biết vậy thôi. Hay anh cứ dò hỏi thêm xem ông La Hối còn có bà con hay cháu chắt nào ở Hội An nữa không?"

Tôi đi ngược mấy bước, chợt nghĩ tới câu “ra ngõ hỏi già, về nhà hỏi trẻ” thì chợt nhìn thấy một cửa hiệu thuốc bắc cũ kỹ như đã từng tồn tại hàng trăm năm nằm phía dưới. Tôi quyết định băng qua đó để hỏi. Thật may đã gặp một cụ già đang bốc thuốc. Ông tỏ vẻ xúc động, niềm nở: "Đúng là căn nhà từ đường họ La đó giờ đã cho thuê để bán hàng lưu niệm. Ông cụ La Châu Quảng vốn là người hiểu biết rất nhiều chuyện thì cũng đã qua đời. Hiện nay như tôi biết vẫn còn một người cháu gái con cụ Quảng ở gần đó, Người đó có thể giúp anh…”


Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh nói về cuộc đời của nhạc sĩ La Hối và bài hát "Xuân và Tuổi trẻ" trên Đài truyền hình Việt Nam, 11.2019.

Thật bất ngờ tôi đã gặp con gái cụ La Châu Quảng. Chị cho biết bố mình, người am tường về nhạc sĩ La Hối, bài hát Xuân và Tuổi trẻ, giữ từ đường họ La cũng như nhiều việc khác... đã qua đời. Gia tộc họ La vẫn còn ở Hội An. Và nhà thờ họ La trên căn gác của số nhà 91 Nguyễn Thái Học. Chính là nơi tôi gặp hai bạn trẻ vui tính hiếu khách. Khi thấy chúng tôi quay trở lại và biết đây chính là Từ đường, nhà thờ họ La, nơi cũng đặt ảnh thờ của người nhạc sĩ tài ba La Hối, các bạn cũng bất ngờ.


Những bức ảnh quý về một gia đình họ La tài hoa về âm nhạc ở phố cổ Hội An còn được lưu giữ (Ảnh: Hồng Sơn)

Từ ngoài mặt tiền căn nhà Đường Lụa số 91 Nguyễn Thái Học - Hội An sang trọng, vải vóc treo móc sặc sỡ, khách du lịch Âu Á lai vãng thường xuyên, nhưng chỉ đi sâu vào vài bước bên trong đã cho thấy một thế giới khác hẳn. Đó là một không gian nhà cổ xưa hoang hoải, đầy hoài niệm. Trên bức tường vàng hoen ố, tôi chụp được mấy tấm ảnh có bài hát nổi tiếng Xuân và Tuổi trẻ củng di ảnh nhạc sĩ La Hối. Một tấm ảnh ông La Châu Quảng, chủ nhân chăm sóc nhà từ đường, vừa mất cách đây ít lâu đang ngồi đàn piano.


Lịch cúng giỗ từ đường họ La được bọc ni-lông cẩn thận trong từ đường. Tên nhạc sĩ La Hối đặt hàng đầu tiên, bên trái - (Ảnh: Hồng Sơn)

Một bản lịch ghi ngày tháng cúng cơm của những người họ La trong gia tộc đã mất như La Doãn Chánh, La Doãn Khoan, La Gia Phú, La Doãn Trung, La Đức Tường, La Doãn Ninh, La Thoại Quý... Tìm mãi không thấy tên nhạc sĩ La Hối ở đâu? Tôi đem thắc mắc hỏi chị gái con cụ Quảng mới hay tên ông để đầu tiên trong bảng lịch xếp cúng cơm. La Hối chỉ là bút hiệu, còn tên thật nhạc sĩ là La Doãn Chánh. Trong lịch đề vắn tắt như sau La Doãn Chánh 1920 - 1945. (tức nhạc sĩ La Hối). Mất ngày 19.2 năm Ất Dậu (1945).


Nhạc sĩ Đình Thậm và nhà thơ Đông Trình trên bậc thang cấp dẫn lên tầng hai, nơi có bàn thờ nhạc sĩ La Hối (Ảnh: Hồng Sơn)

Ngôi nhà 91 Nguyễn Thái Học có thờ nhạc sĩ La Hối cũng được xếp vào loại nhà cổ Hội An. Đó là kiểu nhà chịu ảnh hưởng kiến trúc Trung Hoa xen lẫn Nhật Bản còn gọi nhà rường giả thủ. Đặc điểm nổi bật là các đòn tay, mái và trần nhà. Qua bao thời gian nắng mưa, cải tạo, chống đỡ vì xuống cấp, tái tạo phần mặt tiền ở đường Nguyễn Thái Học để cho thuê buôn bán thì phần phía sau ngôi nhà vẫn còn giữ nguyên. Thật xúc động khi nhìn thấy trên nền nhà những bàn ghế, thúng mủng, quanh gánh... xưa cũ. Hình như cũng đã lâu không có ai vãng lai đến đây. Khi bước lên từng bậc thang tôi nhận ra trên sắc mặt của xi măng sự mòn vẹt, lồi lõm của gạch đá. Dấu vết chất chồng năm tháng...


Nhạc sĩ Đình Thậm và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh trong nhà từ đường họ La ở Hội An (Ảnh: Hồng Sơn)

Trên điện thờ dòng họ La, chúng tôi kính cẩn thắp nhang, cầu mong mọi điều tốt đẹp, quốc thái dân an. Tấm ảnh trẻ trung của nhạc sĩ La Hối như đang nhìn tôi cười. Tôi cảm thấy mình may mắn khi ước mơ "hành hương" của mình tìm nơi khởi đầu của bài hát Xuân và Tuổi trẻ của một nhạc sĩ tài hoa đã trọn vẹn. Thật không phải người yêu nhạc nào cũng được may mắn như thế.

Nhà thơ Đông Trình cho biết thời trẻ ông và gia đình có một thời gian sống ở Hội An. Đô thị cổ này gắn liền với nhiều kỷ niệm của ông với bạn bè đi học một thời sau này là những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Luân Hoán, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Lộc... Ông quen thuộc và rất yêu thích bài hát Xuân và Tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối. Tuy nhiên, ông vẫn chưa biết và chưa có dịp viếng để thắp cho người nhạc sĩ tài ba một nén hương để tỏ lòng ngưỡng mộ như hôm nay. Và nghe đâu ngoài ca khúc Xuân và Tuổi trẻ, nhạc sĩ La Hối còn sáng tác nhiều bài hát khác cũng nổi tiếng không kém. Lạ lùng hơn là La Hối đã mất rất trẻ, khi mới 25 tuổi. Lúc khí lực, tài năng đang độ phát tiết tinh hoa. Và cái chết của ông cũng khá ly kỳ, liên quan đến những người yêu nước chống phát xít Nhật.

Tôi lại tiếp tục muốn đi tìm những chứng nhân và tư liệu xung quanh cái chết của La Hối, một cuộc đời ngắn ngủi nhưng tài năng và vô cùng oanh liệt ấy...

(Phần 2: Nhạc sĩ La Hối đã chết như thế nào? )

(*) Chú thích ảnh chính: Di ảnh nhạc sĩ La Hối và bản chụp ca khúc "Xuân và Tuổi trẻ" trong nhà từ đường họ La ở Hội An. Ảnh tư liệu của người viết bài).   

Nguyễn Hữu Hồng Minh