Duyên Dáng Việt Nam

Về mà nghe mùi gừng, mùi kiệu

Lâm Hạnh - Ảnh: Internet • 15-01-2018 • Lượt xem: 1424
Về mà nghe mùi gừng, mùi kiệu

Là tự dặn lòng mỗi tháng chạp, về mà nghe mùi tết quê mình. Có những mùi hương nằm trong vô thức mạnh đến mức chỉ cần thoáng nghe là thấy cả một không gian hiện về trong tim, như nghe mùi mứt gừng, dưa kiệu là thấy tết.

Qua rằm tháng chạp là mùi gừng đã tỏa từ chợ về nhà. Có nhiều cô, bao nhiêu cái tết vẫn ngồi ở chợ co ro trong chiếc áo lạnh, bán đủ loại gừng và các bà nội trợ bao nhiêu năm vẫn chỉ nhau bí quyết làm gừng sao cho ngon. Chợ tết bao giờ mà chẳng huyên náo hơn chợ thường! Nhớ lúc hai chị gái chưa lấy chồng, chừng 24 tháng chạp là bắt đầu gọt gừng làm mứt. Hai bà chị là thợ may, tháng chạp phải làm khuya, để lò mứt bên cạnh bàn máy may, thỉnh thoảng đảo qua đảo lại. Con nhóc khi đấy là mình, mấy ngày trời lạnh cứ rút vào cạnh lò than làm mứt ngồi cho ấm rồi hỏi han đủ thứ chuyện. Mình mười tuổi, hai chị lần lượt lấy chồng, mẹ bận bán buôn ở chợ nên nhờ hàng xóm làm gừng giùm. Nhà không còn lò mứt, vậy là con nhóc sang nhà hàng xóm phụ xắt gừng, vắt chanh luộc gừng, sên đường… cốt chỉ để hít ké mùi gừng. Trong cái lạnh tháng chạp, lò mứt gừng tỏa mùi cay cay quyện với mùi nước đường làm ấm cả một không gian. Cúng giao thừa xong, ba lấy dĩa mứt gừng và ấm trà nóng rủ cả nhà ngồi nhâm nhi, trò chuyện.

Trong những câu chuyện đó, lần nào ba cũng kể về những cái tết của ba ngày nhỏ. Con chẳng hiểu ba người đàn ông thì chuẩn bị một cái tết như thế nào cho chu đáo nhưng ba bảo vui lắm, không thiếu một thứ gì. Ông nội ra vườn đào gừng, bác và ba háo hức gọt, bào, cho vào thau nhôm, bỏ lửa than sên mứt. Xong thau mứt gừng, ba cha con làm bánh in. Ba nói bột nếp làm bánh thời đó sao thơm quá, giờ tìm không ra. Ba còn kể, ông nội cầu kỳ lắm, trước tết vài tháng  bắt đầu xới mảnh đất ở khoảnh sân trước nhà rồi chia từng luống, gieo hạt cải, đến tết cải trổ bông vàng tươi trước ngõ. Khoảnh sân đó, quanh năm trồng thứ gì cũng được nhưng đến tết nhất định phải vàng bông cải. Không cần hỏi, con cũng biết cái màu hoa ấy là một trời kỷ niệm, đầy ắp trong tim ba, giản dị thôi chứ chẳng phải đào mai kiêu kỳ. Những hôm trời có mưa xuân, hạt nhỏ li ti ba cũng gọi đó là mưa bông cải và rất nhiều lần bông cải vàng có mặt trong thơ ba. Mùi tết trong ba hẳn là mùi nồng nồng của lá cải xanh, ba nhỉ? Đứa con nào cũng tha thiết muốn biết về lịch sử của gia đình mình với đầy đủ những kỷ niệm trong quá khứ. Vậy nên, bao nhiêu lần con nghe kể chuyện tết của ba mà lần nào cũng nghe say sưa. Con nghe rồi hình dung về ông nội của con đẹp trai, sạch sẽ, chu đáo mà con không được hân hạnh gặp mặt. Trong cái tết của ba có câu chuyện về ông  nội, trong cái tết của con lại có ba và có thể trong cái tết của con con lại có câu chuyện của con… Những cái tết cứ vậy mà nối dài về quá khứ.

Những ngày cận tết còn là lúc phố xá ngập tràn mùi kiệu, trong chợ, trong giỏ xách người nội trợ, trong gian bếp mỗi nhà… Mẹ chỉ mua loại kiệu sẻ, củ nhỏ già, thơm, mua nguyên bó cả lá, cả rễ. Củ đem ngâm tro rồi phơi nắng cho trắng giòn rồi xếp vào hủ ngâm chua ngọt. Lá kiệu một phần xào ăn liền, một phần muối chung với giá để dành ăn dần. Lúc nhỏ mình sợ nhất là mẹ kêu cắt kiệu, mùi cay cay, hăng hăng làm nước mắt chảy tèm lem. Để rồi xa quê, mùi kiệu trở thành nỗi nhớ thương mình mong muốn tìm gặp mỗi khi tết về.

Quên sao được những lò bánh tét trong những ngày cận tết. Trời tết lạnh nên đám trẻ con thích nhất là ngồi quanh bếp lửa, hong đôi tay ấm. Bên tiếng lửa tí tách, đám nhỏ bày đủ loại trò chơi, kể chuyện trên trời dưới biển, khoe  mình có bao nhiêu bộ đồ mới. Mình nhiều khi ngồi bên lò bánh, suy nghĩ gì mà tay quẹt vào bọt củi đang chảy xì xèo, màu nâu vàng dính đầy tay, mùi bọt củi hăng hắc, ngai ngái và tưởng tượng ra bao nhiêu câu chuyện xa xôi. Mùi củi cháy chẳng có gì thơm tho mà cứ mải lẩn quẩn trong lòng. Mỗi dịp tết về quê, thấy bọn trẻ con vẫn ngồi quanh lò bánh tét, vẫn ríu rít kể chuyện này chuyện kia, tự nhiên mỉm cười và chợt nghĩ rồi đây có bao nhiêu trong số những đứa trẻ kia sẽ đem theo những câu chuyện nhỏ và mùi củi cháy trong cuộc lớn lên của mình.

Mình còn thương cả mùi khói nhang phảng phất khắp nhà những ngày tết. Lại những câu chuyện của ba làm mình thương đến vậy. Bà nội và các cô, các bác, những người cháu mất sớm nên ông nội luôn làm những mâm cơm cúng kỹ lưỡng. Ông nội tin là những người thân của ông, dù không còn ở trần gian, vẫn sẽ về ăn tết, đoàn tụ với gia đình. Ba nói thiệt ra, cứ một người mất đi là ông nội cảm thấy cô đơn hơn một chút, mà cuộc đời ông lại có quá nhiều cuộc tiễn đưa như vậy nên lòng dần trống vắng. Những bữa cơm cúng làm nội bớt cô đơn, để nội nhớ mình đã từng có nhiều người thân bên cạnh. Ba cũng vậy, từ 30 tết đến mùng 3, ngày nào cũng cúng kính chu đáo. Chiều 30 rước ông bà, 12 giờ cúng giao thừa, cúng trời đất, sáng cúng nguyên đán, hà bá… và ngày nào cũng phải có mâm cơm tươm tất cúng ông bà. Mùi khói nhang còn nhắc nhớ về những mùa tết cũ. Lúc đó, trong xóm có một nhà chạy xe khách, sáng mùng một tết năm nào, trẻ con và người lớn cả xóm mặc đồ đẹp lên xe, bác tài chở ra nghĩa trang thắp nhang mộ ông bà. Nghĩa trang không có ngày nào ấm cúng như vậy. Ở nghĩa trang, bọn trẻ con được người lớn dạy cách tôn kính người đã khuất, thắp nhang mộ người thân mình và nhớ thắp cho những ngôi mộ xung quanh. Với bọn trẻ con trong xóm mình thời đó, quãng đường 5 cây số từ nhà ra nghĩa trang là chuyến đi dài nhất trong năm mà đứa nào cũng náo nức chờ đợi. Thế mới biết, trẻ con luôn mê những chuyến tàu xe, mê được dịch chuyển, dù là đi đến đâu.   

Vì cứ đến tháng chạp là lòng dạ chộn rộn, tay chân luýnh quýnh muốn về nhà nên kiểu gì cũng thu xếp. Về để hít khí trời se lạnh quyện bao mùi hương nồng ấm làm nên cái tết quê. Về để thấy mình được thương yêu ấm áp, dù một năm qua thành hay bại.