Tại hội thảo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.
3 kịch bản tăng trưởng
Cụ thể, với kịch bản cơ sở trong năm nay, nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 5,7%.
Với kịch bản khả quan, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc không bị gián đoạn khi nước này thực hiện chính sách Zero COVID, nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,2%.
Kịch bản xấu nhất trong trường hợp chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn do chính sách Zero COVID của Trung Quốc, nền kinh tế chỉ đạt tăng trưởng 5,2% trong năm nay.
VEPR cũng cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2022 đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại.
Hội thảo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022
Cụ thể, các rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới; áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh; rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine; sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách Zero COVID.
Ngoài ra sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng.
Với chính sách trong ngắn hạn, VEPR cho rằng cần xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là “ổn định kinh tế vĩ mô”. Đồng thời, các chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng.
Đồng thời cần triển khai hiệu quả hơn các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đúng đối tượng và thiết thực hơn. Hiện nay các hỗ trợ thường thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí và đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây ra lãng phí ngân sách.
Các khoản hỗ trợ để giúp doanh nghiệp giảm chi phí có thể hướng vào những khía cạnh như kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế; giảm tiền thuê đất; giảm cước và chi phí logistics ; giảm tiền điện, nước, viễn thông…; từ đó giúp doanh nghiệp cắt giảm các loại chi phí trong bối cảnh chi phí đầu vào, logistics đều tăng mạnh, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu và ổn định chuỗi cung ứng.
Chú ý nguy cơ nhập khẩu lạm phát
VEPR lưu ý Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Đặc biệt, cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ, đặc biệt trong giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Nhìn chung, áp lực lạm phát thời gian tới chủ yếu đến từ phía cung, lạm phát chi phí đẩy, do 2 yếu tố: Thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tăng mạnh cùng với sự phục hồi của nền kinh tế; Đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí đầu vào tăng cao.
VEPR dự báo tăng trưởng 2022
Do đó, cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam.
“Đây là một trong những thách thức rất lớn với Việt Nam khi cước vận tải biển tăng đột biến từ năm 2021, giá vận chuyển bằng container tăng cao, thậm chí không có hãng tàu biển để thuê, khiến doanh nghiệp khốn khổ”, VEPR nêu.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo
VEPR cũng cho rằng cần đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán nhưng cần công khai minh bạch thông tin và giao dịch và đẩy mạnh sự chuyên nghiệp của các chủ thể tham gia thị trường.
Trước nguy cơ dòng tiền trong nền kinh tế có thể chưa đi vào sản xuất mà chảy vào các thị trường tài sản, VEPR cho rằng việc nhất quán chính sách bình thường mới, mở cửa và sống chung với COVID-19 vẫn là điều kiện quan trọng nhất; đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và rào cản không đáng có cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thương mại vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng
Về chính sách trong trung hạn, cần đẩy mạnh an ninh xã hội, an ninh năng lượng, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách tiền tệ và tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.
Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ có tác động lan tỏa đến Việt Nam, gia tăng áp lực lạm phát và là cú sốc mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, cần phải nghiên cứu đánh giá tác động của các yếu tố này và đề ra các giải pháp ứng phó, hướng tới chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, tránh phụ thuộc vào một nguồn năng lượng.
VEPR cũng đánh giá dòng vốn FDI vào Việt Nam đã sụt giảm và quy mô dự án cũng nhỏ hơn cho thấy một ngụ ý khá quan trọng đó là trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, Việt Nam khó tận dụng được xu hướng dịch chuyển chuỗi. Vấn đề không nằm ở cơ hội bên ngoài, mà là nội lực. Cải thiện năng lực nội tại, nhất là lao động kỹ năng cần được đặc biệt chú ý trong thời gian gần.
Các khách mời tham gia hội thảo
Trong dài hạn, cần tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh nâng cao tăng năng suất - cốt lõi của năng lực cạnh tranh và nâng cấp sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thương mại vẫn là động lực quan trọng để Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới. Do đó, cần tiếp tục tận dụng các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết, khai thác các thị trường là đối tác trong các FTA.
Đối với đầu tư, bối cảnh mới có thể ảnh hưởng đến sự chuyển dịch ngành đầu tư của doanh nghiệp đa quốc gia theo hướng nghiêng về nhóm ngành phù hợp với điều kiện toàn cầu, đặc biệt là FDI trong ngành cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin. Do đó, Việt Nam cần có các giải pháp chính sách để thu hút FDI trong những ngành như vậy.
Một trong những vấn đề quan trọng nữa là cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số.
Theo 1thegioi.vn