VĂN HÓA

Vì sao nghề làm đèn lồng xứ Hương Cảng đang dần biến mất?

Đan Thuỳ • 17-09-2021 • Lượt xem: 373
Vì sao nghề làm đèn lồng xứ Hương Cảng đang dần biến mất?

Hồng Kông đang chứng kiến nghề làm đèn lồng thủ công đang dần phai nhạt ở thời kỳ này.

Mỗi khi dịp Tết Trung thu đến hàng ngàn chiếc đèn lồng đỏ được treo cao không chỉ trong nhà mà khắp các đường đi lối lại, như một sự thông báo về một mùa lễ hội vui vẻ và ấm no hạnh phúc. Tuy nhiên, ở thời kỳ này, Hồng Kông đang chứng kiến nghề làm đèn lồng thủ công của mình đang dần phai nhạt.

Ha Chung-kin (60 tuổi), người tự gọi mình là “Vua đèn lồng” là một trong số ít những người thợ làm đèn lồng truyền thống còn sót lại ở Hồng Kông. “Nghệ thuật không thể kiếm tiền, vì vậy tôi đã biến nó thành một công việc kinh doanh bằng cách làm ra những chiếc đèn lồng”, ông Ha chia sẻ.

Tại một góc nhỏ ở xưởng làm đèn lồng của ông Ha nằm khuất trong một con hẻm nhỏ ở Sai Ying Pun (Hồng Kông) có treo một chứng  nhận Kỷ lục Guinness thế giới mà ông đã được nhận vào năm 2017. “Tôi nhận được vinh dự này vì đã làm một chiếc đèn lồng treo lớn nhất thế giới. Nó cao 9,39 mét và rộng 5,33 mét”, ông Ha nói.

Mặc dù rất đam mê với nghề làm đèn lồng tồn tại hàng thế kỷ của Trung Quốc, ông Ha vẫn dự đoán một tương lai không mấy tốt đẹp cho loại hình nghệ thuật này ở Hồng Kông, trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.

“Khi tôi nhìn về tương lai khoảng từ 30 đến 40 năm nữa, tôi lo sợ rằng nghề làm đèn lồng tại Hồng Kông sẽ chết”, ông Ha nói dù cho biết đây là công việc mà ông rất yêu thích trong nhiều thập kỷ.

Chiếc đèn lồng hình tên lửa của ông  Ha Chung-kin - Ảnh: SCMP

Công việc đầu tiên của ông Ha vào những năm 1980 là nghề tài chính song lại diễn ra không mấy suôn sẻ. “Tôi cực kỳ ghét làm việc trong lĩnh vực tài chính. Tôi đã rất căng thẳng trong suốt 2 đến 3 năm khi công việc quá nhiều đến mức độ tôi phải thức dậy làm việc vào nửa đêm”, ông Ha nhớ lại. 

Lúc bấy giờ, cha ruột ông Ha nhận thấy công việc tài chính đang ảnh hưởng nặng nề đến con mình nên đã khuyên ông nghỉ việc và tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, đó là nghề múa sư tử.

“Cha tôi, Ha Kwok-cheung, nổi tiếng với danh hiệu ‘Vua múa sư tử’ của thành phố. Ông ấy và những người anh em của mình đã thành lập một đoàn múa vào ngày giành được chức vô địch múa sư tử toàn thành phố và quốc tế trong 10 năm liên tiếp. Di sản của ông ấy tiếp tục được lưu giữ đến ngày nay với tư cách là đoàn kịch Ha Kwok Cheung với hơn 10.000 diễn viên biểu diễn các điệu múa sư tử trên khắp thế giới”, ông Ha nói.

Sau vài năm phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình, ông Ha đã quyết định thành lập doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ truyền thống cho riêng mình.

“Danh tiếng của cha tôi thực sự là một vấn đề lớn khi tôi quyết định theo đuổi nghề thủ công. Không ai sẵn sàng truyền nghề làm đầu sư tử vì họ sợ tôi làm mất công việc của họ. Một người chủ có cửa hàng ở Phố Tây ở Sai Ying Pun cuối cùng đã đồng ý nhận tôi vào làm. Ngay sau khi tôi học cách làm đầu sư tử, tôi đã thành lập cửa hàng riêng của mình vào năm 1987 và đặt tên là Tin Bo Lau”.

Giờ đây, ông Ha hiếm khi làm đầu sư tử, doanh nghiệp ông thành lập đã chuyển sang Trung Quốc, nơi chi phí sản xuất thấp hơn nhiều. Ông dành phần lớn thời gian của mình để làm đèn lồng và đồ cúng, những món đồ bằng giấy dùng để làm đốt cho những người đã khuất.

Múa sư tử tại Hồng Kông năm 1911 - Ảnh: SCMP

Ông Ha thích làm đèn lồng, đặc biệt là cho Tết Trung thu. “Đó là một công việc kinh doanh rất sáng tạo và mỗi lần nguồn cảm hứng trong tôi lại khác nhau. Trí tưởng tượng và sự sáng tạo thực sự đến từ mọi thứ trong cuộc sống. Một lần, vào năm 2007, tôi đang xem một bản tin về một tên lửa được phóng ở Trung Quốc, ngay lập tức tôi nảy ra ý tưởng làm một chiếc đèn lồng hình tên lửa với các phi hành gia bay lơ lửng xung quanh nó. Hay như bây giờ tôi đang làm  những chiếc đèn lồng hình chiếc kem. Những chiếc đèn lồng này  sẽ được gửi đến một trung tâm phục hồi chức năng để những người ở đó có thể vẽ lên chúng để dùng vào Tết Trung thu”.

Đáng buồn cho ông Ha là hầu hết các loại đèn lồng nhỏ bày bán trên địa bàn thành phố hiện nay đều được nhập từ Trung Quốc thay vì sản xuất trong nước. Đèn lồng Trung Quốc được sản xuất tại nhà máy và sử dụng khung kim loại thay vì bằng tre truyền thống.

Ông Ha cho biết, đơn đặt hàng đèn lồng đã giảm đáng kể ở Hồng Kông, ngay cả đối với những chiếc đèn lớn được trung tâm mua sắm và khu dân cư đặt hằng năm. Ông Ha cho biết sẽ không làm bất kỳ chiếc đèn lồng lớn nào cho Tết Trung thu năm nay. “Đó là vì những chiếc đèn lồng ở Trung Quốc rẻ hơn. Ngoài ra, các đơn đặt hàng cho những chiếc đèn lồng lớn đã giảm nhiều hơn so với năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Ông Ha nhận được giải thưởng từ Kỷ lục Guiness Thế giới năm 2017 khi làm một chiếc đèn lồng to nhất thế giới - Ảnh: SCMP

Ba thập kỷ trước, Hồng Kông có khoảng 100 người làm nghề đèn lồng truyền thống, bây giờ chỉ còn sót lại một ít. “Thật sự khó để dạy cho thế hệ trẻ cách làm đèn lồng truyền thống. Công việc này không dễ dàng. Trước đây tôi đã cố gắng dạy nghề cho một số người nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng thật sự lãng phí thời gian vì rồi họ cũng sẽ từ bỏ”.

Trước Tết Trung thu năm nay, trong xưởng của ông Ha chỉ còn có ông và 3 người nữa lo hoàn thành các đơn đặt hàng cho trung tâm phục hồi chức năng.

Con trai của ông Ha, anh Ha Ho-man (34 tuổi) hy vọng một ngày nào đó sẽ tiếp tục công việc kinh doanh của cha mình bất chấp những dự đoán về một tương lai tồi tệ của nghề làm đèn lồng tại Hồng Kông.

“Chỉ cần có người Trung Quốc trên thế giới thì sẽ có đạo giáo (một truyền thống tâm linh của Trung Quốc) và cả những chiếc đèn lồng. Tôi chỉ không nghĩ rằng di sản văn hóa này có thể tồn tại được ở Hồng Kông. Tôi không buồn vì điều đó vì tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng mỗi ngày vì tôi đã được làm những gì tôi thực sự yêu thích”, anh Ho-man chia sẻ.