VĂN HÓA

Võ cổ truyền Bình Định – Tinh hoa đạo và võ đất Việt

Cẩm Chi • 14-08-2023 • Lượt xem: 2538
Võ cổ truyền Bình Định – Tinh hoa đạo và võ đất Việt

Không đơn thuần rèn luyện kỹ năng, thể chất, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần của con người, võ cổ truyền Bình Định còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào với truyền thống thượng võ của dân tộc.

Đầu tháng 8 vừa qua, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 8 tại Bình Định năm 2023 được tổ chức có sự góp mặt của hàng nghìn võ sư, huấn luyện viên, võ sĩ, võ sinh đến từ hơn 20 các quốc gia đã khẳng định thương hiệu, sức lan tỏa mạnh mẽ của võ cổ truyền Việt Nam.

Lịch sử thăng trầm

Bình Định được coi là một trong những chiếc nôi của nền võ học cổ truyền Việt Nam và từ xa xưa được gọi là “Miền đất võ”. Võ cổ truyền Bình Định có bề dày lịch sử bậc nhất trong tất cả các hệ phái võ cổ truyền Việt Nam. Trải qua nhiều thế hệ lưu giữ, bồi đắp, nâng tầm, Võ cổ truyền Bình Định lan tỏa, là kết tinh các giá trị tinh hoa dân tộc và là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này.  

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, từ đó, người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định. Vua Lê Thánh Tông đã cử các võ tướng, võ quan tài giỏi về võ nghệ của triều đình vào trấn giữ, nhà Lê muốn bình định vùng đất này lâu dài để nhân dân có cuộc sống yên ổn, phát triển mọi mặt. Bên cạnh nền võ thuật cổ truyền từ Đàng Ngoài (phía Bắc) vào, Bình Định, Quy Nhơn còn tiếp thu thêm những tinh hoa võ thuật Champa của các bộ tộc người Chăm và cả tinh hoa võ Tàu (Minh Hương). Các võ tướng, võ quan của triều đình đã ở lại đây sinh sống và truyền lại võ nghệ cho con cháu, cho dân làng và người bản địa, từ đó vùng đất Bình Định trở thành nơi có nhiều người tinh thông võ thuật.

Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ có công lớn trong việc phát triển võ cổ truyền Bình Định.

Đến thế kỷ XVIII, võ cổ truyền Bình Định chuyển sang một giai đoạn mới. Phong trào học võ ở Bình Định đã hình thành và phát triển khắp nơi. Người dân học võ để tự vệ, để phòng thân, thanh thiếu niên học võ để chờ thời đầu quân khởi nghĩa và cũng có nhiều kẻ học võ để cướp bóc, kiếm sống qua ngày... Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là môi trường, là điều kiện thúc đẩy và hình thành diện mạo mới của võ cổ truyền Bình Định. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đã hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc. 

Trong quá trình lãnh đạo nông dân khởi nghĩa, Nhà Tây Sơn đã đóng góp cho võ Bình Định ngày càng tinh túy và độc đáo. Trong đó, nổi bật nhất là người anh hùng "áo vải cờ đào" Nguyễn Huệ. Nhà vua là người đề ra phương pháp luyện quân, luyện binh, luyện võ với những bí quyết cho đến nay các nhà khoa học về binh pháp thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, khám phá. Vì vậy, quân Tây Sơn được truyền tụng cho tới nay là một đội quân dũng mãnh, bách chiến, bách thắng, đánh đâu thắng đó…

Đặc trưng võ Bình Định

Về võ thuật, võ cổ truyền Bình Định thể hiện rõ ràng tính liên hoàn, dứt khoát, tinh tế, uyên thâm. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong với bên ngoài cơ thể giúp môn võ này có những kỹ thuật tấn công độc đáo, sức hủy diệt đối phương ghê gớm.

Các võ sư truyền dạy tinh hoa đất võ cho thế hệ con cháu.

Về võ lý, võ thuật cổ truyền Bình Định vận dụng rất tốt thuyết âm - dương. Trong đó, phép ngũ hành và phép bát quái là nguyên lý cơ bản của “Song thủ ngũ hành vi bản”. Còn “Lưỡng túc bát bộ vi căn” là cơ sở võ lý để luyện tập bộ tay và bộ chân trong võ cổ truyền Bình Định. Tấn pháp trong bát quái và Thủ pháp trong Ngũ hành có sự phối hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực.

Đối với võ đạo của võ Bình Định cổ truyền chính là đạo đức của người học võ. Người học võ đề cao: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Từ thời kỳ của ông cha ta cho đến nay võ đạo vẫn luôn giữ được tinh thần: thượng võ, chống giặc ngoại xâm. uống nước nhớ nguồn,... Võ Bình Định rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, chung quy lại dù là bất kỳ bài võ nào đều có 4 nội dung cơ bản sau: luyện công, quyền thuật, võ với binh khí và luyện tinh thần. 

Những người nước ngoài học và biểu diễn thuần thục võ cổ truyền Bình Định.

Tại Bình Định, võ cổ truyền được gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay bởi nhiều thế hệ. Tỉnh cũng là địa phương duy nhất có Trung tâm Võ cổ truyền, có 02 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 huấn luyện viên, 177 võ đường, câu lạc bộ, với hơn 12.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hàng chục làng võ nổi tiếng gắn với địa danh đã tồn tại trong lịch sử nhiều thế kỷ như: làng võ An Vinh, Thuận Truyền, Phủ Thiện (huyện Tây Sơn); làng võ An Thái, Phương Danh (thị xã An Nhơn); làng võ An Hòa, Kỳ Sơn, Đại Lễ (huyện Tuy Phước)… Hiện nay, đang có nhiều võ đường tổ chức truyền dạy võ Bình Định ở châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Và mới đây võ cổ truyền Bình Định đang được đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.