VĂN HÓA

Ý nghĩa của việc cúng Rằm tháng giêng

Đan Thuỳ • 26-02-2021 • Lượt xem: 911
Ý nghĩa của việc cúng Rằm tháng giêng

Rằm tháng giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới âm lịch (“nguyên” là thứ nhất, mở đầu, “tiêu” là đêm).

Vì sao “cúng cả năm không bằng Rằm tháng giêng”?

Tết Nguyên tiêu là dịp lễ tết quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt nên ông bà ta có câu: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”.

Có nhiều lý giải cho việc tại sao Rằm tháng giêng được gọi là Tết Nguyên tiêu. Nhiều người tin rằng đây là đêm Phật giáng lâm nên rằm tháng giêng thường là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may, cúng sao giải hạn…


Tết Nguyên tiêu là dịp lễ tết quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt - Ảnh: Internet

Rằm tháng giêng còn là Tết Thượng nguyên, là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Cùng với rằm tháng giêng, còn có rằm tháng bảy là Tết Trung nguyên và rằm tháng mười là Tết Hạ nguyên.

Cúng Rằm tháng giêng giờ nào tốt nhất?

Lễ cúng Rằm tháng giêng thường được mọi người cúng vào giờ ngọ (tức là từ 11 - 13 giờ) ngày chính rằm (tức 15 tháng giêng).

Mặc dù vậy, do điều kiện cuộc sống, hiện nay mỗi gia đình lại tùy biến linh động việc cúng vào các ngày, giờ khác nhau. Họ quan niệm rằng việc thờ cúng chỉ cần thể hiện tinh thần chung là tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, thần thánh.

Cách chuẩn bị đồ cúng Rằm tháng giêng

Vào ngày Rằm tháng giêng, các gia đình thường sắm hai lễ: cúng Phật và cúng gia tiên.

Mâm lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương nhang, hoa, quả tươi, đèn (nến), xôi, oản… Nếu gia chủ là phật tử thì có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo. Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và tụng đọc bài lễ bái Tam Bảo.

Mâm lễ cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày tết. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.

Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim.

Mâm lễ mặn thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món. 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem thính (đĩa xào), dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng) và nước chấm. Đồ lễ khác gồm: hương, hoa, quả tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, thuốc lá...

Một vài lưu ý khi thực hiện nghi thức cúng, lễ ngày rằm tháng giêng để cầu bình an, may mắn đó là không dùng hoa, trái cây giả; không cúng tiền; đồ chay giả mặn và đốt nhiều vàng mã bởi vừa phí phạm lại ô nhiễm môi trường.

Theo 1thegioi.vn