VĂN HÓA

Ý niệm soi gương của Lê Kinh Tài

Tiểu Vũ • 06-11-2021 • Lượt xem: 578
Ý niệm soi gương của Lê Kinh Tài

Ngày 6.11.2021 họa sĩ Lê Kinh Tài mở cửa phòng tranh để giới thiệu 23/39 bức trong loạt tranh ý niệm biểu hiện “Mirror” (Soi gương). Trưng bày diễn ra tại lầu 20, Block G, Sunrise Riverside (Nguyễn Hữu Thọ, Phước Kiển, Nhà Bè, Q.7. TP.HCM.

Mấy ngày trước, khi in bức tranh “Yesterday” ở trang cá nhân, Lê Kinh Tài viết: “… Cái đứa mà mình luôn muốn nó trở nên hoàn thiện hơn lên mỗi ngày, chính là mình của ngày hôm qua”.

Chọn ý niệm soi gương để nhìn vào phần CON trong CON NGƯỜI, để hoàn thiện hơn chính mình của ngày hôm qua, khiến ta ngẫm ngợi. Và mở rộng ý niệm.

Từ khi phát minh ra gương soi, lịch sử về bản thể con người đã thay đổi rất lớn. Và dường như gương soi chỉ dành cho người còn sống, nên khi ai đó qua đời, nhiều dân tộc trên thế giới đã tìm cách che mặt các gương soi lại.

Ngoài soi gương dạng vật lý, nơi phản chiếu lại bóng hình, thì còn có soi gương về tâm tính và bản thể, nơi tự mỗi người sẽ phải soi chiếu vào bên trong.

Họa sĩ Lê Kinh Tài

Theo các nghiên cứu phân tâm học, nhiều người sợ soi gương vì họ sợ đối mặt với chính mình, họ né tránh tình thế sống, họ muốn “not to be”. Trong giải thích về các giấc mơ, những người sợ soi gương thì thường mơ thấy mình trốn trong gương, hoặc mắc kẹt trong gương.

Mục từ “Mirror”, trong cuốn “Từ điển biểu tượng” của J. E. Cirlot, có các đoạn: “Như một biểu tượng, gương có cùng những đặc điểm với một tấm gương trong thực tế, sự tồn tại đa dạng và lâu dài của công dụng đưa ra cách giải nghĩa nó và đồng thời đưa ra nhiều liên tưởng có ý nghĩa khác. Nó được coi là một biểu tượng của trí tưởng tượng - hoặc của ý thức - trong năng lực phản ánh bản chất thực tại của thế giới hữu hình”.

“Giờ đây, thế giới, như một trạng thái vô thường chịu tác động của những quy luật biến đổi và thay thế, là tác nhân phóng chiếu ra thứ ảnh tượng biến hóa như âm bản của sự hiển lộ và tan biến được phản chiếu trong gương. Từ những thời xưa cổ, gương đã được cho là lưỡng trị. Nó là một bề mặt tái tạo hình ảnh và bằng cách nào đó dung chứa và hấp thụ chúng” - Nguyễn Khoa Hiếu chuyển ngữ theo bản dịch tiếng Anh của Jack Sage (2nd edition, London: Routledge, 1971).

Đây cũng là điều thú vị của dòng tranh ý niệm biểu hiện (conceptual expressionism), nơi khơi gợi cho người xem liên văn bản (intertextuality) mà không ngại bị chê là “mang tính văn học”.

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Lý Đợi

Một số tác phẩm của họa sĩ Lê Kinh Tài: 

Tag: