VĂN HÓA

Ý tưởng thành phố dành riêng cho phụ nữ

Hòa Bảo • 14-10-2020 • Lượt xem: 4089
Ý tưởng thành phố dành riêng cho phụ nữ

Làm thế nào để thiết kế một thành phố dành riêng cho phụ nữ?

Năm 1999, các quan chức ở Vienna, Áo, đã khảo sát người dân ở quận 9 của thành phố về tần suất và lý do mà họ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ursula Bauer, một trong những người quản lý thành phố được giao nhiệm vụ thực hiện cuộc khảo sát, cho biết: “Hầu hết đàn ông điền vào bảng câu hỏi trong vòng chưa đầy năm phút. Trong khi đó, những người phụ nữ thì lại không thể ngừng viết".

Đa số nam giới cho biết họ sử dụng phương tiện công cộng hai lần một ngày - để đi làm vào buổi sáng và trở về nhà vào ban đêm hoặc dùng ô tô riêng. Mặt khác, phụ nữ lại sử dụng mạng lưới vỉa hè, các tuyến xe buýt, những chuyến tàu điện ngầm và xe điện của thành phố thường xuyên hơn với vô số lý do.

Bauer nhớ lại: “Những người phụ nữ có nhiều lý do để di chuyển”. "Họ viết những câu như 'Tôi đưa con đi khám bệnh vào một số buổi sáng, sau đó đưa chúng đến trường trước khi đi làm. Sau đó, tôi giúp mẹ mua hàng tạp hóa và đưa các con về nhà trên tàu điện ngầm."

Phụ nữ sử dụng phương tiện công cộng thường xuyên hơn và đi bộ nhiều hơn nam giới. Họ cần phải chia thời gian một cách hợp lý giữa công việc và các mối quan hệ trong gia đình như chăm sóc con cái và cha mẹ già. Nhận thức được điều này, các nhà quy hoạch thành phố đã soạn thảo một kế hoạch để cải thiện quá trình di chuyển của người dân cũng như khả năng tiếp cận phương tiện công cộng.

Bắt đầu với việc bổ sung hệ thống chiếu sáng để giúp phụ nữ đi bộ vào ban đêm an toàn hơn. Vỉa hè được mở rộng để người đi bộ có thể di chuyển dễ dàng hơn trên những con phố hẹp. Và một cầu thang lớn với một đoạn đường dốc chạy qua ở giữa đã được lắp đặt gần một giao lộ chính để giúp những người có xe đẩy và những người sử dụng xe lăn qua lại dễ dàng hơn.

Quyết định xem xét cách đàn ông và phụ nữ sử dụng phương tiện công cộng không phải là một hành động không mục đích của các nhà quản lý. Đây là một phần của dự án nhằm đưa vấn đề giới vào chính sách công. Ở Vienna, đây được gọi là “lồng ghép giới” (gender mainstreaming).

Lồng ghép giới

“Lồng ghép giới” đã được thực hiện ở thủ đô của nước Áo từ đầu những năm 1990. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các nhà quản lý thành phố tạo ra những luật lệ, quy tắc và quy định để làm cho lợi ích của đàn ông và phụ nữ ngang bằng. Mục tiêu là cung cấp khả năng tiếp cận bình đẳng đến các nguồn lực của thành phố. Và cho đến nay, các quan chức nói rằng nó đang hoạt động khá hiệu quả.

Vienna đã áp dụng chính sách “lồng ghép giới” trong một số lĩnh vực quản lý thành phố, trong đó bao gồm chính sách giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Nhưng không có lĩnh vực nào có thể gây được nhiều tác động hơn lĩnh vực quy hoạch đô thị. Hơn 60 dự án thí điểm đã được thực hiện cho đến nay. Khi mà quy mô  của các dự án này tăng lên,việc “lồng ghép giới” đã tái định hình lại toàn bộ thành phố theo nghĩa đen.

Các nhà quy hoạch đô thị đã kết hợp “lồng ghép giới” và thiết kế thành phố ở Vienna trong hơn hai thập kỷ và họ đã biến nó thành một thành phố vô cùng khoa học. Trước khi một dự án được tiến hành, dữ liệu được thu thập để xác định cách những nhóm người khác nhau sử dụng dịch vụ công cộng.

"Có rất nhiều câu hỏi cần được đặt ra", Eva Kail nói với tôi. Kail đã có công trong việc đưa “lồng ghép giới” đến Vienna và hiện là chuyên gia về giới tính trong Nhóm Quy hoạch Đô thị của thành phố. "Bạn cần biết ai đang sử dụng dịch vụ này, số lượng người có lớn không và mục đích của họ là gì? Khi bạn đã phân tích các mô hình sử dụng dịch vụ công cộng, bạn bắt đầu xác định nhu cầu và sở thích của những người sử dụng nó", cô giải thích. "Sau đó, lập kế hoạch sử dụng những dữ liệu này để đáp ứng cũng như cải thiện những nhu cầu này."

Chính sách “lồng ghép giới”  bắt đầu thành công ở Vienna vào năm 1991 khi Kail và một nhóm các nhà quy hoạch thành phố tổ chức một cuộc triển lãm nhiếp ảnh có tiêu đề "Ai sở hữu dịch vụ công cộng - Cuộc sống hàng ngày của phụ nữ trong thành phố." Nó mô tả những thói quen hàng ngày của một nhóm đa dạng những người phụ nữ khi họ trải qua cuộc sống của họ ở thủ đô của Áo. Những người phụ nữ đến từ các tuyến đường khác nhau trong thành phố. Nhưng những hình ảnh cho thấy rõ ràng rằng sự an toàn và thuận tiện trong di chuyển là ưu tiên hàng đầu.

Nó đã gây ra một cơn bão truyền thông. "Báo chí, truyền hình và đài phát thanh đều đưa tin về nó và 4.000 người đã đến thăm", Kail nói. "Vào thời điểm đó, nó là một cái gì đó hoàn toàn mới. Nhưng các chính trị gia nhanh chóng nhận ra đó là thứ mà mọi người quan tâm và họ quyết định ủng hộ nó."

Ngay sau đó, thành phố đã thắp sáng một loạt các dự án thí điểm “lồng ghép giới”. Một trong những công trình đầu tiên được thực hiện là một khu chung cư được thiết kế cho và bởi phụ nữ ở quận 21 của thành phố. Năm 1993, thành phố đã tổ chức một cuộc thi thiết kế cho dự án, với tên gọi là Frauen-Werk-Stadt hay Women-Work-City.

Ý nghĩa thiết thực

Ý tưởng là tạo ra những căn nhà giúp cuộc sống của phụ nữ dễ dàng hơn. Nhưng chính xác thì điều đó có nghĩa là gì? Các cuộc khảo sát về cách sử dụng thời gian do Statistik Austria, văn phòng thống kê quốc gia Áo, biên soạn, cho thấy phụ nữ dành nhiều thời gian mỗi ngày cho việc nhà và chăm sóc con cái hơn nam giới. Women-Work-City được xây dựng với suy nghĩ này. Nó bao gồm một loạt các tòa nhà chung cư với các sân chơi. Với những bãi cỏ xanh tươi, cho phép các bậc cha mẹ và con cái dành thời gian cho nhau bên mà không cần phải đi xa nhà. Những khu phức hợp có nhà trẻ, hiệu thuốc và văn phòng bác sĩ ngay trong khuôn viên. Nó cũng nằm gần phương tiện giao thông công cộng để giúp bạn giải quyết những việc lặt vặt và đến trường cũng như đi làm dễ dàng hơn.

(Ảnh: Playlsi)

"Điều khiến dự án trở nên độc đáo là chúng tôi đã làm việc để xác định nhu cầu của những người sử dụng những dich vụ trước và sau đó tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật", Kail nói. "Ngược lại với bình thường, khi mà các giải pháp quyết định kết quả cuối cùng."

Sau khi hoàn thành Women-Work-City, các quan chức thành phố đã chú ý đến mạng lưới các công viên công cộng của Vienna và tiến hành một cuộc nghiên cứu để xem cách nam giới và phụ nữ sử dụng chúng. Những gì họ tìm thấy thật đáng ngạc nhiên.

Nghiên cứu diễn ra từ năm 1996 đến năm 1997 cho thấy sau 9 tuổi, số lượng bé gái ở các công viên công cộng giảm đáng kể, trong khi số bé trai vẫn ổn định. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các bé gái ít quyết đoán hơn các bé trai. Nếu các bé trai và bé gái tranh giành không gian trong công viên, các bé trai có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn.

Các nhà quy hoạch thành phố muốn xem liệu họ có thể đảo ngược xu hướng này bằng cách tự thay đổi các công viên hay không. Năm 1999, thành phố bắt đầu thiết kế lại hai công viên ở quận thứ năm của Vienna. Các lối đi bộ đã được thêm vào để làm cho các công viên dễ tiếp cận hơn và các sân bóng chuyền và cầu lông đã được lắp đặt để cho phép nhiều hoạt động đa dạng hơn. Gần như ngay lập tức, các quan chức thành phố nhận thấy một sự thay đổi. Các nhóm người khác nhau - trẻ em gái và trẻ em trai - bắt đầu sử dụng các công viên mà không có nhóm nào lấn át nhóm kia.

Tuy vây, các nhà lập kế hoạch cũng có nguy cơ rơi vào các định kiến trong việc cố gắng xem xét cách mà đàn ông và phụ nữ sử dụng những không gian thành phố. Để tránh xa điều này, các quan chức thành phố đã bắt đầu tránh xa thuật ngữ “lồng ghép giới”, thay vào đó sử dụng  'Thành phố chia sẻ công bằng'(Fair Shared City).

Dù những hạn chế của nó là gì, không nghi ngờ gì rằng quá trình “lồng ghép giới” đã để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa trên thủ đô của Áo. Nó bắt đầu như một cách để xem xét cách đàn ông và phụ nữ sử dụng dịch vụ trong những thành phố khác nhau. Tuy nhiên, ngày nay, việc “lồng ghép giới” đã phát triển thành một khái niệm rộng hơn nhiều. Nó trở thành một cách thay đổi cấu trúc và kết cấu của thành phố để các nhóm người khác nhau có thể sống chung với nhau. "Đối với tôi, đó là một cách tiếp cận chính trị để lập kế hoạch," Kail nói. "Đó là việc đưa mọi người vào những không gian mà trước đây họ chưa từng biết đến, nơi mà họ có quyền tự quyết."

Theo Bloomberg