Duyên Dáng Việt Nam

10 loại cây cảnh có độc, nên để xa tầm tay trẻ em

KP • 01-09-2020 • Lượt xem: 1389
10 loại cây cảnh có độc, nên để xa tầm tay trẻ em

Cây cảnh vốn đẹp nhưng không phải cây nào cũng lành tính. Một số loại cây vốn chứa chất gây độc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà chưa chắc ai cũng biết.

 

Dưới đây là 10 loại cây có nguy cơ gây bệnh cho con người, nhất là đối với trẻ em:

1. Cây hoa bông tai (còn gọi là Ngô thi)

Hoa bông tai có tên khoa học Asclepias curassavica, xuất xứ từ Trung Mỹ và được trồng nhiều ở vùng nhiệt đới. Cây hoa bông tai có thể giúp xua đuổi côn trùng, là nguồn mật quan trọng cho các loài ong bướm, đặc biệt là bướm chúa. Cây có hoa vàng, mọc thành từng cụm 6-12, nhỏ xinh như khuyên tai của phụ nữ nên được nhiều người chọn làm cây cảnh.

cay_doc_1
Nguồn: vietq.vn

Theo kinh nghiệm dân gian, cây hoa bông tai có thể được sử dụng như một dược liệu. Lá của cây dùng để chữa kiết lỵ và nhựa cây dùng loại bỏ mụn cơm. Tuy nhiên, sách “Trung Quốc thực vật đồ giám” cho rằng nhựa cây này có độc. Nhựa của cây bông hoa tai có màu trắng đục như sữa, có chứa các ancaloit và cardenolid (glicozit tim mạch) có khả năng gây ngộ độc và làm tổn thương mắt.

2. Cây xương rồng bát tiên (còn gọi là hoa bát tiên, hoa mão gai)

Tên khoa học của cây xương rồng bát tiên là Euphorbia milii. Xương rồng bát tiên là giống cây có rất nhiều loại, được trồng khá phổ biến ở miền Nam Việt Nam. Cây nở sai hoa, màu sắc đa dạng như hồng, xanh, đỏ, vàng… Lá cây cũng có nhiều kiểu dáng, từ bầu dục, thuôn dài đến hình mác, hình tròn. Nhiều người chọn cây này làm cây cảnh vì nó mang ý nghĩa may mắn, cát tường cho gia chủ. Không những vậy, cây xương rồng bát tiên có thể thích nghi ở những môi trường khô hạn, khắt nghiệt.

cay_doc_2
Nguồn: khonggiansong.com.vn

Tuy nhiên, thân cây có gai và nhựa của cây chứa nhiều chất độc, có thể gây bỏng rát cho da trẻ em. Vì vậy, người lớn nên căn dặn và hạn chế cho trẻ nhỏ tiếp xúc, bẻ lá, hoa của cây xương rồng bát tiên.

3. Cây ngoắt ngoẻo (còn gọi là ngót nghẻo, huệ lồng đèn, gia lan)

Gloriosa superba là tên khoa học của cây ngoắt ngoẻo. Cây này có thể sinh trưởng ở độ cao 900 - 1.300 m trong những khu rừng thuộc các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Lào… Cây ngoắt ngoẻo có hoa sặc sỡ, khá bắt mắt. Cánh hoa dài nhọn như móng hổ, màu cam nhạt, thu hút khá nhiều ong bướm đến lấy mật.

cay_doc_3
Nguồn: khonggiansong.com.vn

Thế nhưng, các thành phần cây ngoắt ngoẻo đều chứa chất độc, gây hại cho con người và động vật. Năm 1964, một nghiên cứu được công bố trên website của Trung tâm thông tin Công nghệ sinh học quốc gia Mỹ (NCBI) ghi nhận trường hợp có người bị rụng hết tóc, lông trên cơ thể vì ăn phải củ ngoắt ngoẻo. Chất kịch độc Colchicine và Alkaloid có trong củ và hạt cây này có thể làm cho cơ thể người và động vật mất cảm giác, dẫn đến hôn mê, thậm chí là tử vong.

4. Cây chuỗi ngọc bi (còn gọi là sen đá chuỗi ngọc)

Cây chuỗi ngọc bi có tên khoa học là Sedum morganianum, là một loại thực vật mọng nước. Lá cây có dạng chuỗi, màu xanh ngọc bích, tạo thành từng nhánh rủ xuống tăng thêm vẻ duyên dáng, mát mẻ cho khu vườn. Cây này có nguồn gốc ở miền Nam Mexico. Ở Việt Nam, nó được trồng khá phổ biến ở các tỉnh Nam Trung Bộ.

cay_doc_4
Nguồn: kenly.com.vn

Trẻ nhỏ rất thích thú với những cây cảnh nhỏ xinh như chuỗi ngọc bi. Tuy nhiên, đây là một loài cây cảnh có chứa chất gây độc Gucosides. Chất này làm cơ thể người mệt mỏi, dẫn đến khó thở, nhịp tim không bình thường. Vì vậy, người lớn nên treo cây này lên cao hoặc hạn chế trưng bày cây này trong nhà để trẻ em tránh tiếp xúc.

5. Cây vạn tuế (còn gọi là cây thiên tuế)

Vạn tuế là một loại cây cảnh quen thuộc với nhiều người, được trưng bày ở nhiều quảng trường và con phố. Lá cây thon dài, cuống lá có gai nhọn, thường mọc dày đặc quanh cây. Cây vạn tuế có tên khoa học là Cycas revoluta.

cay_doc_5
Nguồn: soha.vn

Cây vạn tuế có nguồn gốc ở  miền Nam Nhật Bản nhưng cũng được trồng khá rộng rãi ở Việt Nam. Trang National Tropical Botanical Garden từng đăng bài cảnh báo cho mọi người tránh tiếp xúc gần với vạn tuế, đặc biệt là trẻ em. Bởi vì, các hợp chất Alkaloids có trong lá, thân cây vạn tuế có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư cho con người.

6. Cây Huỳnh Anh (còn gọi là cây hoàng anh, dây huỳnh, dây công chúa)

Cây Huỳnh Anh thuộc họ Trúc Đào, có tên khoa học là Allamanda cathartica. Hoa của cây mọc thành cụm, có màu vàng rực rỡ. Nhựa cây màu trắng, tập trung ở ngọn hơn là thân và cành.

cay_doc_6
Nguồn: tuankiet.com

Các thành phần của cây Huỳnh Anh đều chứa chất độc gây rối loạn tiêu hóa. Trẻ em ngậm phải lá, hoa, nhựa, vỏ của cây có thể dẫn đến sưng môi, viêm da, thậm chí là xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…

7. Hoa cẩm tú cầu (còn gọi là hoa đĩa)

Hoa cẩm tú cầu có tên khoa học là Hydrangea macrophylla, thích hợp sinh trưởng ở những nơi có khí hậu mát mẻ. Ở Việt Nam, nhiều người có thể bắt gặp hoa cẩm tú cầu ở Đà Lạt. Hoa cẩm tú cầu gây ấn tượng bởi những chùm hoa lớn, hình tròn và có nhiều màu sắc đa dạng như tím, xanh, trắng…

cay_doc_7
Nguồn: hoasaigon.com.vn

Thế nhưng, lá và củ cây hoa cẩm tú cầu có chứa chất hydragin-cyanogenic glycoside. Chất này có thể khiến người ăn phải bị tiêu chảy, ói mửa, thở gấp dẫn đến hôn mê, co giật.

8. Cây sầu đâu (còn gọi là cây xoan, thầu đâu)

Cây sầu đâu là cây lấy gỗ, có thể cao từ 7 – 10m. Loài cây có tên khoa học là Melia azedarach L., thường được tìm thấy ở các tỉnh miền Trung. Hoa sầu đâu có màu hồng nhạt, nhỏ xinh, mọc thành từng cụm. Lá cây sầu đâu thường được ngâm để lấy nước diệt sâu bọ.

cay_doc_8
Nguồn: www.phunuvagiadinh.vn

Đa số các thành phần của cây đều có chứa độc tính. Chất tetranortriterpen có trong lá, quả, nhựa cây có thể gây ngộ độc thần kinh. Triệu chứng ngộ độc có thể kể đến như váng đầu, hoa mắt, nôn mửa, tiêu chảy, mất vị giác…

9. Cây lá ngón (còn gọi là đoạn trường thảo, cây rút ruột)

Tên khoa học của cây lá ngón là Gelsemium elegans. Cây vốn thuộc loại dây leo, dài từ 5 – 7m, có lá mọc đối nhau. Các bộ phân cây (dây, lá, rế, hoa, quả) có chứa nhiều chất độc như glesemin, koumin, kouminidin… Một người nhai hai đến ba lá ngón cũng đủ để dẫn đến tử vong.

cay_doc_9
Nguồn: www.phunuvagiadinh.vn

Trong truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Mị từng nghĩ đến việc dùng lá ngón để tự vẫn. Thế mới biết, lá ngón được xem là một loại cây có độc nhất Việt Nam. Cây này xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai…

10. Cây thầu dầu tía (còn gọi là cây đu đủ tía, dầu ve, tỳ ma)

Ricinus communis L. là tên khoa học của cây thầu dầu tía. Cây này được xem như là một cây thuốc dùng để trị bệnh trĩ, có thể được tìm thấy ở các tỉnh miền núi Tây Bắc như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Giang…

cay_doc_10
 Nguồn: www.thuocdantoc.org

Thầu dầu tía là một loài cây có ích nhưng cũng chứa nhiều chất gây độc hại. Chất ricin có trong hạt của cây khiến người ngộ độc phải khó thở, rối loạn thị lực, tim mạch. Trẻ em ăn phải một hạt thầu dầu tía có thể bị nôn mửa, ăn 3-4 hạt có thể dẫn đến tử vong.

(Thông tin mang tính chất tham khảo!)