Ai cũng cần ăn để sống, nhưng bạn có nhận ra rằng mình luôn mua nhiều hơn cần thiết? Chúng ta luôn đi mua sắm với ý định mua chỉ một thứ, và khi ra về lại tay xách nách mang hàng đống thứ không liên quan.
Ngay lập tức bạn sẽ biện hộ với bản thân rằng vì chúng được giảm giá mạnh hay “chỉ vài món ăn vặt thôi mà”.
Nhưng hãy thử xem xét câu chuyện từ một góc độ khác. Chính xác thì điều gì đã khiến bạn mua chúng?
Thực ra quyết định của bạn đã bị ngầm điều khiển bởi các chiêu thức marketing tinh vi từ những bậc thầy quảng cáo đằng sau các nhãn hàng.
Hình ảnh người nổi tiếng trong quảng cáo
“Họ cũng ăn món này”. Đây là những gì chúng ta nghĩ khi nhìn vào một tấm hình quảng cáo có mặt một ca sĩ, diễn viên hay cầu thủ bóng đá nổi tiếng nào đó đang ăn đồ ăn vặt hay cầm trên tay chai nước ngọt của một nhãn hàng.
Một cách vô thức, chúng ta muốn bắt chước hành vi của họ, chúng ta muốn cuộc sống giống như tấm hình quảng cáo. Vậy là chúng ta bỏ luôn chai nước đó, thứ chúng ta vốn không có nhu cầu, vào giỏ đồ của mình.
Nhạc nền thư giãn
Bạn có bao giờ để ý trong các nhà hàng, cà phê, siêu thị, trung tâm thương mại luôn mở nhạc nền rất hay? Các nhà khoa học đã chứng minh rằng nhạc nền khiến người ta mua sắm nhiều hơn 10% khi họ mua sắm trong yên lặng.
Bộ phận marketing của những chỗ chúng ta thường lui tới chắc chắn biết cách lấy cảm tình của khách hàng bằng cách mở những bài hit hay giai điệu quen thuộc: bạn nghe thấy bài hát yêu thích của mình trên bảng xếp hạng và mải miết chọn hàng bỏ vào giỏ.
Những lợi ích giả
Khi bạn tới một cửa hàng hay siêu thị, thứ đầu tiên đập vào mắt bạn chắc chắn là những biển giảm giá đỏ chói với mức giá đã giảm trên đó. Nhưng đừng tưởng rằng đó là món hời.
Nhiều khả năng là bạn sẽ bỏ thật nhiều những sản phẩm có bảng giá màu đỏ này vào giỏ mà chẳng buồn để ý đến mức giá giảm nhiều khi không tới 1% của chúng.
Đồ ăn tốt cho sức khỏe
Xu hướng ăn tốt cho sức khỏe đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhãn hàng thực phẩm. Các nhà sản xuất hiểu rằng nếu khách hàng “nghĩ” rằng sản phẩm của họ có nguồn gốc hữu cơ, khách hàng sẽ chọn nó và thậm chí mua nhiều hơn.
Thật không may, những lời khẳng định chắc nịch trên nhãn sản phẩm rằng chúng tốt cho sức khỏe, không phải lúc nào cũng đúng với thực tế.
Những cụm từ chuyên môn như “GMO free” hay “100% organic” cho phép sản phẩm tự định giá cao hơn mức giá thật của chúng.
Những món hấp dẫn nhất
Các chuyên gia marketing biết rằng, để trở nên hấp dẫn hơn, hàng hóa cần được sắp xếp theo cách đặc biệt.
Những chuyển động của mắt được thiết kế để xác định để tìm kiếm những vị trí phổ biến nhất mà khách hàng chú ý tới.
Những món hàng đắt nhất và hấp dẫn nhất sẽ được đặt ở những điểm này.
Mùi thơm hấp dẫn
Những dữ liệu về mùi thường được vận chuyển trực tiếp tới não bộ. Nó khơi gợi những cảm xúc sâu sắc nhất và sẽ là những ký ức khó phai trong não bộ.
Sử dụng mùi thơm hấp dẫn sẽ gợi lên liên kết giữ hình ảnh sản phẩm và mùi đặc biệt. Các nhà khoa học Mỹ khẳng định rằng mùi hương “ấm áp” khiến khách hàng mua nhiều đồ hơn, còn mùi “lạnh” ngăn khách hàng tiêu thêm tiền.
Nhiều cửa hàng bán đồ ăn thường quay những món dậy lên mùi thơm hấp dẫn và để mùi hương này lan tỏa khắp nơi trong tiệm.
Các chất phụ gia gây nghiện
Chúng ta đều biết đường gây nghiện. Nhưng ngoài ra còn có rất nhiều chất phụ gia “bí mật” trong ngành thực phẩm có tính chất gây nghiện mà người ăn không hề nhận thức được.
Sau đây là một vài hợp chất có thể đang gây ra cơn nghiện cho bạn:
Monosodium glutamate. Có nhiều cuộc tranh luận khoa học về tác động của nó lên cơ thể con người, nhưng chưa có thông tin cụ thể về khả năng gây hại của nó. Chất phụ gia này làm tăng hương vị thực phẩm, khiến chúng ta chỉ muốn ăn không ngừng.
Các chất tạo ngọt và thay thế cho đường, dưới tên aspartame, saccharin, neotame, sucralose, đường alcohol.. Các chất này không chứa đường, nhưng có tác dụng tạo ngọt.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra những chất phụ gia này gây nên cơn thèm đường ngày một tăng, đồng thời kích thích ăn ngon.
Đường bắp high-fructose là một loại chất kích thích ăn nhiều thức ăn nhanh hơn và dẫn tới bệnh béo phì, đặc biệt là béo bụng.
Thay đổi về kích thước
Một thực tế không phải ai cũng biết là một phần khoai tây chiên tiêu chuẩn tại các tiệm ăn nhanh đã tăng khẩu phần lên gấp đôi trong vòng 40 năm qua.
Các chuỗi thức ăn nhanh đang tăng cả giá và khẩu phần lên ngày một lớn hơn và khách hàng không hề nhận thức được rằng mình đang ăn ngày một nhiều hơn.
Cũng có khi thực tế ngược lại: khẩu phần giảm đi trong khi giá giữ nguyên.
Điều này xảy ra với mọi loại thực phẩm như bơ, sữa và những thứ khác.
Tiếng nước ngoài trên nhãn
Những sản phẩm nhập ngoại khiến bạn tin tưởng và chi tiền nhiều hơn? Không phải lúc nào chất lượng của chúng cũng hơn các sản phẩm nội địa. Chúng có thể chỉ là các sản phẩm chất lượng trung bình, thậm chí là thấp ở nơi nó được sản xuất, nhưng sang đến thị trường nước ngoài bỗng nhiên lại bán chạy nhờ mang danh “nhập ngoại”.
Ăn thử tại chỗ
Đị dạo trong siêu thị, không định mua gì thêm? Điều đó gần như là không thể khi cứ vài bước lại có một hai nhân viên quảng cáo đứng bê khay đầy những phần đồ ăn nho nhỏ mời bạn uống và ăn thử.
Ngay sau khi bạn dừng lại để “nếm thử” hương vị của chúng, khả năng cao là bạn sẽ vì tâm lý đã dùng thử hoặc vì nụ cười của em nhân viên mà chép miệng: “Thôi, mua một gói cũng chẳng sao”.
Giá thấp
Theo tâm lý học, con người yêu thích các sản phẩm giá rẻ một cách tự nhiên, đó là tâm lý ham rẻ. Đừng quên kiểm tra hạn sử dụng của các món được sale, phần lớn trường hợp chúng sắp hết hạn rồi đó.
Giá thấp luôn được tôn lên trên nền biển đỏ hoặc vàng và nhìn xem, chúng nhìn hấp dẫn hơn những thứ khác.
Một khi bạn tiến tới những tấm biển này, ngay bên cạnh mấy món giảm giá có thể là những món đắt mà bạn vô tình “xem thêm” và bỏ vào giỏ một cách vô thức.
Mua sỉ với giá thấp cũng là một đòn tâm lý hiệu quả. Chúng ta sẽ mua nhiều hơn mình cần nếu vài lốc sữa tươi hay sữa chua bị cột lại với nhau và ghi: Mua 2 lốc tặng 1 hộp hay một món khuyến mãi nào đó.
Cách sắp xếp cửa hàng
Các cửa hàng thường được sắp xếp gây ảo giác rằng vị trí của các sản phẩm được sắp xếp một cách ngẫu nhiên. Những nhãn hàng bán chạy nhất thường được đặt ở giữa chứ không phải gần lối ra vào.
Khi bạn tiến đến gian hàng nhu yếu phẩm, bạn sẽ phải đi qua hàng loạt các sản phẩm không cần thiết khác. Và kết quả là khi tới được chỗ mua nước giặt, trong giỏ bạn đã đầy ắp các sản phẩm “hấp dẫn” khác bạn nhặt trên đường đi.
Phần lớn khách hàng là người thuận tay phải. Đó là lý do tại sao các sản phẩm giá trị cao thường được sắp xếp trên các quầy bên phải lối đi. Chúng ta chỉ đơn giản là “tiện tay” với lấy chúng mà không hề để ý.
Thiết kế bao bì
Hàng hóa thật luôn được đóng gói trong bao bì với hình ảnh hấp dẫn.
Các chuyên gia thiết kế bao bì khiến khách hàng quên hẳn việc nghĩ đến sản phẩm thật đằng sau tấm hình. Họ thiết kế những bức hình hoàn hảo tuyệt đẹp khiến khách hàng nghĩ đến vị ngon của chúng. Không gì thuyết phục hơn một tấm hình đẹp.
Và chắc bạn ít khi để ý đến dòng chữ nhỏ đính kèm bên dưới: Hình chỉ mang tính minh họa.
Khiến sản phẩm nhìn hấp dẫn hơn.
Các nhà tâm lý học biết rằng hình ảnh những giọt nước thôi thúc con người thỏa mãn cơn khát.
Một tâm lý khác là khi thấy thành phần dinh dưỡng của sản phẩm được làm nổi bật với phông chữ lớn ở mặt trước, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng chúng tốt cho sức khỏe và đáng tin cậy. Và chúng ta sẽ mua đi mua lại mà chẳng hề suy nghĩ sâu hơn.
Cảm xúc tích cực
Các chuyên gia marketing hiện đại không bán sản phẩm, họ bán tâm trạng và lối sống. Đó là lý do tại sao những chiếc bánh ngọt đáng yêu đầy màu sắc được trưng bày trong tủ kính lại khơi gợi được cảm giác muốn tự thưởng cho bản thân đến thế.
Không những vậy họ còn tạo cho cửa hàng không khí thân thiện và ấm cúng, trong ánh đèn vàng ấm áp tràn đầy mùi hương hấp dẫn, nhân viên bán hàng thì nở nụ cười thân thiện và sản phẩm được đóng gói đẹp đến không thể chối từ.
Dù có yêu thích những chuyến mua sắm đầy cảm xúc đến đâu, hãy là những khách hàng tỉnh táo và sáng suốt để mua đúng và mua đủ những gì mình thật sự cần. Hi vọng những thông tin trên đây đã phần nào giúp bạn mua sắm thông minh.