Duyên Dáng Việt Nam

Ẩn sĩ

Thoại Vy • 28-05-2018 • Lượt xem: 4370
Ẩn sĩ

Có bao giờ bạn mơ mộng sẽ được ông trời ban cho cơ hội gặp chân nhân, một người khác với người thường để hỏi han về những chuyện thiên cơ. Câu chuyện về những con người mai danh ẩn tích từ xa xưa luôn khơi gợi sự tò mò cho chúng ta. Bài viết dưới đây của thành viên Thoại Vy sẽ giúp bạn hiểu hơn về những con người đặc biệt mang danh "Ẩn sĩ"

Ngược với đa số đàn ông hiếu danh, có một kiểu người thanh thoát đi mây về gió. Họ phảng phất trong hoang cốc đại ngàn, trong núi cao rừng sâu, trong thôn cùng xóm vắng hẻo lánh và thường đạo hạnh sâu dày. Kiểu như rồng thấy đầu thì không thấy đuôi. Phàm nhân gọi họ là ẩn sĩ. 

Ảnh minh họa từ Internet

1. Trong bộ kỳ thư “Tam Quốc diễn nghĩa”, người ta nhắc nhiều đến Ngọa Long tiên sinh. Bởi Gia Cát ẩn sĩ ngồi trong lều tranh mà tài đoán định tương lai đã tỏ tường: Thiên hạ (Trung Nguyên) chia ba (Thế chân vạc). Người đời lại nhắc đến hiền sĩ Từ Thứ có công tiến cử Khổng Minh. Vì chữ hiếu (với mẹ) đành bó mình theo Tào ( điển tích "Từ Thứ quy Tào") nhưng suốt đời không giúp mưu kế gì cho Tào Tháo.

Tuy nhiên, trong “Tam Quốc chí”, “Bàng Thống truyện” lại dành những trang đặc biệt để miêu tả Tư Mã Thủy Kính "Tư Mã Huy là người thanh nhã, rất biết nhìn người…". Chính Tư Mã tiên sinh đã tiến cử với Lưu Bị cả Gia Cát Lượng lẫn Bàng Thống. Đây đích thực là một ẩn sĩ, không chỉ vì hành tung ẩn dật mà còn vì tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và sự giấu mặt cao thượng của ông.

Tư Mã ẩn sĩ biết có người tài hơn nên đã ẩn mình để “Phụng Sồ” Bàng Thống và “Ngọa Long” Khổng Minh lộ diện. Một người biết nhường đường và đoán đúng được tương lai của hai nhân tài trên thì quả là cao thủ. Chưa thấy phụ nữ là ẩn sĩ, trừ nàng Hoàng Nguyệt Anh, vợ Khổng Minh. Nàng giấu mình bằng cách hóa trang dung mạo cho xấu xí, không lộ mặt trước thiên hạ. Còn lại một “núp sĩ” khác người Việt chính hiệu là cô Lan, người yêu anh Điệp, thất tình đành lên chùa náu mình. Nhưng cô Lan lại là nhân vật trong vở cải lương kinh điển, không phải nhân vật có thật, nên không tính. 

Ảnh minh họa từ Internet

2. Ai cũng rõ chuyện ẩn sĩ Hứa Do thẳng thừng từ chối ngai vàng vua Nghiêu trao cho. Ông bảo vua: “Ngài trị vì thiên hạ thì thiên hạ đã thái bình rồi. Nếu tôi thay chỗ ngài, chẳng phải vì tôi háo danh sao? Danh chỉ là vẻ ngoài của điều chân thật, chẳng lẽ tôi vì cái vẻ ngoài sao? Chim ri làm tổ trong rừng sâu không cần nhiều hơn một cành; chuột chũi đi uống nước sông không cần đầy hơn một bụng …”.

Ở đây không bàn chuyện tiến – thoái, xuất thế - dấn thân, đi - ở, dở - hay trong xử thế …. Hứa Do còn tài ở chỗ biết định vị mình, giữ mình tránh xa bã phù vinh, nhường hào nhoáng danh vị cho người xứng đáng. Chắc học người xưa nên thảng hoặc hiếm hoi có gã từ quan để lên non “Đưa em tìm động hoa vàng”. Dân gian truyền tai rằng chắc gã này bị hâm hoặc thuộc dạng người … tự kỉ .

Còn thì ngay cả tác giả của nhạc phẩm trên cũng chịu khó lộ diện để các phương tiện truyền thông lấy tin, đưa hình. Thời thế đổi thay, ngay cả giới cầm bút (Bao gồm cả các nhà phê bình) trước đây thường âm thầm lặng lẽ giấu mặt để “đóng cửa phòng văn hì hục viết” (Chế Lan Viên) thì giờ đây chăm chỉ hiện diện không chỉ trên báo hình, báo viết … mà còn “cập nhật” trên mạng xã hội. Như là một trào lưu thời thượng.
Ẩn sĩ đích thực như bóng núi. Sừng sững, thâm nghiêm và tĩnh tại. Có một lần tôi bắt gặp bóng núi. Tôi cười, bóng núi cũng cười. Hàm răng như trăng sáng lấp lóa. Lần duy nhất ấy là trong một giấc chiêm bao.

Tag: