Duyên Dáng Việt Nam

Bạn biết gì về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính?

Minh An t/h • 11-01-2018 • Lượt xem: 1329
Bạn biết gì về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thuật ngữ y học viết tắt là COPD, là tình trạng bệnh lý với các biểu hiện mạn tính ở phổi. Các triệu chứng thông thường nhất là ho, khạc đàm mạn tính và khó thở. Các triệu chứng bệnh tiến triển từ từ tăng dần. Ở giai đoạn nặng, bệnh hầu như không hồi phục ngay cả khi được điều trị. Đây là hậu quả của một quá trình viêm mạn tính ở phổi dưới tác động của tình trạng ô nhiễm khí thở, đặc biệt là thuốc lá.

Nguyên nhân và tình hình mắc bệnh
Ô nhiễm khí thở mà trong đó đặc biệt là khói thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh. Khói thuốc lá với khả năng oxy hóa mạnh và kích thích phản ứng viêm dẫn đến phá hủy cấu trúc phổi dưới tác động của các men phân hủy protein. Các triệu chứng ban đầu xuất hiện thường sau 20 năm hút thuốc (tức là khi bệnh nhân ở khoảng 40 tuổi) bằng: ho, khạc đàm, giảm chức năng hô hấp (bệnh nhân không thể làm việc hay gắng sức được vì cảm giác mệt). Khoảng 30 năm hút thuốc thì sẽ xuất hiện triệu chứng khó thở. Tình trạng khó thở tăng dần, không hồi phục. Đồng thời người bệnh có các biểu hiện toàn thân như teo cơ, loãng xương, các biến chứng tim mạch… Giai đoạn cuối người bệnh thường trong tình trạng tàn phế do suy hô hấp và tử vong.



Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh trên nhóm người từ 40 tuổi trở lên chiếm khoảng 6-7%, thuộc nhóm cao trong các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều đáng nói là hầu hết bệnh nhân (trên 90%) không biết mình bị bệnh, vẫn tiếp tục phơi nhiễm với bụi, khói và hút thuốc lá. Tình trạng bệnh vẫn để tiến triển một cách tự nhiên. Số bệnh nhân được chẩn đoán bệnh chỉ chiếm khoảng 10%, chủ yếu chẩn đoán ở bệnh viện và bệnh đã ở giai đoạn muộn với những biến chứng nặng nề.

Làm gì để biết mình có bệnh?  
Chúng ta, cả thầy thuốc và người dân, đều cần lưu ý rằng nếu hút thuốc lá, tuổi từ 40 trở lên, có một trong các triệu chứng sau: Ho, khạc đàm và khó thở kéo dài thì cần nghĩ đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Với các phương tiện từ đơn giản đến phức tạp, trong tình hình thực tế hiện nay của Việt Nam, trong đa số các trường hợp bệnh hoàn toàn có thể chẩn đoán được và có thể chẩn đoán sớm. Triệu chứng đặc biệt quan trọng mà mọi người cần lưu ý là cảm giác mau mệt hơn trước khi lao động hay gắng sức thể lực. Trong một số trường hợp, các bác sỹ sẽ cần đến  hai xét nghiệm: xquang ngực và đo chức năng phổi. Hai xét nghiệm này hiện nay có thể thực hiện ở bất cứ cơ sở y tế tuyến tỉnh nào.
 
Người bệnh và gia đình cần phải làm gì?
Do nguyên nhân gây bệnh là thuốc lá nên bỏ thuốc lá và không sống trong môi trường có khói thuốc lá là nguyên tắc hàng đầu trong điều trị. Việc bỏ thuốc lá, trong nhiều trường hợp, là khó khó khăn đối với người bệnh. Việc này đòi hỏi một sự hợp tác tích cực giữa thầy thuốc, gia đình và cộng đồng để tạo điều kiện và khuyến khích người bệnh bỏ thuốc lá. Rất ít trường hợp cần phải sử dụng thuốc để cai nghiện. Điều trị bệnh bao gồm cả điều trị bằng thuốc và không bằng thuốc. Vì đây là bệnh mạn tính với hiện tượng phá hủy cấu trúc phổi không hồi phục nên điều trị thông thường là phải kéo dài suốt đời. Ngoài việc ngưng tiếp xúc với khói thuốc, người bệnh và gia đình cần thực hiện các các nguyên tắc sau:  

  • Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ và tiêm vaccin cúm hàng năm nếu có điều kiện.  
  • Đi kiểm tra bệnh ít nhất 2 lần/ năm. Nếu triệu chứng nặng lên cần thực hiện theo kế hoạch hành động mà bác sỹ hướng dẫn và đi khám cấp cứu  
  • Tạo nơi sinh hoạt của người bệnh thoáng đãng (thông gió tốt) sạch sẽ, không bụi khói.  
  • Vận động, thể dục tùy theo tình trạng sức khỏe cho phép với nguyên tắc: nhẹ nhàng, đều đặn, kết hợp với tập thở hiệu quả  
  • Ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, vitamine, uống nhiều nước  
  • Tạo điều kiện thuận lợi nhất trong sinh họat cho người bệnh, nhất là khi ở giai đoạn nặng  

Điều trị bệnh như thế nào?  
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu là điều trị tại nhà. Tùy theo mức độ nặng của bệnh, thầy thuốc sẽ hướng dẫn cho người bệnh sử dụng thuốc, trong đó chủ yếu là thuốc xông-hít. Với một hướng dẫn cụ thể, nói chung người bệnh đều có thể tự mình thực hiện việc dùng thuốc theo kế hoạch mà thầy thuốc đã hướng dẫn. Hiệu quả của điều trị là rất tốt nếu bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.  


Khi nào cần phải nhập viện?  
Khi các triệu chứng bệnh trở nên nặng hơn thường ngày (thí dụ  khạc đàm nhiều lên, đàm chuyển màu vàng hay đục, khó thở tăng lên) mặc dù đã phải tăng sử dụng thuốc hàng ngày mà không giảm. Trong trường hợp này bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế đã khám và tốt nhất là có quản lý bệnh để hỏi ý  kiến điều trị. Nếu cần bác sỹ sẽ yêu cầu nhập viện. Nếu chưa có cơ sở y tế nào quản lý bệnh, các phòng khám của các bệnh viện sẽ quyết định có cần nhập viện không. Thông thường chỉ những trường hợp nặng hoặc có biến chứng thì mới cần nhập viện. Các trường hợp còn lại có thể điều trị theo hướng dẫn tại nhà trong khoảng  5- 7 ngày.