Có nhiều người dẫu không có những dấu hiệu bệnh lý tim mạch nhưng họ vẫn có thể bị đau tim, đột quỵ, thậm chí tử vong do tâm lý đau khổ, căng thẳng, u uẩn vì sự mất mát của một người nào đó mà họ thương yêu. Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất sẽ lý giải về điều này.
Hội chứng “trái tim tan vỡ” (“broken heart” syndrome) là tình trạng căng thẳng cơ tim cấp tính sau những kích thích mạnh về tình cảm và tâm lý, có thể tự hết sau vài ngày; cũng có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong với những người có bệnh lý mãn tính về tim mạch (tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành đã đặt stent…). Các triệu chứng biểu hiện là đau thắt ngực trái, cảm giác như quả tim bị bóp ép, có thể kèm khó thở, mệt vã mồ hôi, hoặc ngất.
Nguyên nhân của hội chứng là các kích thích về tình cảm, tâm lý làm cơ thể tăng tiết catecholamin khiến tim đập nhanh, co thắt mạch máu, động mạch vành… làm người bệnh mệt, hồi hộp, đau ngực. Triệu chứng có thể giảm khi người bệnh nghỉ ngơi nhưng cũng có thể khởi phát nhồi máu cơ tim cấp nếu người bệnh có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim…
Hội chứng trái tim tan vỡ thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, những người nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Để đề phòng, nhóm có nguy cơ này nên tập luyện thể dục, tập yoga, thiền để kiểm soát cảm xúc, khám kiểm tra sức khỏe thường xuyên nhằm phát hiện và điều trị các bệnh lý tim mạch.
Khi xảy ra trường hợp gây kích động lớn về tâm lý, tình cảm, nên đưa bệnh nhân đến khám bác sĩ để được kê đơn thuốc an thần giảm lo lắng nếu cần và can thiệp tâm lý. Nếu có các triệu chứng nguy hiểm như đau ngực, mệt, khó thở nhiều, nên đưa mẹ đến bệnh viện ngay lập tức.
Người bệnh nên tầm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc an thần, giảm lo lắng từ bây giờ nếu xét thấy tâm lý người bệnh quá bất ổn. Quan trọng hơn, cần có người thân bên người bệnh theo dõi các biểu hiện sức khỏe của họ.