Duyên Dáng Việt Nam

Bạn không cô đơn

Thoại Vy • 14-06-2018 • Lượt xem: 1003
Bạn không cô đơn

Tiết trời chuyển mùa, những cơn mưa chiều khiến lòng người chùn lại, tâm trí con người ta càng lơ đểnh mông lung. Nhiều câu hỏi bất chợt xuất hiện, tự hỏi bản thân là ai, có cảm thấy cô đơn giữa bộn bề cuộc sống. Sau đây là một bài viết đã được thành viên Thoại Vy gửi đến Duyên Dáng Việt Nam kể về những phút chông chênh của tâm hồn.

Hôm trước lọ mọ tìm cuốn “Trăm năm cô đơn” để xem thế nào là lối viết hiện thực huyền ảo, người viết mới nhớ lại giai thoại liên quan đến tác giả cuốn sách trứ danh này. Chuyện rằng có nhân vật nọ vốn là Mạnh Thường Quân của nghệ thuật, ngưỡng mộ Garcia Marquez đã lâu. Hay tin nhà văn du ngoạn ở Paris, bèn ngỏ ý mời G. Marquez dùng bữa trưa với vài văn nhân Nhật Bản. Cây bút Colombia khét tiếng nửa đùa nửa thật qua điện thoại: “Tôi vui lòng sẽ đến với điều kiện ăn xong họ đừng tự tử”.

Ảnh minh họa

Câu đùa dí dỏm trên lại khiến nhiều người sáng mắt sáng lòng dù chưa lần nào đến kinh đô ánh sáng. Chắc hẳn Marquez dựa vào sự kiện những nhà văn Nhật tên tuổi tự sát hàng loạt, chỉ tính riêng thế kỉ XX. Người khởi sự rời bỏ cuộc chơi đầu tiên là Akugatawa Ryunosuke (1892 – 1927), bậc thầy truyện ngắn và là thủ lĩnh của văn phái Tân hiện thực.

Người thứ hai chán ngán cõi tạm là cây bút tài hoa đang vào độ chín muồi, chuyên về đề tài hậu chiến: Dazai Osamu (1909 – 1948). Trường hợp thứ ba rời bỏ cánh đồng chữ nghĩa bạc màu, theo đúng truyền thống Samurai Nhật là Yukio Mishima (1925 – 1970). Tác giả của kiệt phẩm “Kim các tự” (Ngôi đền vàng) và “Biển cả muôn màu”  là một ca “chấn động văn lâm”, khiến cả văn đàn lẫn giang hồ tục khách rúng động.

Đến nỗi cái chết kiểu tinh thần võ sĩ đạo của Mishima được tác giả Christopher Ross miêu tả tỉ mỉ trong cuốn sách “Mishima's Sword” (Lưỡi kiếm của Mishima). Sau cái chết của nhà văn được mệnh danh là “Hemingway Nhật Bản” là vụ kết thúc cuộc đời bằng hơi độc của văn hào Kawabata Yasunari (1899 – 1972). Ông là người Nhật đầu tiên đoạt giải Nobel văn học, làm rạng danh văn đàn quê nhà. Chỉ riêng bộ ba kiệt tác “Xứ tuyết” (1947), “Ngàn cánh hạc” (1951) và “Tiếng rền của núi” (1954) đã có thể xướng danh ông vào tên tuổi những đại văn hào nổi tiếng thế giới.

Trong hội ngộ đã nuôi mầm ly biệt, như kiểu nhỏ nhẹ điềm tĩnh của thi nhân Nguyên Sa trong một đêm Paris xa ngái “Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội/ Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau …”.  Ngày cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc bắt đầu chuẩn bị cho cái kết của đời người, theo đúng “quy trình” sinh – lão – bệnh – tử. Thế nhưng, ai muốn đi đường tắt cho nhanh, thì cứ việc tìm cách rẽ ngang.

(Hết phần 1)