Duyên Dáng Việt Nam

Banh lỗ - Truyện ngắn Lê Quý Nghi

Hồng Minh • 13-08-2021 • Lượt xem: 1043
Banh lỗ - Truyện ngắn Lê Quý Nghi

Trong mỗi chúng ta ai cũng có một ký ức về thời thơ ấu đẹp đẽ với những trò chơi dân dã "rồng rắn lên mây" khó quên. Cây bút Lê Quý Nghi đã khá tài tình khi viết lại thành truyện ngắn "Banh lỗ" và gửi đến DDVN. Không màu mè, làm dáng những sáng tác mộc mạc, thấm đẫm chất sống của anh khiến bạn đọc yêu thích. 

Tin và bài liên quan: 

Một thưở chưa xa hoang đường và đẹp đẽ 

Lê Quý Nghi, nhà thơ và ngón tay thơ

Văn chương miền Trung: Những viên ngọc quý

Triển lãm Huỳnh Lê Nhật Tấn: Bay ngơ ngác trong Tranh và Thơ

Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng, người yêu tiếng hát lênh đênh 

Nhà Hằng ở cách nhà tôi ba kiệt, phía đầu đường vào nông trường. Hằng học chung khoá với tôi nhưng khác lớp. Hằng học không giỏi, được cái gương mặt bầu bĩnh với làn da trắng muốt! Có lẽ thời đó, bọn tôi đứa nào cũng một buổi học, một buổi phụ ba mẹ làm rẫy nên đen đúa. Còn Hằng gia đình tương đối khá giả, anh chị đã lớn lại là con út nên “sướng” hơn. Chị hai của Hằng lấy chồng rồi cất căn nhà gỗ đối diện với nhà tôi. Năm chị sanh con đầu lòng, Hằng ngày nào cũng qua giúp chị sau mỗi buổi học, có khi còn ở lại qua ngày mai đi học luôn! Vì vậy, Hằng được coi như người trong xóm với tôi.

Sáng đi học, chiều nào không lên rẫy thì bọn tôi thường rủ nhau qua sân nhà đứa nào đó bày trò chơi. Bọn tôi chơi đủ thứ trò con nít thời đó. Con trai có thể chơi banh chuyền, banh thẻ, kể cả nhảy dây… Con gái cùng chia phe với bọn tôi chơi ù hay tạc lon, giật cờ… Hằng vẫn hay tham gia nhưng nhẽ nhặn. Có lần chơi ù, tôi cố bắt Hằng, khi túm được cái tay áo thì hai đứa ngã lăn quay. Lồm cồm bò dậy, tôi nhìn tay áo của Hằng bị toạc một đường dài. Hằng khóc, không “ù” nữa mà chạy ngay qua méc Ba tôi. Cũng may Ba đi làm chưa về, không thì tôi no đòn!

Bây giờ, dù đã hơn ba mươi năm rồi, bữa chơi banh lỗ có Hằng, tôi còn nhớ như in!

Bọn tôi lấy lá chuối khô quấn tròn lại bằng bụm tay, sau đó tước những sợi mủ cao su chảy dài dọc thân cây hoặc quanh đường cạo đã đông, gọi là mủ sợi rồi cuốn tròn một lớp bên ngoài làm banh. Chơi banh lỗ cần kỹ năng thảy banh và… chạy né. Trò này chơi tầm bốn, năm người. Mỗi người chơi đào một cái lỗ của mình, cách nhau cỡ gang tay và sâu hơn cái chén chút xíu. Gạch mức đứng cách hàng lỗ khoảng hơn ba mét, sau đó bọn tôi đánh tù tì chọn người thảy banh trước. Banh vô lỗ người nào thì người đó chạy nhanh lại lấy banh rồi ném vào những người khác cũng đang túa tua bỏ chạy! Ném trúng ai, người đó bị bẻ một đoạn tăm nhỏ bỏ vào lỗ, không ném trúng thì lỗ của mình thêm một đoạn tăm. Kết thúc cuộc chơi, ai nhiều tăm hơn thì chịu phạt. Hình phạt là úp tay vào vách nhà, những người còn lại cứ lấy số tăm của người bị phạt trừ đi số tăm của mình còn bao nhiêu rồi lấy banh ném vào tay người bị phạt bấy nhiêu!

Hằng có trái banh nỉ rất đẹp, không biết ở đâu ra, có thể do anh hay chị của Hằng cho làm đồ chơi? Mấy lần chơi banh lỗ, tôi chạy qua mượn Hằng nhưng Hằng không cho. Hằng bảo, trái banh này chỉ chơi banh chuyền hoặc banh thẻ thôi, chơi banh lỗ sẽ bị hư. Tôi ghét!

Một bữa, đang chơi ở sân nhà tôi thì Hằng chạy qua, tay cầm trái banh nỉ, Hằng dè dặt:

- Chơi banh lỗ đi, cho tao chơi với, tao có banh nè!

Bọn tôi đang chơi táng, Hằng chìa trái banh nỉ ra, cả bọn lao nhao! Đương nhiên đứa nào trong xóm cũng biết Hằng có trái banh nỉ, chơi banh lỗ thì quá tuyệt! Bọn tôi dẹp ngay chơi táng, loi moi đào lỗ. Hằng cũng đào nhưng những ngón tay của Hằng dài và gầy nhỏ xíu, tôi đào phụ. Xong đâu đó, bọn tôi đo bước chân rồi gạch mức. Tôi, thằng Thắng, thằng Tí Tra, thằng Phong Ròm với Hằng đánh tù tì xem ai thảy banh trước…

Hằng thảy banh rất giỏi, nhưng chỉ thảy banh chuyền hay banh thẻ! Nhiều lần tôi qua nhà chị hai của Hằng nhìn Hằng chơi với mấy đứa con gái trong xóm nên tôi biết. Banh lỗ, Hằng thảy lần nào cũng trớt quớt nên toàn qua lượt. Mấy đứa kia mỗi lần thảy vô lỗ banh của Hằng là Hằng luống cuống nhặt banh, trong khi đó bọn tôi chạy đã xa. Hằng vung tay ném đại, không trúng ai cả! Tôi vừa chạy vừa ngoái lại, thương Hằng vô cùng!

Hằng ném không trúng ai nhưng lại bị bọn tôi ném trúng rất nhiều lần. Cái lỗ banh của Hằng thêm dần những đoạn tăm, tôi nhìn mà không khỏi ái ngại! Tôi nại cớ nói với đám bạn:

- Thôi nghỉ tụi bay ơi, Ba tau sắp về!

Bọn tôi dừng chơi rồi đếm tăm, đứa nào cũng vài ba đoạn, riêng Hằng hơn cả chục!

Chuyện gì đến rồi cũng đến! Hằng lặng lẽ qua bên vách nhà, dang thẳng tay phải úp lòng bàn tay sát vách, mặt quay vào trong chỉ he hé nhìn ngang. Thằng Tí Tra hí hửng đếm bước từ vách nhà trở ra rồi gạch mức, bằng với khoảng cách đứng thảy banh vào lỗ. Thằng Thắng ít tăm nhứt nên được ném trước. Chơi trò này, thằng Thắng rất dở khi thảy banh vào lỗ nhưng ném banh thì xa và chuẩn xác! Thắng đứng ngang vạch, nheo một mắt nhắm rồi ném trái banh nỉ vào lưng bàn tay của Hằng. Một trái…hai trái… Hằng cắn răng chịu đau! Tay Hằng ửng hồng rồi dần dần đỏ rựng. Tôi phân bua với đám bạn:

- Thôi, để tau thế con Hằng cho, tay hắn mềm hơn tay tụi mình, hắn gần khóc rồi đó!

Tôi bảo Hằng đi ra để tôi thế vào. Hằng đi ra, không khóc, chỉ mím chặt môi! Đám bạn thấy vậy cũng xóa trò.

Tối, ba mẹ tôi qua nhà bác tôi để bàn công chuyện, dắt theo cả mấy đứa em sang chơi. Tôi khơi tim đèn dầu rồi lúi húi học bài trên cái bàn khách đặt giữa nhà. Bất giác tôi ngước lên thì gặp Hằng đứng bên cạnh từ lúc nào! Hằng ấp úng:

- Chị hai kêu qua mượn cái chảo về đổ bánh!

Chơi cùng Hằng với đám bạn trong xóm là thế, tôi không hề mảy may ngượng ngùng! Thậm chí hồi chiều, Hằng ra về lúc nào tôi cũng không để ý. Những trò chơi thường ngày của bọn tôi, chơi xong rồi xóa! Giờ Hằng một mình đứng cạnh tôi đây? Tôi lúng ta lúng túng, vói tay vặn cao cái đèn dầu mà không dám nhìn Hằng. Tôi dịch ghế, đi ra sau chái nhà lần tìm cái chảo. Tôi đưa chảo cho Hằng, không nói, chỉ lẻn nhìn đôi mắt tròn xoe và bàn tay phải còn ong ong đỏ.

Hết cấp hai, Hằng thôi học và nhà tôi cũng đã dời ra Đức Hiệp, giáp ranh với nông trường. Tôi vào cấp ba, cách nhà hơn mười cây số. Thời gian đầu, tôi còn đạp xe đi về, sau đó thì trọ hẵn ở gần trường. Mỗi lần lên nhà vào cuối tuần, tôi hay rẽ qua nông trường ghé thăm Hằng. Lúc này, con chị hai đã lớn, Hằng ở nhà phụ ba mẹ làm lò bánh, bán bánh ướt. Gặp Hằng lần nào cũng mời tôi ăn. Dù bụng đói và muốn ngồi lại với Hằng lâu hơn, nhưng thấy Hằng tất bật nên tôi chỉ hỏi han vài câu rồi đi.

Tôi đi xa hơn lần nữa, lên Saigon học nên ít khi về. Từ đó, tôi cũng thưa dần những lần ghé thăm Hằng. Mùa hè cuối năm nhứt, tôi được về nhà nghỉ một tháng với bao nhiêu là dự tính. Chiếc xe đò chạy chậm rì, mãi tới ba giờ chiều mới đến ngõ nhà tôi. Xách ba lô nhảy xuống xe, tôi vào nhà thưa hỏi ba mẹ, báo cáo qua loa rồi viện cớ đi qua Hằng.

Từ ngoài cổng nhà, tôi mừng rơn khi gặp Hằng, rồi chùng lại ngơ ngác khi thấy Hằng có vẻ bối rối:

- Nghi về nghỉ hè. Hằng sao rồi, bánh ướt bán được không?

Hằng dè dặt, như cái hồi cầm trái banh nỉ sang sân nhà tôi:

- À…ừ, Hằng vẫn vậy! Nghi mới về hả?

Tôi vào nhà, ngồi bên cái bàn kê trước sân. Hằng vào đem ra ly nước lọc, tôi ngụm một hơi rồi hỏi han, thì ra Hằng đã lấy chồng từ hồi qua Tết! Tôi chạnh lòng nghĩ đến tháng ngày xưa cũ và nhiều năm còn dài phía trước của mình mà không biết nên buồn hay vui? Miên man một lúc rồi sực tỉnh, không thấy Hằng đâu? Tôi thần thừ ngồi đó. Một lúc sau Hằng trở ra, trên tay cầm cái túi vải nhỏ xíu xiu…

- Trả cho Nghi nè!

Tôi đón lấy nhưng chưa vội mở ra xem, chỉ cảm thấy nhoi nhói trong lòng bàn tay. Tôi ngước lên nhìn Hằng, vẫn đôi mắt tròn xoe như cái lần buổi tối Hằng qua nhà tôi!

Chia tay Hằng, ra đến đầu đường tôi dừng lại mở túi vải xiu xíu ra xem… một túi tăm! Tôi đếm đúng hai mươi bảy đoạn, như số đoạn tăm bữa banh lỗ ngày xưa. Chỉ có một đoạn là gãy đôi!

Lê Quý Nghi