Duyên Dáng Việt Nam

Bảo vật và Bảo vật quốc gia của Hàn Quốc có gì đặc biệt?

Quyên Hà • 13-08-2020 • Lượt xem: 1753
Bảo vật và Bảo vật quốc gia của Hàn Quốc có gì đặc biệt?

Tại Hàn Quốc, việc chỉ định di sản là một công cụ hiệu quả nhằm xét duyệt danh hiệu và bảo tồn lâu dài những di tích và đối tượng lịch sử quan trọng.

Vào ngày 4 tháng 10 năm 2018, bức vẽ của họa sĩ cuối thời kỳ Joseon - Kim Hong-do (1745 – 1806) mang tên “Vô giá” (Samgong bulhwando) được chỉ định là Bảo vật số 2000. Số hiệu này thể hiện số thứ tự của bảo vật, có nghĩa, tới thời điểm đó Hàn Quốc đã có 2000 bảo vật được công nhận. Ngoài danh hiệu Bảo vật, Hàn Quốc còn có danh hiệu Bảo vật Quốc gia. Với số lượng di tích lịch sử và đối tượng được chỉ định lớn như vậy, lịch sử và ý nghĩa của hệ thống xét duyệt di sản của Hàn Quốc rất đáng được tìm hiểu và học hỏi.

Hệ thống chỉ định di sản Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, việc chỉ định di sản là một công cụ hiệu quả nhằm xét duyệt danh hiệu và bảo tồn lâu dài những di tích và đối tượng lịch sử quan trọng. Những điều khoản luật quy định về hệ thống chỉ định di sản đã được ghi nhận trong suốt thời kỳ Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản (1910-1945). Sau khi giành độc lập, các điều luật này đã được chỉnh sửa nhiều lần và biên soạn lại trong Luật bảo tồn di sản văn hóa 1962. Kể từ đó, khung luật bảo tồn di sản được chỉnh sửa tùy theo những thay đổi văn hóa xã hội cho hoàn chỉnh như hiện tại.

Trong Luật bảo tồn di sản văn hóa, “di sản văn hóa” được định dạng là “di sản dân tộc, quốc gia hay thế giới, hình thành tự nhiên hay nhân tạo, có giá trị lịch sử, nghệ thuật, hàn lâm hay di tích quan trọng”. Dựa theo định nghĩa trên, chính phủ trung ương trao quyền cho Cơ quan quản lý di sản văn hóa chỉ định các di tích và đối tượng có giá trị lịch sử, nghệ thuật, hàn lâm quan trọng là Bảo vật, Bảo vật quốc gia, Di tích lịch sử, Công trình tự nhiên hay Di sản văn hóa văn học dân gian quốc gia. Danh hiệu Bảo vật và Bảo vật quốc gia khác nhau ở chỗ, Bảo vật quốc gia có ý nghĩa quan trọng hơn Bảo vật nếu xét về độ quý hiếm và giá trị nhân văn. 

Hệ thống xếp hạng này chỉ tồn tại ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là 2 quốc gia duy nhất áp dụng chế độ bảo tồn chính phủ cho những đối tượng lưu động như tác phẩm hội họa, điêu khắc và văn bản. Những quốc gia khác bao gồm Trung Quốc, Mỹ và các nước Châu Âu đều có hệ thống bảo tồn di sản riêng, nhưng chỉ áp dụng cho những di tích lịch sử và công trình kiến trúc. Theo luật sửa đổi năm 1940, Nhật Bản quyết định thay thế từ “Bảo vật” bằng danh hiệu “Tài sản di sản quan trọng”, đồng nghĩa với việc Hàn Quốc trở thành quốc gia duy nhất còn áp dụng thuạt ngữ “Bảo vật” và “Bảo vật quốc gia”.

Lịch sử của danh hiệu Bảo vật và Bảo vật quốc gia

Lịch sử của Bảo vật và Bảo vật quốc gia ở Hàn Quốc có thể chia làm 3 thời kỳ. Thời kỳ đầu tiên là Thời kỳ chủ nghĩa thực dân Nhật Bản thống trị Hàn Quốc, từ 1933 đến 1945, cũng là lần đầu tiên việc chỉ định di sản được du nhập vào nước này. Thời kỳ này được đánh dấu bằng việc thực dân Nhật hoành hành, cướp bóc các tài sản văn hóa của Hàn Quốc.

Khoảng cuối thế kỷ 19, người Nhật đã ra những điều khoản bảo tồn di sản trên lãnh thổ của mình để ngăn chặn sự thất thoát những tài sản văn hóa này ra ngoại quốc. Khi Hàn Quốc trở thành thuộc địa của Nhật Bản vào năm 1910, những điều luật này cũng được thực dân Nhật áp dụng. Luật bảo tồn những Địa điểm và di tích lịch sử được biên soạn năm 1916 đã xác định những tài sản văn hóa trên khắp đất nước Hàn Quốc và ghi nhận chúng trên sổ sách.

Quá trình xác định và đăng ký di sản dưới luật thuộc địa đã gây nên những tổn hại mất mát không thể đong đếm cho những di sản văn hóa Hàn Quốc, một số lượng lớn những tài sản văn hóa bị cướp phá hoặc thay thế. Ví dụ như Chiếc chuông thiêng của Vua Seongdeok, một kiệt tác vô giá từ thời Silla, được chỉ định là Bảo vật quốc gia số 29 đã bị di chuyển khỏi địa điểm gốc vào năm 1916. Tiếp đó là vụ khai quật Lăng mộ vua Seobongchong tại Gyeongju, thủ đô lâu năm của Silla, được tiến hành với sự tham gia của Hoàng tử Thụy điển năm 1926.

Các nhà khảo cổ di dời Chiếc chuông thiêng của Vua Seongdeok năm 1916.

Lăng mộ vua Seobongchong taij Gyeongju bị khai quật năm 1926 theo luật đô hộ của Nhật. Quan toàn quyền tại Hàn khi đó mời Hoàng tử Thụy Điển Gustaf Adolf VI, người này khi đó đang đi công du châu Á.

Vào năm 1933, Luật Bảo tồn Bảo vật, Di tích lịch sử, Danh lam thắng cảnh, Di tích tự nhiên tại Hàn Quốc đã được ban hành, cho phép Toàn Quyền Hàn Quốc quản lý những di sản văn hóa tại đây. Theo học thuyết đạo giáo được rao giảng bởi chủ nghĩa thực dân, Nhật Bản và Hàn Quốc là một thể thống thất, do đó, những danh hiệu di sản của Nhật cũng được áp dụng cho thuộc địa của nó. Tuy nhiên, để phân biệt đẳng cấp giữa hai đất nước, danh hiệu Bảo vật quốc gia áp dụng cho những tài sản văn hóa Nhật Bản quan trọng hàng đầu bị giáng xuống danh hiệu Bảo vật trong hệ thống Hàn Quốc.

Giai đoạn thứ 2 bắt đầu từ thời kỳ cai trị của Mỹ (1945-1948) cho đến khi ban hành Luật Bảo tồn di sản văn hóa 1962.  Đây là thời kỳ chuyển tiếp của hệ thống chỉ định di sản. Trong suốt 17 năm này, Hàn Quốc sau giải phóng đã thực hiện nhiều nỗ lực để lập nên hệ thống luật mới, thay thế những điều khoản luật di sản được ban hành dưới thời thuộc địa. Dù không mang lại kết quả như mong đợi, những nỗ lực này góp phần xây nên nền tảng cho một hệ thống mới khi nó bắt đầu đưa ra những tiêu chí chỉ định và khung luật cho danh hiệu Bảo vật và Bảo vật quốc gia.

Giai đoạn thứ 3 bắt đầu với việc ban hành Luật Bảo tồn di sản văn hóa 1962 và việc thành lập Ủy ban di sản văn hóa với vai trò cơ quan tư vấn. Đây là luật bảo tồn di sản đầu tiên được ban hành bởi Chính phủ Hàn Quốc, bao gồm các điều khoản quy định tiêu chí, quy trình trao và thu hồi danh hiệu Bảo vật và Bảo vật quốc gia, quản lý việc ghi nhận các tài sản văn hóa được chỉ định và chỉ định tạm thời những tài sản văn hóa quan trọng. Về cơ bản thì hệ thống này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Bảo vật và Bảo vật quốc gia ngày nay

Con dấu hoàng gia của Đế quốc Đại Hàn; chất liệu: ngọc; kích thước: 95.2x94cm; lưu giữ tại Bảo tàng cung điện quốc gia Hàn Quốc; được chỉ định Bảo vật số 1618-2 vào ngày 2/1/2017.

Từ sau năm 2000, Hàn Quốc dành nhiều nỗ lực tích cực xác định những địa điểm và đối tượng mới cho danh hiệu Bảo vật quốc gia và phát triển giá trị của những di sản đã được chỉ định. Cục quản lý di sản văn hóa không chờ đơn đăng ký chỉ định từ các địa phương và cá nhân, mà chủ động tìm kiếm những tài sản văn hóa thông qua các tổ chức khác.

Những nỗ lực tích cực của Cục quản lý di sản Hàn Quốc đã góp phần giảm nhẹ sự tập trung bất cân bằng vào các di tích khảo cổ và tư liệu lịch sử trong suốt những thế kỷ vừa qua, mang lại sự đa dạng hóa và cân bằng cho danh hiệu Bảo vật và Bảo vật quốc gia trong một số lĩnh vực chuyên đề.

Cổng thành Sungnyemun, Bảo vật quốc gia số 1.

Cuộc triển lãm tháng 6 đặc biệt được tổ chức với sự hợp tác giữa Cục quản lý di sản văn hóa và Thư viện quốc gia Hàn Quốc, trưng bày một loạt Bảo vật và Bảo vật quốc gia, phản ánh những hành động tích cực trong việc chỉ định di sản.

Thánh tích từ Di tích số 577 Đền Wangheungsa (Thời kỳ Baekje), bằng đồng và bạc, 6.8x10.3 cm, lưu trữ tại Viện nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia Buyeo, được chỉ định Bảo vật quốc gia số 327 vào 26.6.2019.

Triển lãm tháng 6 là một trong những nỗ lực chung nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vẻ đẹp và sự quan trọng của những Bảo vật và Bảo vật quốc gia. Những nỗ lực chỉ định, vinh danh và bảo tồn những di sản văn hóa của Hàn Quốc thực sự rất đáng được học hỏi, đặc biệt những hoạt động như chủ động tìm kiếm và ghi nhận những đề xuất từ công chúng, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đề xuất từ chính quyền các địa phương.

Theo Korean Heritage