Duyên Dáng Việt Nam

Bệnh nhân 426 và 496 qua đời vì suy thận giai đoạn cuối, Việt Nam ghi nhận 8 ca tử vong

DDVN • 04-08-2020 • Lượt xem: 538
Bệnh nhân 426 và 496 qua đời vì suy thận giai đoạn cuối, Việt Nam ghi nhận 8 ca tử vong

Sáng 4.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của 2 bệnh nhân COVID-19 và cho biết hiện nay còn một số bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao.

Bệnh nhân 426, nữ, 62 tuổi, quê quán Hòa Vang, Đà Nẵng, tiền sử: suy thận mạn tính 10 năm.

Bệnh nhân được điều trị tại Khoa Nội thận, Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 18 - 27.7, sau đó được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế từ ngày 30.7. Ngày 31.7, bệnh nhân tiếp xúc kém, ăn uống kém, khó thở nhẹ. Ngày 1.8, lúc 3 giờ: bệnh nhân thở máy; lúc 7 giờ: bệnh nhân mê man, huyết áp tụt; lúc 17 giờ: suy đa tạng, choáng nhiễm trùng, nhiễm độc.

Ngày 2.8, bệnh nhân lọc thận liên tục, thở máy. Ngày 3.8, lúc 1 giờ 05: bệnh nhân mạch chậm, đe dọa ngừng tuần hoàn, hô hấp; lúc 8 giờ: bệnh nhân hôn mê sâu, thở máy hoàn toàn qua nội khí quản; lúc 10 giờ 24: bệnh nhân hôn mê, xuất huyết tiêu hóa; lúc 18 giờ 30: mạch rời rạc, huyết áp tụt dần. Ngày 4.8, lúc 1 giờ 20: bệnh nhân ngừng tim, hồi sức nhưng không hiệu quả; lúc 2 giờ 30: bệnh nhân tử vong. Chẩn đoán tử vong: Suy thận mạn giai đoạn cuối, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và COVID-19.

Bệnh nhân 496, nam, 65 tuổi, quê quán: Hòa Vang, Đà Nẵng, tiền sử: Suy thận mạn tính giai đoạn cuối, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân điều trị tại khoa Nội thận Bệnh viện Đà Nẵng trong 5 tháng và ra viện ngày 24.7.2020. Ngày 28.7.2020, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-COV-2 và được chuyển đến Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cùng ngày với tình trạng khó thở, đặt nội khí quản và thở máy. Ngày 29.7.2020 – 01.8.2020, bệnh nhân nằm yên dưới tác dụng thuốc an thần và thở máy. Ngày 02.8.2020, bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục và huyết áp giảm. Ngày 04.8.2020, 7 giờ 45: bệnh nhân hôn mê, đồng tử giãn, mất hoàn toàn phản xạ; 8h30: bệnh nhân tử vong. Chẩn đoán tử vong: Suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết, suy tim cấp và COVID-19.

Như vậy, tính đến thời điểm này, có 8 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta tử vong là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp...

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, khi mắc COVID-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt… “Những yếu tố này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi nhiễm COVID-19” – PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói.

Phân tích cụ thể hơn về cơ chế gây tăng nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, nhóm người nói trên khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.

TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết vi rút SARS-CoV-2 vừa lan truyền vừa tiếp tục biến đổi gien tạo ra nhiều chủng mới (genotype). Riêng tại Việt Nam đã phát hiện 6 chủng, khẳng hẳn với chủng tại TP.Vũ Hán (Trung Quốc). Chủng mới vừa phân lập nằm trong nhóm D614G, xâm nhập từ nguồn nước ngoài vào Việt Nam. “Điều đỡ lo là chủng này lây lan nhanh nhưng độc lực chưa có gì thay đổi so với chủng ban đầu. Những trường hợp nguy cơ tử vong cao là người già, suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền”, TS Kính nói.

Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế lưu ý ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, vi rút này có thể tấn công vào tất cả cơ quan nội tạng cơ thể, trong đó nổi bật là đường hô hấp, nhiều lúc gặp bệnh cảnh như nhiễm trùng huyết nhưng bệnh cảnh nặng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cơn bão cytokin cũng làm bệnh cảnh nặng lên.

Cũng theo TS Kính, một điểm cập nhật là nghi ngờ mắc COVID-19 người dân sẽ được xét nghiệm ngay để tránh trường hợp bỏ sót thành nguồn lây nhiễm. Cụ thể, những trường hợp có sốt, ho và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính (không lý giải được bằng các nguyên nhân khác, kể cả những trường hợp được xác định , không cần yếu tố dịch tễ (đi từ vùng có dịch, tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca nghi ngờ) sẽ đều được lấy mẫu xét nghiệm.

Riêng với trẻ em, trong phác đồ mới, Bộ Y tế lưu ý các bác sĩ về tình trạng tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaski với các biểu hiện sốt, ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, suy tuần hoàn, tổn thương tim, rối loạn đông máu… Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song lần cập nhật thứ 4, Bộ Y tế đã cho biết hiệu quả một số thuốc kháng vi rút như các thuốc Lopinavir, Ritonavir, Interferon sẵn có trong nước, hết vi rút sau 7 ngày, thuốc Remdesivir của Mỹ, thuốc IVIg... Riêng Chloroquine, Hydroxychloroquine, Việt Nam ngừng sử dụng hoàn toàn. Thay vào đó sẽ sử dụng thêm huyết tương của người đã khỏi bệnh.

(Theo Một thế giới)