Duyên Dáng Việt Nam

Chuyên gia ĐH Yale: ‘Việc lắng nghe người dân là cốt lõi’

HM • 10-05-2018 • Lượt xem: 945
Chuyên gia ĐH Yale: ‘Việc lắng nghe người dân là cốt lõi’

Một bài viết mới đây đăng trên Zing.vn lấy từ ý kiến của chuyên gia đại học Yale (Mỹ) PGS.TS. Erik Harms đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Ông Erik cho rằng trong việc quy hoạch và đền bù giải tỏa dự án Thủ Thiêm, người dân nơi đây “bị đối xử như không tồn tại” và việc lắng nghe tâm tư của người dân mới là cốt lõi để xây dựng xã hội đáng sống.

Phó giáo sư, tiến sĩ Erik Harms đang công tác tại ngành Nhân học Văn hóa xã hội (Socio-Cultural Anthropology) thuộc Đại học Yale, Mỹ. Ông thường xuyên đến Việt Nam để nghiên cứu từ năm 1997. Cuốn sách mới đây của ông Luxury và Rubble (Xa hoa và đổ nát), tập trung về sự phát triển của các khu đô thị mới ở TP.HCM.

Tiến sĩ Erik Harms

Dưới đây là một số ý kiến đáng suy ngẫm của tiến sĩ Erik đã được đăng trên Zing.

Chính quyền tuyên bố rằng khu vực giải phóng mặt bằng tại Thủ Thiêm là nơi sinh sống của 14.600 hộ dân. Tất cả những người sống trong các hộ gia đình này đều bị buộc di dời để nhường chỗ cho dự án. Nếu ai đó sẵn sàng lắng nghe người dân Thủ Thiêm - và ý tôi là thật sự lắng nghe chứ không chỉ gặp mặt đơn thuần - họ sẽ hiểu rằng có rất nhiều người đang hồ hởi vì được là một phần trong dự án phát triển đô thị mới nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của thành phố.

Rất nhiều bạn bè tôi ở Thủ Thiêm nói rằng họ sẵn sàng hy sinh. Họ sẵn sàng làm vậy vì họ yêu Việt Nam và yêu TP.HCM như mọi người dân khác. Nhưng những ai chấp nhận hy sinh cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Thế nhưng thực tế lại ngược lại. Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại. Theo báo chí mấy ngày qua, số lượng các hộ gia đình trong diện giải tỏa từ Thủ Thiêm cao hơn cả con số tôi từng nghe trên 15.000 hộ gia đình.

Các dự án phát triển đô thị quy mô lớn được điều hành bởi những nhà quy hoạch “tháp ngà” và không lắng nghe người dân thường không đạt được kết quả như mong muốn. Các chuyên gia đã mô tả không ít các dự án lớn trên thế giới phải nhận sự thất bại do không tính đến yếu tố con người mà đáng ra mục đích của dự án phải là nâng cao đời sống người dân. Chandigarh (Ấn Độ) và Brazilia (Brazil) và nhiều dự án nhà ở xã hội tại Mỹ là các ví dụ điển hình.

Với các dự án được các chuyên gia coi là thành công như dự án nhà ở xã hội của Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB), các nhà quy hoạch đã đặt tâm nguyện của người dân lên trên. Tại Singapore, mô hình HDB là cách để chính phủ dân chủ hóa nhà ở. Mô hình này giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội, vốn thường đi kèm với bùng nổ đất đai. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác, mô hình nhà ở xã hội này lại được biến tướng thành cơ hội phát triển bất động sản.

Bài học chính mà tất cả các chuyên gia đô thị muốn truyền tải là việc lắng nghe người dân phải được coi là cốt lõi trong quá trình phát triển bất cứ hình thức nhà ở nào.