Duyên Dáng Việt Nam

Chuyện ít biết về găng tay cao su: 'Anh hùng' chống COVID-19

Vân Ly • 16-07-2020 • Lượt xem: 1207
Chuyện ít biết về găng tay cao su: 'Anh hùng' chống COVID-19

Từ tháng 3.2020, nhiều quốc gia trên thế giới đã đóng cửa để đối phó với đại dịch COVID-19, các bác sĩ trong bệnh viện cũng chuẩn bị các thiết bị an toàn để chống lại con vi rút nguy hiểm này. Người ta nhắc đến nhiều thứ nhưng ít ai nhắc đến đôi găng tay làm bằng cao su.

Khi tình hình bệnh dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn, các cơ quan y tế bắt đầu kêu gọi người dân nên mang khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc đám đông và nhiều biện pháp an toàn khác.

Riêng đối với đội ngũ nhân viên y tế, bác sĩ trực tiếp tiếp xúc chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 thì ngoài các trang thiết bị đặc biệt chuyên dụng như áo quần, mặt mạ, khẩu trang thì họ cũng nhanh chóng nhận ra lớp mủ mỏng trên tay họ có giá trị và giúp họ chống lại sự lây lan của coronavirus như thế nào. Đó chính là găng tay cao su.  

Găng tay cao su ra đời như thế nào

Năm 1889, tiến sĩ William Stewart Halstead là bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực phẫu thuật thời bấy giờ. Ông không những nổi tiếng nhờ sự uyên bác chuyên môn cao trong tay nghề của mình. Ông còn được cho là người khá sạch sẽ và điều đó tạo nên uy tín của vị bác sĩ này.

Câu chuyến bắt đầu khi vợ ông, cũng là y tá đồng hành cùng ông lúc ấy giờ than phiền nhiều về việc hóa chất tiếp xúc tay làm bà ấy dị ứng. Ông đã rất lo, và tìm hiểu cách khắc phục. Ngay sau đó, vị tiến sĩ tìm đến công ty Goodyear. Ông yêu cầu công ty tạo ra đôi găng tay cao su cho vợ mình. Kể từ khi đưa găng tay cao su vào sử dụng vợ ông đã đỡ hẳn và ít dần việc dị ứng với các hóa chất khi làm việc.

Găng y tế bằng cao su tự nhiên dùng trong ngành y khoa

Năm 1894, số bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng vết thương không phải con số nhỏ. Điều này khiến Joseph Lister băn khoăn về việc khử trùng đi những vật dụng tiếp xúc bệnh nhân trong quá trình chữa trị. Vì thế, ông đã tìm và sáng tạo ra cách để làm sạch và kháng khuẩn những dụng cụ chữa bệnh của mình.  Và axit carbolic là lựa chọn của ông để khử trùng các dụng cụ phòng khám của mình.

Kể từ đó, các cuộc nghiên cứu găng tay y tế khử trùng bắt đầu. Công ty Ansell phát triển găng tay y tế dùng một lần đầu tiên năm 1965.

Nhân viên y tế với thiết bị bảo hộ bằng cao su

Từ giữa những năm 1990 cho đến nay, với sự báo động của các bệnh nhiễm trùng và tầm quan trọng của việc tiếp xúc với cơ thể người. Găng tay y tế dần được phổ biến hơn và đưa vào sử dụng trong các bệnh viện, phòng thí nghiệp.

Đặc biệt từ cuối tháng 12.2019 đến nay, đại dịch COVID-19 lây lan trên khắp thế giới, ngoài các thiết bị bảo hộ y tế, găng tay cao su là một trong những vật dụng không thể thiếu trong ngành y. Có thể nói găng tay y tế là một phát minh hữu ích của loài người để chống lại bệnh dịch. Và vật liệu quang trong để tạo ra găng tay y tế đó chính là mủ cao su.

Lịch sử phát minh ra vật liệu cao su

Theo mô tả trong các văn bản cổ đại, cao su được nền văn minh Mesoamerica phát hiện và ban đầu dùng vào việc tạo ra công cụ giải trí với một trò chơi có tên là Mes (tương tự bóng đá ngày nay). Tiếp đó, người Maya và Aztec sử dụng cao su để làm thùng chứa, mủ cao su cũng được thổ dân Mainas sống trong rừng rậm Amazon tẩm vào quần áo để chống ẩm ướt.

Theo nhà nghiên cứu Tarkanian thuộc Trung tâm nghiên cứu vật liệu và khảo cổ học MIT của Mỹ thì "Không có nền văn hóa bất ngờ như nền văn hóa của người Aztec, từ xưa họ đã biết tạo ra các phiên bản cao su cao cấp. Mặc dù mô tả chung của họ là những người nguyên thủy, bạo lực, nhưng người Aztec có tinh thần tìm hiểu khoa học, như thể hiện qua các thí nghiệm của họ trong luyện kim và các ngành công nghiệp khác". 

Charles Marie de La Condamine được ghi nhận là người đầu tiên giới thiệu các mẫu cao su vào năm 1751. Ông mô tả nhiều đặc tính của cao su trong bài bài báo của François Fresneau cho Académie (xuất bản năm 1755). Đây được coi là bài báo khoa học đầu tiên về cao su.

Năm 1770 nhà hóa học người Anh Joseph Priestley đã phát hiện ra rằng cao su có thể dùng  để xóa các chữ viết bằng bút chì trên giấy, tên “cao su” do chính ông đặt. 

Cao su bắt đầu được chú ý vào năm 1846 khi nhà hóa học Charles Goodyear và Thomas Hancook tìm ra phương pháp cao su lưu hóa. Đây là phương pháp quan trọng, cải thiện tính chất của mủ cao su giúp vật liệu này trở nên bền hơn bằng cách nung nóng mủ cao su với lưu huỳnh.

Charles Goodyear – Người phát minh ra quá trình lưu hoá cao su tự nhiên

Đến những năm 1890, khi các phương tiện giao thông đường bộ sử dụng bánh hơi ra đời, nhu cầu cao su tăng lên rất nhanh. Các vấn đề chính trị khiến cho giá cao su tự nhiên dao động rất lớn. Nguồn cung thiếu hụt, đặc biệt là trong những năm chiến tranh đưa đến nhu cầu phải tạo ra cao su tổng hợp.

Năm 1879, Bouchardt chế tạo được một loại cao su tổng hợp từ phản ứng trùng hợp isopren trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học Anh và Đức sau đó, trong thời gian 1910-1912, phát triển các phương pháp khác cũng tạo ra chất dẻo từ isopren.

Cho đến năm 1925, giá cao su tự nhiên đã tăng đến ngưỡng mà rất nhiều công ty bắt đầu tìm kiếm các phương pháp sản xuất cao su nhân tạo nhằm cạnh tranh với sản phẩm thiên nhiên.

Ở Mỹ, quá trình tìm kiếm tập trung vào các nguyên liệu khác với những gì đang được nghiên cứu ở châu Âu. Hãng Thiokol bắt đầu bán cao su tổng hợp Neop rene năm 1930. Hãng Du Pont, dựa trên kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở Nieuwland cũng tung ra thị trường loại cao su tương tự năm 1931.

Nhưng việc đưa cao su trở thành một vật liệu không thể thiếu trong đời sống hiện đại nay nay chúng ta không thể không nhắc đến tên của thương gia, nhà thám hiểm người Anh Henry Wickham, dấu vết được cho là buôn lậu của ông đã mãi mãi được lịch sử nhắc đến. 

Sir Henry Wickham – Người được xem cha đẻ của cây cao su ngày nay

Vụ buôn lâu hạt giống vĩ đại

Năm 1876, Henry Wickham đã quyết định thực hiện vụ buôn lậu 70.000 hạt giống cây cao su từ Brazil đến Kew Gardens, Anh. Trong số này, sau đó chỉ có 2.400 hạt được nảy mầm. Những cây giống này sau đó đã được chuyển đến Ấn Độ, Ceylon (Sri Lanka), Dutch East Indies (Indonesia), Singapore và Malaya (Malaysia). Các hạt giống cao su đầu tiên được trồng ở Kuala Kangsar, Malaysia vào năm 1878, từ đó cao su đã lan rộng ra trên nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Chuyến buôn lậu của Henry Wickham sau nay được các nhà sử học đưa ra các quan điểm khác nhau. Nhà sử học Warren Dean nói rằng Wickham mất một năm để thu thập các hạt giống cao su ở khu vực Santarém của Brazil là được phép chứ phải đánh cắp. Câu "vi phạm bản quyền" mà Wickham sau đó đã kể lại nhằm phổi phồng danh tiếng của ông vì thơi đó Brazil  không có luật cấm xuất khẩu hạt giống, mặc dù có yêu cầu về giấy phép. "Có vẻ như Wickham đang cố gắng làm cho hành động của mình trở nên thú vị hơn thực tế", nhà sử học Warren Dean nói.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại Bảo tàng Boat Ayapua ở Iquitos, Peru gọi hành động của ông là "hành động sinh học vĩ đại nhất trong thế kỷ 19, và có thể trong lịch sử" với lý do các hạt giống cao su mà Wickham mang đi không để lại dấu bằng các bản kê khai trước khi lên tàu. 

Người Brazil thì gọi vụ Wickham mang những giống cao su ra khỏi quốc gia của họ là "vụ cướp sinh học"... và vô số những ý kiến trái chiều khác. 

Rừng cao su ở khu vực Bình Dương - nơi thu hút các bạn trẻ đến chụp hình

Biết ơn người đã phát minh ra cao su

Nhưng dù bằng cách nào đi nữa thì việc ông Henry Wickham mang hạt giống cao su đến trồng ở Đông Nam Á là có thật. Chính ông giúp phát triển cây cao su tại vùng đất mới hiệu quả hơn so với khu vực Nam Mỹ, cũng như ông là một trong những người đầu tiên góp phần phá vỡ sự độc quyền nguyên liệu mủ cao su từ khu vực Amazon. 

Có một điều chắc chắn Henry Wickham không thể biết rằng những hạt giống cao su trong vụ buôn lậu của ông sau này đóng một vai trò trong việc giữ an toàn cho hàng triệu người trong tương lai trước các trận đại dịch.

Theo một nghĩa nào đó, có lẽ Henry Wickham không bao giờ nghĩ mình sẽ là “người giải cứu thế giới” cũng như các nước trồng cao su như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam không nghĩ rằng một ngày nào đó họ trở thành nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới và là nơi cung cấp găng tay y tế lớn nhất cho thế giới trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. 

Có một số liệu đáng lưu ý là trong những ngày cả thế giới chống lại đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất lâm vào cảnh khó khăn thì các công ty chuyên về sản xuất thiết bị bảo hộ y tế bằng cao su đã hoạt động không ngừng nghỉ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Số liệu cho thấy, các công ty cao su của Malaysia như Supermax Corporation Berhad, Top Glove Corp,Hartalega Holdings Bhd và Kossan Rubber Industries Bhd đã chứng kiến ​​sự tăng vọt của giá cổ phiếu.

Thái Lan hiện là nước sản xuất hàng cao su hàng đầu thế giới, tiếp đó Indonesia và Malaysia tiếp đó là Ấn Độ và Mỹ, Việt Nam đứng thứ 5 trong tốp này.

Cây cao su được du nhập vào Việt Nam năm 1878, sau gần 150 năm phát triển cây cao su Việt Nam đã trở thành cây công nghiệp giá trị nhất. Từng được mệnh danh là “vàng trắng”.

Trong thời gian gần đây, nỗi sợ hãi bị lây nhiễm coronavirus đã khiến người ta nghĩ nhiều đến cao su đặc biệt là dùng găng tay cao su, thứ từng xem là không đáng kể. Brazil sẽ không nâng cúp vô địch Worldcup đến năm lần và sẽ có có môn thể thao gọi là bóng đá, cũng như găng tay cao su sẽ không ra đời nếu như không có sự phát hiện ra cao su của những người đi trước.