Khi nói đến việc nuôi dạy con cái, không có ít luồng tranh luận trái chiều: “Việc dạy con không bao giờ một khuôn mẫu nhất định”, “Dạy con là công cuộc cả đời”, “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Một câu hỏi luôn tồn tại và gây tranh cãi trong văn hoá nuôi con hiện đại đó là: Cha mẹ có nên làm bạn với con?
Đầu tiên, hãy xem vấn đề gì khiến câu hỏi này trở nên mơ hồ? Tình bạn với con cái thật sự trông như thế nào? Làm bạn với con đơn giản chỉ là vui vẻ cùng nhau, hay tạo dựng mối quan hệ bình đẳng? Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ định nghĩa tình bạn là một mối quan hệ tự nguyện và tương đối lâu dài giữa hai hoặc nhiều người, trong đó, những người bạn có xu hướng quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu, sở thích của đối phương và đồng thời thoả mãn mong muốn của chính mình. Tuy nhiên, việc nuôi dạy con cái không phải là tự nguyện, những đứa trẻ cũng không nhất thiết phải quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu của cha mẹ mình.
Qua nhiều cải cách của xã hội, phương pháp nuôi dạy con cái đã chuyển từ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” sang hình mẫu “động lực gia đình”, nơi mà tiếng nói và ý kiến của trẻ em được xem trọng, dù vẫn còn một số căng thẳng trong quá trình cân bằng thẩm quyền của cha mẹ và việc đối xử công bằng với những đứa con có tính cách khác nhau trong một gia đình.
Động lực gia đình: Các khuôn mẫu và tương tác hình thành các mối quan hệ trong một gia đình. (Nguồn: Internet)
Các chuyên gia tâm lý đã nhấn mạnh rằng cha mẹ phải duy trì quyền hạn đối với con cái của họ trong quá trình hình thành mối quan hệ hoà hợp và hỗ trợ chúng trong cuộc sống. Điều này hoàn toàn trái ngược với lý tưởng của tình bạn. Về bản chất, tình bạn là sự tự do lựa chọn và bình đẳng. Nhưng khi bạn đã là cha mẹ, không có sự lựa chọn nào khác, vì vậy mà trở thành bạn của nhau không phải là phương pháp nuôi dạy con cái phù hợp. Tuy nhiên, dù bạn không thể hoặc không nên làm bạn với con nhỏ, nhưng bạn vẫn có thể duy trì các khía cạnh của tình bạn trong quá trình kết nối và đến gần hơn với trẻ nhỏ, mà vẫn giữ thế chủ động.
Phong cách nuôi dạy con thế nào là đúng đắn?
Có bốn phong cách nuôi dạy con cái được đưa ra trong lĩnh vực tâm lý trẻ em dựa theo định hình mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, bao gồm: độc đoán, có thẩm quyền, dễ dãi, không can thiệp. Ngay từ trên ý nghĩa của câu chữ, chúng ta sẽ loại ra hai phong cách thứ nhất và thứ tư, độc đoán – đòi hỏi, kiểm soát và không can thiệp – trốn tránh, thờ ơ. Hiển nhiên là 100% hai phương pháp này không thể nào đưa đến một kết quả như mong đợi. Còn lại hai phong cách phổ biến mà các gia đình thường áp dụng để nuôi dạy con. Cha mẹ dễ dãi thường yêu thương con vô điều kiện, không bao giờ áp đặt các quy tắc lên con. Cha mẹ có thẩm quyền đặt ra kỳ vọng và yêu cầu con cái đạt được, đồng thời chịu trách nhiệm với những gì mình làm.
(Nguồn: Internet)
Zeltser, giám đốc của phòng Dịch vụ xét nghiệm và sức khoẻ tâm thần của Manhattan Psychology Group, cho biết: Một phụ huynh “là bạn” với con mình sẽ có phong cách nuôi con dễ dãi hơn. Họ sẽ cố gắng hết sức để con mình được hạnh phúc và vui vẻ, lảng tránh xung đột hay tranh cãi bất cứ khi nào có thể. Họ đáp ứng yêu cầu của con trẻ ngay cả khi điều đó là vô lý hoặc không cần thiết để tránh làm con thất vọng. Những điều trên có lẽ sẽ phù hợp hơn với một “tình bạn”, chứ không phải là cha mẹ.
Trong khi đó, phong cách nuôi dạy con có thầm quyền có sự thoả hiệp và cùng nhau đưa ra quyết định – những đặc điểm của tình bạn – nhưng người lớn nắm quyền thực thi các quy tắc. Điều quan trọng là phải đưa ra được những lý giải cho các quy tắc một cách thuyết phục.
Carrie Cole, nhà trị liệu kiêm giám đốc nghiên cứu của Viện Gottman, cho biết khi cha mẹ quá dễ dãi, họ có thể không bao giờ dạy được con mình cách tự chịu trách nhiệm với những hậu quả mà chúng gây ra.
Có thẩm quyền không có nghĩa là không yêu thương.
Vì tình bạn là mối quan hệ có điều kiện, những người bạn đồng hành có thể từ chối nhau và kết thúc mối quan hệ vì bất cứ lý do gì. Có những tình bạn dễ dàng thay đổi trong thời kỳ thanh thiếu niên, điều đó khiến chúng ta rất lo lắng nếu khiến bạn bè thất vọng và rời bỏ mình.
(Nguồn: Internet)
Do vậy, nếu trở thành bạn của trẻ, con bạn có thể tránh nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ vì chúng không muốn bị từ chối “đồng hành” khi chúng làm sai một điều gì đó. Khía cạnh gần gũi với con – như một người bạn nhưng không phải là bạn – là xuất hiện khi chúng bất đồng quan điểm với bạn bè hoặc cảm thấy quá tải ở trường học, và vẫn yêu thương chúng. Làm cha mẹ, thay vì làm bạn, có nghĩa là không bao giờ đẩy chúng ra xa hoặc dừng việc yêu thương.
Đặt ra các quy tắc và kỳ vọng với con cái, nhưng vẫn cho chúng tham gia
Một điểm khác biệt quan trọng nữa giữa tình bạn và nuôi dạy con cái là trong tình bạn, cả hai bên đều đồng ý về những quy tắc bất thành văn chung. Mặt khác, theo ý kiến chuyên gia trong việc nuôi dạy, cha mẹ nên là người quyết định mọi việc với con cái của họ. Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn không xem trọng ý kiến và mong muốn của con mình khi nói đến những quy tắc và kỳ vọng đó. Cha mẹ có thẩm quyền, nhưng cũng cần giúp trẻ em cảm thấy bản thân có tiếng nói, ý kiến và giá trị của bản thân chúng được tôn trọng.
Thay vì bảo rằng trẻ em “không được” làm cái này, “không được phép” làm cái kia, bạn hãy đưa ra những lựa chọn hoặc gợi ý “theo con nghĩ” hoặc “con thích/ muốn cái gì hơn” để hướng con mình đến mục tiêu mà bạn kỳ vọng. Hãy lắng nghe nhau và cùng giải quyết vấn đề, sau đó kết luận lại sự quan trọng hay hiệu quả khi hoàn thành điều đó. Grolnick, giáo sư tâm lý học tại Đại học Clark cho biết tất cả trẻ em, dù ở độ tuổi nào, đều xứng đáng có mức độ tự chủ của riêng mình, và cha mẹ sẽ là người đồng hành có tiếng nói cuối cùng để giúp con hiểu và lựa chọn mục tiêu phù hợp với lứa tuổi của chúng.
Kết luận
(Nguồn: Internet)
Tốt hơn hết, hãy hiểu rằng mỗi giai đoạn trong cuộc đời con trẻ nên có phương pháp nuôi dạy khác nhau. Khi trẻ em trưởng thành, cha mẹ sẽ không cần phải có quá nhiều thẩm quyền đối với con cái và thói quen của chúng. Thay vào đó, bạn có thể áp dụng mối quan hệ gần gũi hơn, lắng nghe và đồng cảm, chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm sống ở mức độ cá nhân hơn. Tuy nhiên khi ở cùng nhau, cha mẹ vẫn nên chịu tránh nhiệm về những lựa chọn quan trọng, sau khi đón nhận những ý kiến và quyết định riêng của trẻ. Điều này giúp trẻ em cảm thấy như chúng có đồng minh là cha mẹ, nhưng quan trọng, không phải là một người bạn.