Duyên Dáng Việt Nam

Có nên mua vắc xin Sinopharm của Trung Quốc khi nhiều người Việt không mặn mà?

Nhân Hoàng • 02-06-2021 • Lượt xem: 632
Có nên mua vắc xin Sinopharm của Trung Quốc khi nhiều người Việt không mặn mà?

Ngày 1.6, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đang xem xét hồ sơ của vắc xin COVID-19 do Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất để cấp phép khẩn cấp có điều kiện.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các chuyên gia đang khẩn trương thẩm định hồ sơ, làm việc cả vào ngày nghỉ cuối tuần. Một số nội dung trong hồ sơ còn cần bổ sung, nên Bộ Y tế đang tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc.

Vắc xin COVID-19 của hãng dược Sinopharm được Trung Quốc cấp phép vào ngày 24.12.2020. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin này vào tháng 5.2021.

Theo báo SCMP, Sinopharm đã thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin trên hơn 40.000 người từ 18 đến 59 tuổi tại Bahrain và UAE. Việc thử nghiệm được tiến hành từ năm ngoái nhưng kết quả chỉ được Sinopharm công bố hôm 26.5.2021.

Theo dữ liệu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, vắc xin Sinopharm cho hiệu quả bảo vệ 78,1% với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng COVID-19. Tỉ lệ này giảm xuống còn 73,5% với các trường hợp không biểu hiện triệu chứng.

Một loại vắc xin khác do công ty con của Sinopharm sản xuất cho hiệu quả thấp hơn, lần lượt là 72,8% và 64% cho các ca nhiễm có triệu chứng và không triệu chứng. Loại vắc xin này đang trong quá trình xin WHO cấp phép để sử dụng khẩn cấp.

Tính đến đầu tháng 5.2021, khoảng 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang sử dụng vắc xin COVID-19 của Sinopharm. Tổng số liều đã cung cấp là 200 triệu, đứng sau vắc xin của AstraZeneca (Anh/Thụy Điển), Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ).

Nhiều dân mạng Việt tỏ ra không hào hứng khi biết thông tin Bộ Y tế thẩm định hồ sơ vắc xin Sinopharm. Một số người cho biết chờ tiêm vắc xin của AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna, Sputnik 
V (Nga) hoặc Nano Covax của Việt Nam chứ không sử dụng Sinopharm nếu có. 

Dự kiến đầu tháng 6.2021, Nano Covax do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Nanogen nghiên cứu phát triển sẽ bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin với cộng đồng trước khi cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp. Số lượng tình nguyện viên tham gia dự kiến khoảng 13.000 người


Nhiều người cho biết không dùng vắc xin Sinopharm nếu có

Tiến sĩ Sylvie Briand, Giám đốc Cục Nguy cơ dịch bệnh và đại dịch thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng vắc xin bất hoạt của Sinopharm được phát triển trên nền tảng cũ, khác với các loại vắc xin hiện có của Pfizer hay Moderna sử dụng công nghệ mRNA (RNA thông tin).

Các nghiên cứu trên hàng triệu người ở Israel được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech cho thấy liều mRNA đã ngăn ngừa hơn 90% trường hợp nhiễm coronavirus không có triệu chứng.

Một nghiên cứu của Public Health England cho thấy vắc xin Pfizer - BioNTech có hiệu quả 88% với bệnh COVID-19 có triệu chứng từ biến thể B.1.617.2 (Ấn Độ) hai tuần sau tiêm liều thứ hai. Vắc xin này có hiệu quả đến 93% với chủng B.1.1.7 "Kent", biến thể thống trị của Anh.

Trong khi hai liều vắc xin AstraZeneca có hiệu quả chống lại bệnh COVID-19 từ biến thể Ấn Độ là 60%, so với 66% với biến thể B.1.1.7 "Kent", theo Public Health England.

Cũng nhờ tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech mà Israel, Qatar, Malta dần thoát COVID-19. Trong đó, Malta là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin COVID-19 cao hàng đầu thế giới. Hôm 24.5, Bộ trưởng Y tế Malta - Chris Fearne cho biết khoảng 70% dân số trưởng thành tại nước này đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Xem chi tiết tại đây.

Được biết, trong 6 triệu liều vắc xin mà Campuchia đã nhận được chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc gồm: 1,7 triệu liều Sinopharm do Trung Quốc tài trợ, 4 triệu liều Sinovac mua từ Trung Quốc, 324.000 liều AstraZeneca / SII (COVISHIELD) thông qua chương trình COVAX. Trong vòng 110 ngày qua, 2,6 triệu người ở Campuchia đã được tiêm vắc xin.

Hiệu quả thực tế của vắc xin Sinopharm thấp?

Hôm 18.5, Sinopharm đề nghị tiêm bổ sung liều thứ 3 cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin của hãng này ở UAE và Bahrain.

Theo Sinopharm, bất kỳ ai đã tiêm liều thứ 2 trước đó 6 tháng đều có thể tiêm thêm 1 liều nữa để tăng mức độ bảo vệ trước các biến thể coronavirus mới.

Song theo tờ The National của UAE, quốc gia này đã bắt đầu tiêm bổ sung liều thứ 3 cho "một số lượng nhỏ" những người không phát triển kháng thể dù đã được tiêm đủ 2 liều. Việc này tiến hành từ tháng 3.2021 và loại vắc xin được sử dụng trong cả 3 lần tiêm đều của Sinopharm.

Giáo sư Nikolai Petrovsky thuộc Đại học Flinders (Úc) nhận định chỉ có việc hiệu quả vắc xin quá thấp mới dẫn tới việc phải tiêm bổ sung chỉ hơn 6 tháng sau khi tiêm đủ 2 liều.

UAE và Bahrain là những nước đầu tiên tiến hành tiêm bổ sung liều 3 và cũng nằm trong nhóm đầu tiên phê duyệt vắc xin Trung Quốc.

Là một quốc đảo ở Ấn Độ Dương, Seychelles đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 65% dân số bằng các mũi AstraZeneca và Sinopharm, với 37% bệnh nhân đã được tiêm hai liều, tuy nhiên các ca bệnh mới hàng tuần đã tăng nhanh trong tháng 5.

Sự gia tăng ca bệnh khiến các nhà chức trách Seychelles phải đóng cửa các trường học, hủy bỏ các sự kiện thể thao và cấm tụ tập gia đình. Trong số những người được tiêm chủng đầy đủ, khoảng 60% đã nhận được vắc xin từ Sinopharm và những người còn lại được tiêm vắc xin AstraZeneca.

Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp hai vắc xin AstraZeneca và Sputnik V. Trong đó, vắc xin AstraZeneca đang được triển khai tiêm trong nước cho nhóm ưu tiên ở tuyến đầu chống dịch. Tổng số liều đã tiêm là hơn 1,1 triệu, tỷ lệ người đã tiêm ít nhất một liều, chiếm khoảng 1% dân số.

Bộ Y tế đang huy động mọi nguồn lực, liên tục làm việc với đại sứ Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản..., các tổ chức quốc tế và Liên minh châu Âu để sớm tiếp cận các nguồn, mua thêm vắc xin.

Mục tiêu là tiêm tổng cộng 150 triệu liều, đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021.

Hiện nay mới có hơn 100 triệu liều vắc xin COVID-19 được cam kết cung cấp, đủ tiêm chủng cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, còn thiếu khoảng 40 triệu liều so với mục tiêu đề ra.

Việt Nam đàm phán mua vắc xin Moderna

Chiều 28.5, ông Nguyễn Thanh Long họp với công ty Zuellig Pharma, đơn vị đại diện cung ứng vắc xin COVID-19 của Moderna (Mỹ) cho Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vắc xin cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch. Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam.

Tương tự sản phẩm của Pfizer - BioNTech, vắc xin Moderna được phát triển bằng công nghệ mRNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh. Kết quả thử nghiệm vắc xin Moderna hiệu quả 90%.

Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) phê duyệt vắc xin Moderna vào ngày 6.1. Vắc xin này được tiêm chủng ở Mỹ, Canada, Đức, Hàn Quốc, Anh...

WHO ngày 30.4 đã phê duyệt vắc xin Moderna để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây là loại vắc xin COVID-19 thứ 4 được duyệt sử dụng khẩn cấp, sau Pfizer, Astrazeneca và Johnson & Johnson.

Theo Bộ trưởng Y tế, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua và , Việt Nam nên việc tiếp cận vắc xin cũng hạn chế hơn. Do các đơn vị cung ứng vắc xin COVID-19 ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh.

Covax Facility đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 38,9 triệu liều. Việt Nam cũng đề xuất Covax hỗ trợ Việt Nam thêm 10 triệu liều theo cơ chế chia sẻ chi phí.

Ông Long mong muốn các Đại sứ quán, các doanh nghiệp của các quốc gia tài trợ cho Covax tác động để có thêm vắc xin cho Việt Nam và đề nghị các nước có dư thừa vắc xin tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vắc xin.

Theo 1thegioi.vn