VĂN HÓA

Con người và những lần đứng trước nguy cơ suýt bị tuyệt chủng trong lịch sử

Diễm Chi • 14-09-2023 • Lượt xem: 1937
Con người và những lần đứng trước nguy cơ suýt bị tuyệt chủng trong lịch sử

Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dân số cán mốc 8 tỷ người với tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, trước khi đạt được con số khổng lồ này, ít ai biết rằng loài người từng suýt tuyệt chủng 5 lần trong lịch sử. 

Xem thêm:

'Kho báu' sau vết nứt được người đàn ông phát hiện khi cải tạo lại căn nhà cũ

Với sự bùng nổ dân số ở thời điểm hiện tại, ít ai biết rằng trong quá khứ con người đã từng đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Đặc biệt, sự kiện phun trào núi lửa diễn ra cách đây 70.000 năm suýt đẩy con người vào bước đường diệt vong và biến mất vĩnh viễn tương tự loài khủng long cổ xưa.

Trong cuốn sách “Diệt chủng”, với bối cảnh con người tiếp tục tiến hóa và ngày càng thông minh hơn, tác giả Takano Kazuaki đề cập: “Có lẽ loài người có ít trí tuệ đến thảm hại. Và trí óc thì tầm thường và thô kệch. Nhưng đó là tất cả những gì họ có - tất cả những gì họ giành giật được từ quá trình tiến hoá”.

Thông qua đó có thể thấy, có một sự thật rằng, để đi đến ngày hôm nay chẳng phải là việc gì dễ dàng, trong đó, con người phải đứng trước những giai đoạn buộc phải tiến hóa để thích nghi và những lần đứng trước bờ vực tưởng chừng như suýt biến mất trên hành tinh này.

Giai đoạn 1,1 triệu - 1,2 triệu năm trước

Theo các nghiên cứu, dân số thế giới chính thức cán mốc 1 tỷ người vào năm 1804, mãi đến hơn 100 năm sau, con số này mới nâng lên 2 tỷ và trong vòng 6 thập kỷ, số người sinh sống trên hành tinh này đạt con số hơn 8 tỷ người.

Tỉ lệ dân số gia tăng nhanh chóng là thế nhưng ít ai biết được rằng, ngược dòng thời gian trở về quá khứ giai đoạn khoảng 1,1 triệu - 1,2 triệu năm trước, tương lai của con người lại khá tâm tối.

Theo một số tài liệu nghiên cứu cho thấy, khoảng 1,1 triệu - 1,2 triệu năm trước, dân số loài người sơ khai, có thể là Homo erectus và Homo ergaster, đã có sự suy giảm đáng kể. 

Người ta ước tính chỉ còn khoảng 26.000 cá thể, trong đó, chỉ có khoảng 18.000 cá thể trong độ tuổi sinh sản. Đặt lên bàn cân so sánh có thế thấy tỉ lệ số lượng người tại thời điểm đó còn ít hơn khỉ đột ở thời điểm hiện tại. 

Để giải thích cho hiện tượng này, các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng sự kiện này có thể liên quan đến một sự kiện khí hậu khắc nghiệt, có thể là sự kiện kỷ băng hà đã xảy ra vào thời điểm đó. 

Theo nghiên cứu, nhiệt độ ở châu Âu đã giảm đột ngột hơn 5 độ C, khiến môi trường trở nên khắc nghiệt hơn và không thích hợp cho sự sống của loài người sơ khai.

Các trầm tích đại dương từ khoảng thời gian này cho thấy biểu hiện rõ ràng của sự giảm nhiệt độ. Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt lúc bấy giờ, loài người sơ khai ở châu Âu đã không thể sống sót vì không có quần áo làm ấm hay máy sưởi nhiệt. 

Có lẽ cũng chính vì vậy mà họ đã lựa chọn rời khỏi châu Âu, di chuyển đến một nơi khác và trở lại khi khí hậu trở nên ổn định hơn.

Giai đoạn 800.000 - 900.000 năm trước

Trong giai đoạn lịch sử được gọi là Trung Pleistocen, 800.000 - 900.000 năm trước, con người lại đứng trước một thử thách khó nhằn trong cuộc chiến sinh tồn. 

Mới đây, một nghiên cứu chỉ ra, trong giai đoạn này, dân số của tổ tiên chúng ta, bao gồm người Neanderthal và Denisovan, đã có sự suy giảm đáng kể khi chỉ còn khoảng 1.280 cá thể.

Kéo dài trong suốt khoảng thời gian 117.000 năm, sự kiện này được cho là liên quan mật thiết đến các yếu tố biến đổi khí hậu như kỷ băng hà, nhiệt độ nước biển giảm mạnh, hạn hán kéo dài ở các khu vực châu Phi và Âu - Á. Từ đó, các nguồn thức ăn và tài nguyên sống cũng có sự suy giảm đáng kể.

Tổ tiên cuối cùng của chúng ta cùng với người Neanderthal và Denisovan đã tuyệt chủng được cho là sống trong giai đoạn này.

Giáo sư Chris Stringer làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London đã đề cập đến nguy cơ tiềm ẩn của việc loài người sống sót trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt với số lượng dân số thấp như vậy. Với một số lượng dân số khá ít, chỉ cần một sự kiện tự nhiên như dịch bệnh, khí hậu xấu, hoặc thảm họa tự nhiên khác đã có thể dễ dàng gây ra tuyệt chủng.

Giai đoạn 150.000 năm trước

Khoảng 195.000 năm trước, thể thế giới như bước vào một thời kỳ mới với sự thay đổi về môi trường sống khi sa mạc và sông băng bắt đầu lan rộng. Sự biến đổi này khiến nhiệt độ giảm xuống mạnh mẽ, khắp nên trở nên khô và lạnh, môi trường dần dần bị thu hẹp và phá hủy.

Trong bối cảnh đó, không rõ lý do tại sao các nhóm người ở châu Phi bắt đầu tách ra và chia thành các nhóm nhỏ hơn, chính vì vậy mà số lượng cá thể bắt đầu giảm mạnh trong giai đoạn khoảng 150.000 năm trước.

Sự kiện này cũng không tránh khỏi sự liên quan đến thời kỳ kỷ băng hà. Một số nhà khoa học tin rằng, số lượng cá thể sinh sản của loài người đã giảm xuống chỉ còn khoảng 600 cá thể trong giai đoạn này, gây ra nguy cơ tiềm ẩn to lớn về sự tuyệt chủng.

Với điều kiện khí hậu và môi trường khắc nghiệt, lúc bấy giờ, lục địa châu Phi trở thành nơi duy nhất mà loài Homo sapiens (con người hiện đại) có thể sinh sống do có nhiều thực vật dự trữ năng lượng bên dưới bề mặt đất và vùng nước với nhiệt độ tương đối ấm, xây dựng môi trường thuận lợi cho động vật có vỏ phát triển mạnh.

Nhờ những yếu tố này mà Homo sapiens sinh sống ở khu vực này có thể tồn tại, góp phần giúp loài người chúng ta có thể phát triển và tiến hóa thành con người của chúng ta ở thời điểm hiện tại.

Giai đoạn 70.000 năm trước

Nếu kỷ băng hà khiến hành tinh của chúng ta trở nên lạnh lẽo, sinh vật không thể sinh sống với điều kiện thời tiết khắc nghiệt thì vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử diễn ra trong giai đoạn khoảng 70.000 năm trước suýt đã đẩy sự tồn vong của con người vào bước đường cùng.

So với sự kiện phun trào núi St Helens diễn ra vào những năm 1980 thì vụ phun trào núi lửa Toba trên đảo Sumatra, Indonesia có sức mạnh lớn hơn khoảng 5.000 lần. 

Sự kiện này đã phóng ra một lượng lớn khoáng chất và tro nóng vào không khí, gây ra sự che khuất ánh nắng mặt trời và làm nhiệt độ giảm xuống, kéo dài mùa đông ít nhất trong khoảng thời gian gần một thập kỷ.

Khi một lượng lớn động vật và thực vật chết đi, môi trường dường như bị phá hủy hoàn toàn, nhiều nhà khoa học tin rằng con người sống sót chủ yếu chỉ giới hạn tại châu Phi. 

Tuy nhiên, năm 2020, một số bằng chứng được tìm thấy đã chứng minh con người ở Ấn Độ cũng có thể vượt qua, tồn tại và sống sót sau hậu quả bụi phóng xạ từ vụ phun trào núi lửa Toba.

Thông qua các lớp đá ở Thung lũng Middle Son phía bắc Ấn Độ, sau khi khảo sát lịch sử trong 80.000 năm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số công cụ được chế tác từ đá trùng khớp với giai đoạn diễn ra sự kiện phun trào núi lửa Toba, từ đó, góp phần làm sáng tỏ hơn những giả thuyết về việc người ở Ấn Độ tồn tại trong khoảng thời gian này.

Giai đoạn 40.000 năm trước

Có thể nói, biến đổi khí hậu hiện đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của công chúng trên toàn cầu. 

Ở thời điểm hiện tại, cùng với sự phát triển vượt trội của nền công nghệ, có nhiều nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu nhưng có lẽ ít ai biết rằng, giai đoạn 25.000 - 40.000 năm trước, biến đổi khí hậu đã hoàn toàn xóa người Neanderthal, một trong những người anh em thân thiết của con người hiện đại.

Các phân tích máy tính cho thấy người Neanderthal có khả năng không thích nghi được với sự biến đổi của nhiệt độ, lượng mưa và điều kiện môi trường.  

Một lập luận khác cũng chỉ ra rằng, một yếu tố khác có thể đóng vai trò trong sự kiện tuyệt chủng của người Neanderthal là sự cạnh tranh gay gắt về tài nguyên với loài Homo sapiens, con người hiện đại, từ đó, dẫn đến việc số lượng cá thể bị thu hẹp.

Dẫu có nhiều tranh luận xoay quanh nhưng ở thời điểm hiện tại, người ta cuối cùng cũng kết luận sự tuyệt chủng của người Neanderthal là do họ đã mất phần lớn môi trường khí hậu để tồn tại.

Homo floresiensis, được biết đến với tên gọi "hobbit", cũng tuyệt chủng vào khoảng thời gian tương tự người Neanderthal. Đến nay, người ta vẫn không rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến tuyệt chủng của loài này bởi những bí ẩn còn chưa có lời giải đáp.

Liệu con người có đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai?

Dưới tác động và sự biến đổi của môi trường khi xảy ra các hiện tượng như băng tan ở Bắc Cực và Nam Cực, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính và nóng lên toàn cầu thì liệu con người có đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai?

Các nhà khoa học cũng đưa ra những lập luận rằng con người chỉ tuyệt chủng khi mặt trời giãn nở và hành tinh này chuyển sang trạng thái tương tự sao Kim, tuy nhiên, đây là việc của 1 tỷ năm sau.

Để giải quyết một vấn đề đáng quan ngại thì việc cần làm chính là tìm hiểu nguyên nhân. Vậy, điều gì sẽ đẩy sự tồn vong của con người vào bước đường cùng? Đó có phải là một hố đen vũ trụ, va chạm thiên thạch hay chiến tranh hạt nhân,...

Có nhiều phán đoán và giả thuyết được đặt ra, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về rủi ro và thảm họa cho rằng có 6% khả năng con người sẽ tuyệt chủng vào 77 năm sau.

Trong khi đó, Stephen Hawking, một nhà vật lý nổi tiếng, lại cho rằng loài người nên di cư đến một hành tinh khác trong vòng 1000 năm tới.

Tuy nhiên, tất cả những vấn đề được đề cập cũng chỉ là những giả thuyết, cùng với sự phát triển vượt bậc về các thành tựu khoa học, kỹ thuật ở thời điểm hiện tại, không ai có thể xác định được liệu chuyện gì sẽ xảy ra. 

Vậy nên, thay vì suy nghĩ và bâng khuâng về những điều không thể biết, việc mỗi người cần làm là sống hết mình, thật vui vẻ và hạnh phúc ở hiện tại.