Thịt gác bếp, nem chả tré, hồng treo gió, bánh pía… là những món ăn được người dân ở các địa phương yêu thích mỗi dịp đón Tết.
Các món thịt thơm hương núi rừng
Thịt gác bếp là món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc được nhiều người ưa thích. Không chỉ làm món nhậu lai rai ngày xuân thú vị, chúng còn là nguyên liệu cho các món xào cùng rau củ vô cùng hấp dẫn, lạ miệng.
Món đặc sản này nổi tiếng nhất là từ người dân tộc Mông, Hà Giang. Họ chọn những miếng bò, trâu, lợn tươi, chắc thớ. Thịt bò được thái dọc thành từng miếng dầy 2-3 cm, dài 30-40 cm rồi ướp gừng, tỏi, ớt trong 3 tiếng. Thịt lợn thì dùng loại ba chỉ, thịt nạc, thái miếng rộng 5 cm, dài 20 cm, ướp cùng muối, thảo quả, gừng, tỏi ớt mắc khén, rượu trắng... Sau đó, miếng thịt được xiên vào que tre, đặt lên trên gác bếp để khói hun thịt một cách tự nhiên. Sau 15-20 ngày, thịt se dần, khô lại, có màu nâu óng, mặt ngoài dính chút bồ hóng, mùi khói ám.
Bạn có thể chế biến thịt gác bếp theo nhiều cách: để nguyên, ngâm nước nóng 5 phút trước khi chế biến các món nôm, xào, gỏi trộn, …hoặc nướng trên tro nóng của bếp củi 10-15 phút rồi ăn kèm với các loại rau rừng. Món thịt gác bếp có hương vị đặc trưng: thơm, mềm, ngọt, ngon vì được làm từ các loại vật nuôi sống ở miền núi, nuôi theo kiểu truyền thống và tự nhiên. Do vậy, thịt của chúng thơm, ngon và ăn “có cảm giác thật” chứ không phải như các loại thịt công nghiệp tẩm ướp hóa chất.
Các loại chả nức tiếng Hà Nội
Nhắc đến ẩm thực Hà Nội là nhắc tới sự chế biến cầu kỳ và hương vị tinh tế. Trong đó, các loại giò chả như chả cốm, chả sụn, chả quế, chả mỡ nướng, chả cua biển, chả cá, chả ốc, dồi sụn, nem chua rán… là những món ăn nức tiếng xưa nay. Trong đó, giò chả Ước Lễ nổi tiếng khắp xa gần với truyền thống gần 500 năm.
Sau khi dâng cúng tổ tiên ngày Tết, chúng có thể đem ra đãi khách vô cùng sang và quý. Đồng thời, các loại chả Hà Nội có thể ăn chơi, ăn với cơm, bánh mì, xôi, bún, bánh cuốn hay mồi nhậu đều được, dễ dàng nạp năng lượng du xuân bất cứ lúc nào. Vị dai ngon sần sật và hương thơm phức tạo nên từ các loại nguyên liệu tươi ngon…
Nem, tré miền Trung
Niềm tự hào của thương hiệu ẩm thực Miền Trung là các loại nem, tré. Nem chua nổi tiếng ở Thanh Hóa, Huế, Khánh Hòa hay Lai Vung (Đồng Tháp)….Trong đó, nổi bật là nem Huế có màu hồng nhạt, bề mặt khô ráo, vị chua thanh của thịt lên men tự nhiên; kết hợp với mùi thơm của tiêu sọ, tỏi, vị ngọt của đường phèn, độ giòn của da heo, bùi bùi chát nhẹ của lá ổi non… tạo nên dư vị đậm đà, khó quên của ẩm thực xứ kinh đô xưa. Người Huế rất cầu kỳ trong cách trình bày món ăn nên ở công đoạn vắt nem, người làm phải đều tay để các vắt nem bằng nhau, đẹp mắt. Sau khi gói, nem để khoảng 3 ngày là chín và có thể đem dùng.
Tré là một món ăn truyền thống vô cùng độc đáo của các tỉnh miền Trung, mỗi nơi đều có cách làm khác nhau. Trong đó nổi tiếng nhất là tré Bình Định với các vị mặn, ngọt, bùi, béo, chua, cay và vị chát của lá ổi, hòa quyện vào nhau mang đến hương vị đặc trưng rất riêng. Món tré thường được làm từ thịt đầu heo và thịt ba chỉ heo; gia vị tẩm ướp gồm: mè, hạt tiêu, tỏi, muối, riềng đặc biệt là phần nêm nếm thính và bột nêm cho vừa vặn, sau đó được gói bởi lớp rơm khô, buộc chặt 2 đầu. Mùi thơm của thính kết hợp với mùi đặc trưng của lá ổi và phần rơm bọc ngoài thơm mùi lúa chín tạo nên một món ăn mang hương vị đồng quê mộc mạc, chân chất.
Để thưởng thức món ăn trọn vẹn hơn, người ta thường ăn kèm với bánh đa và các loại rau sống chấm cùng với nước mắm có pha thêm tỏi ớt hoặc tương ớt cho dậy vị, đánh thức vị giác của thực khách.
Hồng treo gió Đà Lạt
Ngoài những trái hồng giòn hay chín ăn lúc tươi, có một món đặc sản mà bất cứ ai đi Đà Lạt đều không thể bỏ qua là hồng treo gió. Vào tháng 9 đến đầu tháng 12, người dân sẽ thu hoạch những trái hồng trứng chín (quả chín hườm hoặc chín vàng còn cứng trái) để làm hồng treo gió. Sau đó, gọt vỏ, để lại cuống rồi treo bằng dây. Hồng được treo khép kín và trong lồng có cả đèn vàng, máy hút ẩm và máy quạt. Hồng treo gió sẽ được thu hoạch để bán cho khách hàng sau 15 - 20 ngày tùy thời tiết.
Khác với loại hồng sấy, hồng treo gió vẫn giữ được hương vị, màu sắc tự nhiên vốn có và có thể lưu giữ được đến 6 - 7 tháng sau. Những trái hồng sau khi treo gió trên mặt có lớp phấn trắng là lớp đường tự nhiên, vị mềm dẻo thơm ngọt đọng lại đầu lưỡi.
Bánh mứt kẹo đậm vị miền Tây
Từ xưa người miền Tây đã có truyền thống làm nhiều món bánh mứt vào dịp Tết để cúng ông bà, dùng trong nhà và đãi khách từ xa đến. Có thể kể tên các loại bánh pía Sóc Trăng, mứt dừa/mứt chuối phồng Bến Tre, mứt sơ ri Gò Công, kẹo mãng cầu me, … đều là những đặc sản Tết trứ danh được người miền Nam hay dùng vào dịp năm mới.
Trong đó, bánh Pía Vũng Thơm – Sóc Trăng chinh phục khẩu vị người khó tính nhất bằng vỏ ngoài có màu vàng cam, bên trong là lòng đỏ trứng muối, dậy vị thơm sầu riêng, bùi khoai môn hay thơm ngọt vị đậu xanh, hạt sen. Điểm đặc biệt nhất của bánh pía Sóc Trăng là không sử dụng hương liệu tạo mùi thơm, mà là mùi thơm tự nhiên của sầu riêng. Bánh không quá ngọt, quá béo, vỏ bánh mềm dẻo, nhân bánh thơm ngon. Nhiều người chọn bánh pía để đãi khách hay làm quà đậm vị Nam Bộ trong mỗi chuyến du lịch tới miền Tây sông nước.