Các cuộc đàm phán về khí hậu và kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7.2021 được đặt cao hơn trong danh sách ưu tiên của ông Tập Cận Bình.
Nhật Bản và Mỹ lần đầu tiên sau hơn 52 năm để đã đề cập đến Đài Loan trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga tại Nhà Trắng hôm 16.4.
Đại sứ Hideo Tarumi, người am hiểu về Trung Quốc, ngồi trong Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh để chờ cuộc gọi. Thế nhưng, lời triệu tập Hideo Tarumi từ chính quyền ông Tập Cận Bình không đến.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc do nhà nước điều hành không đưa tin vào khung giờ vàng về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga. Tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) chỉ đăng một đoạn mô tả những nhận xét hôm 17.4 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản pháo tuyên bố này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Uông Văn Bân nhắc lại những quan điểm này trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 19.4, nói rằng "Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc" và kêu gọi Mỹ - Nhật "ngay lập tức ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm tổn hại lợi ích của nước này". Vì sao phản ứng của Trung Quốc với tuyên bố chung từ Mỹ - Nhật, kêu gọi hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, lại nhẹ nhàng một cách bất thường?
Trung Quốc thường phản đối một cách mạnh mẽ các hành vi xâm phạm "lợi ích cốt lõi". Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản vào năm 2014 sau khi Mỹ xác nhận rằng quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, nằm trong hiệp ước an ninh giữa hai đồng minh.
Phản ứng tương đối nhẹ nhàng cho thấy Trung Quốc đang tìm cách tránh làm căng thẳng mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản trước các cuộc đàm phán về khí hậu cùng lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7.2021.
Ông Tập Cận Bình có nhiều toán tính khi phản ứng không quá gay gắt trước tuyên bố chung về Đài Loan của Mỹ - Nhật
Mỹ đưa ra trở ngại tiềm tàng lớn nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông hướng tới việc đảm bảo một nhiệm kỳ thứ ba (5 năm) và Trung Quốc phục hồi kinh tế nhanh hơn từ đại dịch COVID-19 so với bất kỳ quốc gia lớn nào khác.
Ông Tập Cận Bình hy vọng có thời gian đảm bảo tiến trình diễn ra suôn sẻ thông qua một chuỗi các sự kiện nổi bật - kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7.2021, Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2.2021 và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng 10.2022.
Trung Quốc cũng nhận thấy giai đoạn đối thoại đang diễn ra với Mỹ về biến đổi khí hậu. Đặc phái viên khí hậu Mỹ - John Kerry đã gặp người đồng cấp Trung Quốc - Giải Chấn Hoa vào tuần trước để thảo luận về vấn đề này tại Thượng Hải, thành phố mà hai nước đã ký thông cáo chung năm 1972 chấm dứt mối quan hệ thù địch giữa họ.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, đã nói chuyện với ông John Kerry qua liên kết video trong chuyến thăm và hai bên đã có thể ra tuyên bố chung về khủng hoảng khí hậu.
Trong dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tự tin rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục bất chấp căng thẳng giữa hai nước, tờ Sing Tao Daily (Hồng Kông) hôm 19.4 đưa tin ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ chủ trì vào ngày 22 - 23.4.
Trung Quốc dự định sử dụng các kênh đối thoại này cho các vấn đề ngoài biến đổi khí hậu.
Một nguồn tin cho biết Trung Quốc có kế hoạch giải quyết tất cả 7 vấn đề được nêu ra trong cuộc họp giữa nước này và Mỹ hôm 18.3 ở bang Alaska để thảo luận trong tương lai. Những điều này không chỉ bao gồm biến đổi khí hậu mà còn mở lại các lãnh sự quán đã đóng cửa dưới thời chính quyền Trump, nới lỏng các hạn chế về thị thực và hợp tác tại cuộc họp của G20 (nhóm các nền kinh tế lớn). Trung Quốc hy vọng các cuộc đàm phán rộng hơn này sẽ xoa dịu căng thẳng với Mỹ.
Theo 1thegioi.vn