Duyên Dáng Việt Nam

Dấu hiệu nhận biết chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ

Hoa Hà • 25-11-2020 • Lượt xem: 885
Dấu hiệu nhận biết chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ

Đã bao giờ bạn nghĩ rằng con mình mắc chứng tăng động giảm chú ý? Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, thường xuất hiện ở thời thơ ấu (trước 7 tuổi), khiến trẻ khó ức chế những phản ứng tự phát của mình. ADHD có thể ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ ở trường cũng như các mối quan hệ của chúng.

Thật không may cho các bậc phụ huynh là các triệu chứng của ADHD rất đa dạng và đôi khi khó nhận biết. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể gặp nhiều triệu chứng riêng của ADHD. Vì vậy, để chẩn đoán, bác sĩ sẽ cần đánh giá bằng một số tiêu chí.

Triệu chứng của chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em

1. Quá tập trung vào bản thân

Một dấu hiệu phổ biến của ADHD là không có khả năng nhận ra nhu cầu và mong muốn của người khác. Điều này có thể dẫn đến kết quả trẻ thường phải làm gián đoạn người khác và khó đợi tới lượt mình để được làm một điều gì đó.

2. Ngắt lời

Hành vi tập trung vào bản thân có thể khiến trẻ ADHD cắt ngang lời của người khác khi họ đang nói chuyện.

3. Khó khăn khi phải chờ đợi

Thông thường, trẻ ADHD gặp khó khăn khi phải chờ đợi, ví dụ chờ đến lượt hoặc khi chơi trò chơi với các bạn hoặc trong các hoạt động ở lớp.

4. Rối loạn cảm xúc

Một đứa trẻ mắc chứng ADHD có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Chúng có thể nổi cơn tức giận, cơn thịnh nộ với những việc không đáng và vào những thời điểm không thích hợp.

5. Bồn chồn hoặc chạy nhảy, leo trèo quá mức

Ở thanh thiếu niên mắc ADHD có thể gặp trạng thái bồn chồn còn ở trẻ nhỏ hơn là tình trạng thường xuyên leo trèo, chạy nhảy.

6. Khó có thể chơi trong yên lặng

Tính hiếu chiến có thể khiến trẻ ADHD khó chơi yên lặng hoặc bình tĩnh tham gia các hoạt động giải trí.

7. Gặp khó khăn trong hoàn thành nhiệm vụ

Một đứa trẻ ADHD có thể tỏ ra thích thú với nhiều thứ khác nhau, nhưng chúng có thể gặp khó khăn khi hoàn thành chúng. Ví dụ, khi trẻ đang thực hiện các công việc nhà hoặc bài tập về nhà, chũng bỗng bị phân tâm và thích thú với một công việc hay một thứ gì khác, chúng có thể bỏ ngang thứ mình đang làm để chuyển sang thứ yêu thích đó.

8. Thiếu tập trung

Trẻ ADHD có thể khó tập trung chú ý, ngay cả khi ai đó đang nói trực tiếp với chúng và dường như chúng đang lắng nghe, nhưng sự thật thì chúng đang nghĩ về một thứ gì đó. Và nếu yêu cầu trẻ nhắc lại lời bạn vừa nói với chúng, chúng sẽ không nhắc lại được.

Chúng cũng thường hay bị sao nhãng với những kích thích bên ngoài.

9. Tránh các nhiệm vụ cần nỗ lực trí óc kéo dài

Cũng chính sự thiếu tập trung này có thể khiến trẻ né tránh các hoạt động đòi hỏi nỗ lực kéo dài, chẳng hạn như chú ý trong lớp hoặc làm bài tập về nhà.

10. Gặp nhiều sai lầm

Trẻ ADHD có thể gặp khó khăn khi phải làm theo các hướng dẫn, yêu cầu lập kế hoạch hoặc thực hiện một kế hoạch nào đó. Điều này có thể dẫn đến những sai lầm cho trẻ.

11. Mơ mộng

Trẻ ADHD không phải lúc nào cũng hào sảng và ồn ào. Một dấu hiệu khác của ADHD là im lặng và ít tham gia hơn những đứa trẻ khác.

Trẻ ADHD có thể nhìn chằm chằm vào không gian, mơ mộng và phớt lờ những gì đang diễn ra xung quanh.

12. Rắc rối trong việc tổ chức

Trẻ ADHD có thể gặp khó khăn trong việc theo dõi các nhiệm vụ và hoạt động. Điều này có thể gây ra các vấn đề ở trường, vì các em có thể khó sắp xếp thứ tự ưu tiên cho bài tập về nhà, các dự án ở trường và các bài tập khác.

13. Hay quên

Trẻ ADHD có thể đãng trí trong các hoạt động hàng ngày, chúng có thể quên làm việc nhà hoặc bài tập về nhà. Trẻ cũng có thể thường xuyên làm mất đồ, chẳng hạn như đồ chơi, dụng cụ học tập.

14. Hoạt động tay chân liên tục

Một trong những dấu hiệu của chứng tăng động là trẻ hoạt động tay chân liên tục, không ngừng nghỉ và khó để yêu cầu trẻ ngồi yên một chỗ. Người ta so sánh như là chúng được “gắn động cơ”. Những đứa trẻ này dường như có quá nhiều năng lượng trong bản thân chúng, nhưng chính điều này sẽ tạo ra khó khăn cho trẻ khi phải tập trung làm một cái gì đó hoặc ở trong lớp học.

Chẩn đoán tăng động giảm chú ý bằng cách nào?

Có thể khó phân biệt giữa ADHD và “hành vi bình thường của trẻ em”. Nếu bạn chỉ phát hiện một vài dấu hiệu hoặc các triệu chứng chỉ xuất hiện trong một số trường hợp, thì có thể đó không phải là ADHD. Bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng của trẻ, một đứa trẻ được coi là mắc chứng ADHD khi:

- Chúng phải có cả hai tiêu chuẩn giảm chú ý và tăng động - xung động.

- Các triệu chứng phải xuất hiện trước 7 tuổi và biểu hiện rõ rệt so với độ tuổi phát triển của trẻ.

- Các triệu chứng phải thể hiện lan tỏa trong nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau (ở trường, ở nhà, ngoài xã hội) và kéo dài ít nhất trong thời gian 6 tháng.

- Những triệu chứng này ảnh hưởng bất lợi, gây khó khăn, trở ngại trong học tập, các mối quan hệ bạn bè và cuộc sống của trẻ (Phải có bằng chứng rõ ràng về sự gặp khó khăn này).

- Các rối loạn đó không phải xuất phát từ những lí do khác như bị tự kỉ, rối loạn cảm xúc, rối loạn phân ly, rối loạn nhân cách...

Nếu thấy con mình có những dấu hiệu bất thường so với các bạn cùng lứa tuổi, gặp khó khăn trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Hãy sắp xếp thời gian gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng điều trị càng sớm càng tốt.

Hướng dẫn cha mẹ can thiệp sớm cho trẻ tăng động giảm chú ý tại nhà

- Là bạn đồng hành, thông cảm, luôn giúp đỡ, động viên, khích lệ trẻ; tránh quát mắng, cáu gắt, làm trẻ sợ hãi. Đặc biệt, không chế giễu trẻ.

- Đưa ra bộ quy tắc ở cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu và yêu cầu trẻ thực hiện.

- Lập 1 danh sách những việc đơn giản phải làm để giúp trẻ có thể ghi nhớ.

- Tạo thói quen ghi nhớ cho trẻ khi cha mẹ nói, yêu cầu trẻ nhắc lại từng từ đơn giản.

- Trò chuyện nhiều với trẻ, cho chơi một số trò chơi tư duy đơn giản để rèn luyện sự tập trung, tránh cho trẻ chơi các trò chơi bạo lực hoặc sử dụng nhiều các thiết bị công nghệ.

- Khuyến khích con tham gia các môn thể dục thể thao vừa sức.

- Giúp con ăn uống đúng cách với những món ăn lành mạnh, cắt giảm đồ ăn vặt, đặc biệt là các đồ ăn chứa nhiều đường.

- Tạo điều kiện để con kết bạn.

- Có thái độ kiên trì với trẻ, sử dụng các phần thưởng để khuyến khích trẻ.

- Trước khi đi tới chỗ công cộng, cần đưa ra quy luật cho con và nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

- Nếu trẻ mắc lỗi nhiều lần có thể sử dụng các hình phạt nhẹ trong phạm vi cho phép (cắt thưởng, giảm giờ xem ti vi, giờ chơi công viên...)

- Tuyệt đối không được đánh trẻ.

Trẻ ADHD có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật, là cha mẹ, bạn có thể làm nhiều điều để giúp chúng kiểm soát các triệu chứng, vượt qua được những thách thức phải đối mặt và bình tĩnh hơn, tập trung hơn với những nhiệm vụ, những yêu cầu mà chúng phải đối mặt.

Bản thân trẻ ADHD thường không ý thức và không mong muốn bản thân mình mắc các sai lầm, nếu trẻ thường xuyên làm sai, thì đó cũng không phải là lỗi của chúng, bản thân trẻ cũng không muốn như vậy.