VĂN HÓA

Đi buôn với mạ - Lê Quý Nghi

Lê Quý Nghi • 23-08-2021 • Lượt xem: 1022
Đi buôn với mạ - Lê Quý Nghi

Hơn ba giờ sáng, ba tôi lay tôi dậy sau khi đã chất mấy bao đậu lên cái xe thồ và mạ cũng đã soạn sẵn quang gánh ngoài sân. Tôi rửa mặt qua loa cho tĩnh ngủ, khép cửa rồi đẩy sau xe ba tôi ra đường. Mạ quảy gánh tong tả đi trước. Trong nhà để loe hoe cây đèn dầu. Thằng Núi, thằng Sao với bé Na đang còn say ngủ.

Tin và bài liên quan: 

Về một tiếng kèn phiêu du và ánh ảnh

Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng, người yêu tiếng hát lênh đênh

Banh lỗ - Truyện ngắn Lê Quý Nghi

Lê Quý Nghi, nhà thơ và ngón tay thơ

Một thưở chưa xa hoang đường và đẹp đẽ 

Tôi nhớm khỏi yên xe, hai chân rị xuống đường đất, tay giữ chặt ghi-đông rồi từ từ nhấc chân phải qua sườn xe. Một tay tôi vẫn giữ ghi-đông, một tay choàng ra sau bao đậu… rồi đẩy. Trước mặt tôi là con dốc, tuy dài chưa đầy trăm mét, nhưng cao! Càng lên dốc, trọng lực càng dồn về phía sau, tôi vừa đỡ vừa đẩy ì ạch.  Đến tầm gần hết dốc, bánh xe trước lọt vào một cái rãnh nước nhỏ, tôi cố đẩy thì đầu xe từ từ cất lên rồi lật ngược, bánh trước chổng lên trời, bao đậu ở ba-ga sau sụm xuống đất. Tôi loay hoay một lúc không đỡ lên được đành bất lực nhìn ra hai phía đường tìm người cầu cứu. Đường vắng không một bóng ai!

Nắng hạ - Tranh sơn dầu của họa sĩ Vũ Dương 

Trời xế chiều, tôi ngồi bên vệ đường mà rầu muốn khóc, phải chi mình chú ý tránh cái rãnh thì đâu nên nỗi! Hồi nãy mạ tôi nói còn chờ mua thêm ít đậu nữa rồi chở về sau. Nhóm thằng Thắng, thằng Phúc, thằng Quang... mãi sao không thấy? Hay mạ chúng nó mua không được nhiều nên về trước rồi? Tôi cố đỡ bao đậu, dựng xe thêm lần nữa, vẫn không ăn thua!

Một lúc sau, thấp thoáng đầu dốc có người đi xe đạp xuống. Tôi mừng quýnh chạy ra giữa đường đứng vẫy tay. May quá, có chú công nhân vừa đi làm về. Chú thắng xe:

- Sao vậy?

- Dạ, con bị ngã xe, cái bao đậu nặng quá con đỡ lên không nổi, chú giúp con với!

Chú nhìn tôi từ đầu đến chân:

- Mi cân nặng không bằng bao đậu, sao đỡ?

Nói rồi chú một mình đỡ cả bao đậu lẫn xe lên dùm tôi. Chỉnh lại dây ràng, nhìn qua tôi lần nữa, chú đẩy luôn một mạch lên tận đầu dốc. Tôi thở phào, cảm ơn chú rối rít rồi trèo lên xe, đạp tiếp về nhà.

Đó là lúc tôi đang học lớp năm, mười hai tuổi nhưng tướng oắt oeo như mới lên mười. Gia đình tôi di cư từ Quảng Trị vào làm kinh tế mới ở nông trường Xà Bang. Mạ tôi thường vô tuốt trong xã Quảng Thành, cách nhà năm sáu cây số thu mua bắp đậu, mà chủ yếu là đậu, rồi lên bán lại trên Long Khánh kiếm lời. Tôi đi học buổi sáng, buổi chiều đạp xe qua Quảng Thành phụ mạ chở đậu về. Cũng giống như tôi còn có mấy thằng học chung như thằng Thắng, thằng Phúc, thằng Quang... Lúc đi, chúng tôi thường hẹn nhau đi cùng. Lúc về thằng trước thằng sau, tùy thuộc vào mạ đứa nào mua được nhiều hay ít. Có khi qua đến Quảng Thành rồi chúng tôi đạp xe về không.

Tranh họa sĩ Vũ Dương 

Đường từ nhà tôi qua Quảng Thành là đường đất ủi, đất đỏ bazan. Hai bên đường trồng rặt cao su. Hồi đó, chỉ ra ngoài quốc lộ mới có đường nhựa, mà cũng làm từ thời Pháp. Qua chiến tranh, bom đạn cày xới nên đầy những “ổ voi”, “ổ gà”. Vào mùa mưa, chỗ đất mới ủi đường nhão nhoẹt, những nơi đất dậm thì trơn như bôi mỡ. Chúng tôi thường xuyên dừng xe, bẻ nhánh cao su xoi bớt đất dính đặc vào bánh rồi mới đi tiếp được. Hoặc khi đến đoạn đường trơn chỉ có nước đẩy bộ, băng xuống luồng cao su có lớp lá mục vừa ít dính, vừa không trơn.

Mùa khô, đường đầy bụi đỏ nhưng tôi vẫn thích hơn, vì đỡ vất vả. Lúc này, nông dân chỉ còn bắp đậu trữ lại để bán dần nên chúng tôi đi cũng thưa chuyến. Vào quãng gần cuối năm, cao su bắt đầu rụng lá, chúng tôi đạp xe dưới hai tàng cao su chụm sát mát rượi. Thoảng vài ngọn gió, lá vàng bay chấp chới loạn xạ, trông thật vui mắt.

Đi mua là thế, đi bán còn gian nan hơn!

Thường sau bữa cơm tối, tôi lao vào học bài. Hồi đó bài vở về nhà ít, không như bây giờ, nên tôi chỉ học một loáng là xong. Vả lại, đám bạn đang hò hét la toáng ngoài đường, có học nữa cũng không vô! Tôi bỏ mặc sách vở, chạy ùa ra nhập bọn với đám bạn.

Những đêm sáng trăng, chúng tôi chơi đủ trò, từ những trò chơi dân gian cho đến những trò "phá làng phá xóm". Trong khi đó, ba tôi phụ mạ tôi sàng đậu, phân loại rồi đóng vào từng bao cát nhỏ (một loại bao được dệt bằng sợi gai). Làm như vậy để dễ bề vận chuyển và tẩu tán khi gặp quản lý thị trường, nếu không là mất sạch! Thời mà hàng hóa nông sản từ địa phương này chuyển qua địa phương khác là hàng cấm, hàng lậu. Mấy lần vác bao đậu trốn vào rừng cao su tôi muốn quỵ, vì tôi chưa đầy ba mươi cân mà mỗi bao đậu "may miệng" những mười ba cân! Tôi nói với mạ nên những lần sau, mạ chỉ đóng "bao túm". "Bao túm" là miệng bao buộc túm lại, tầm mười cân, vừa với sức tôi.

Tôi chơi với đám bạn đến khoảng tám chín giờ thì về, leo lên sập rồi lăn ra ngủ. Ba, mạ tôi vẫn còn chong đèn xếp đặt cho chuyến ngày mai.

Hơn ba giờ sáng, ba tôi lay tôi dậy sau khi đã chất mấy bao đậu lên cái xe thồ và mạ cũng đã soạn sẵn quang gánh ngoài sân. Tôi rửa mặt qua loa cho tĩnh ngủ, khép cửa rồi đẩy sau xe ba tôi ra đường. Mạ quảy gánh tong tả đi trước. Trong nhà để loe hoe cây đèn dầu. Thằng Núi, thằng Sao với bé Na đang còn say ngủ.

Ca dao - Tranh họa sĩ Vũ Dương

Đường nội bộ trong nông trường đêm sao sáng nhờ nhờ dễ đi mà không sợ quản lý thị trường. Muốn ra quốc lộ phải băng qua cánh rừng cao su già. Mặc dù có đường lớn từ trong nông trường ra quốc lộ nhưng không dám đi, bởi quản lý thị trường hay núp ở đó! Ra tới quốc lộ là kể như qua địa phương khác, bị tịch thu như chơi. Vậy nên, thường ba tôi len lõi đi tắt dưới tàng cao su, tôi đẩy sùi sụp phía sau. Trời tối, cứ nhắm vệt sáng mờ giữa hai tàng lá mà đi.

Ra tới bìa rừng, đường quốc lộ trước mặt. Ba, mạ với tôi loay hoay khiêng từng bao đậu bỏ quanh mấy gốc cao su. Xong ba tôi đạp xe về vì thằng Núi, thằng Sao với bé Na đang ngủ ở nhà. Sáng, ba còn phải đi làm công nhân cho nông trường.

Mạ tôi quảy gánh ra đường đứng đón xe, tôi ngồi trong rừng cao su canh mấy bao đậu. Xa, từ phía Bà Rịa lên có ánh đèn pha ô tô, tôi hồi hộp chờ...! Xe đến, chạy rà rà rồi dừng, tắt đèn pha. Tiếng mạ tôi kêu với vào:

- Tèo ơi, nhanh!

Vậy là mạ tôi chạy ngược vô rừng, cùng tôi vác từng bao đậu ra xe. Ngó trước ngó sau không động tĩnh gì, chú lơ xe đập mạnh vào thùng xe, xe bật đèn chạy tiếp…

Hoa sen và thiếu nữ - Tranh họa sĩ Vũ Dương 

Xe chạy bằng than. Trong thùng xe, ngoài hai dãy ghế được bắt sát vào hai bên thành xe còn có một băng ghế dài đặt dọc ở giữa để tăng thêm chỗ ngồi. Sau đuôi xe phía bên trái là cái thùng than hình trụ cao tầm hai thước, đường kính khoảng năm tấc được gắn chặt vào xe và quây lại bằng song sắt để tránh người chạm vào. Nhiều hôm bắp đậu và cả trái cây chất đầy sàn xe, chỗ ngồi chật cứng, mạ tôi với tôi phải đứng sau ba-ga sát thùng than. Gần sáng, trời lạnh mà người cứ tươm tướp mồ hôi! Xe ì ạch chạy, được vài cây số chú lơ xe lại xoi than cho đượm. Bụi than bay tung tóe, than đỏ rớt đầy đường. Lên tới Long Khánh mặt mày ai cũng đen nhẻm!

Từ nông trường lên Long Khánh khoảng hơn hai mươi cây số mà có tới mấy trạm kiểm soát: trạm Cẩm Mỹ, trạm Cẩm Đường, rồi Ông Quế, Hàng Gòn... Thường mỗi lần qua trạm, nhà xe chi tiền cho kiểm soát sau đó tính lại với người đi buôn. Sợ nhứt là gặp những trạm đột xuất, quản lý thị trường ba bốn người núp trong lùm hay rừng cao su, canh xe đến rồi bất ngờ ào ra, chặn lại. Cả xe láo nháo! Mạ tôi với tôi lôi vội từng bao đậu, vác chạy ào trong tối, quăng vào những lùm cây… Quản lý thị trường soát xe, những gì còn lại chưa tẩu tán được đều bị tịch thu. Lại dừng xe lâu hơn, chờ cho họ đi hết, mạ với tôi quờ quạng lần dò tìm mấy bao đậu vác lại ra xe, đi tiếp…

Chân dung thi sĩ của Huỳnh Lê Nhật Tấn (bìa trái). Lê Quý Nghi và nhạc sĩ Ngọc Phước (bìa phải)

Lên đến Tân Phong, thuộc địa phận Long Khánh rồi nên không còn sợ bắt bớ gì nữa. Xe dừng ngoài quốc lộ, từ đây vào chợ khoảng vài trăm mét. Tôi tải đậu xuống lề đường, mạ tôi soạn quang gánh, xếp đậu vào hai đầu, chừa lại một hoặc hai bao tôi vác, cho vừa sức.

Mua bán xong, trời cũng tờ mờ sáng. Mạ tôi quảy gánh dắt tôi qua góc chợ, nơi có hàng quán bán bún nước lèo. Lần nào cũng vậy, mạ chỉ kêu một tô cho tôi. Tôi đang tuổi ăn, chỉ một loáng là hết. Lúc này mạ mới kêu thêm hai đồng bún không, bỏ vào tô nước lèo mà tôi đã ăn còn xâm xấp, rồi mạ mới ăn.

Mạ tôi lại quảy quang gánh, tôi lẽo đẽo theo sau ra chỗ bến xe về lại nông trường. Chuyến về, xe chạy nhanh hơn nhưng cũng gần bảy giờ mới tới. Vào đến nhà, tôi vội gom sách vở, lấy cọng dây thun ràng sau xe, đạp vội đến trường.

-------

(*)Chú thích ảnh chính: Bên ô cửa - Tranh sơn dầu của họa sĩ Vũ Dương. 

Lê Quý Nghi