ĐỜI SỐNG

Diễn biến dịch cúm mùa và những thông tin bảo vệ sức khỏe cần thiết

Lan Hương • 02-11-2022 • Lượt xem: 344
Diễn biến dịch cúm mùa và những thông tin bảo vệ sức khỏe cần thiết

Thời điểm giao mùa luôn tạo môi trường thuận lợi cho virus cúm hoạt động mạnh mẽ. Đặc biệt mùa đông sắp đến, bệnh càng có xu hướng tiến triển và diễn biến nặng nếu không có các biện pháp phòng chống và bảo vệ sức khỏe kịp thời.

Các chuyên gia y tế cho biết, thời điểm hàng năm từ tháng 10 đến tháng 12 là thời gian cúm mùa gia tăng do sự thay đổi của thời tiết. Hơn nữa sau đợt dịch Covid-19 là giai đoạn mở cửa, các hoạt động và sinh hoạt cộng đồng trở lại bình thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến dịch cúm bùng phát và có nguy cơ lây lan đột biến.

Thực trạng các ca mắc tăng cao

Những ngày gần đây, cúm mùa đang có dấu hiệu tăng mạnh trong cộng đồng. Số lượng ca nhập viện tại các cơ sở y tế do mắc bệnh về hô hấp, đặc biệt là cúm gia tăng bất thường, gặp nhiều ở trẻ em và có những ca diễn biến nặng.

Tại Hà Nội nếu như năm ngoái thời điểm cao điểm của dịch cúm A vào khoảng tháng 9 tháng 10 thì năm nay đã xuất hiện rất sớm, vào khoảng tầm tháng 7 đã phát hiện những ca mắc cúm, nhiều bệnh nhân trở nặng trong đó có cả trẻ em lẫn người lớn đều phải nhập viện điều trị.

Hay mới đây lại xuất hiện ổ dịch cúm B tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), khiến cho hơn 700 trẻ em nghỉ học do sốt cao. Trong đó, 109 trường hợp phải đến cơ sở y tế điều trị.

Theo Bộ Y tế, nước ta hằng năm có đến 800.000 người mắc cúm. Và đây là một trong những bệnh đường hô hấp có thể lây lan thành dịch. Các trường hợp mắc cúm phần lớn là các chủng không có động lực cao. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng các bệnh nhân nhập viện lại có chiều hướng gia tăng với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, tổn thương thần kinh trung ương. Trong đó có những bệnh nhân phải thở máy hoặc điều trị trong phòng hồi sức tích cực.

Các chủng cúm mùa phổ biến

Theo các chuyên gia y tế nhận định, cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm cấp tính được phân loại thành các chủng virus cúm A, cúm B và cúm C. Trong đó cúm A, B là hai chủng có nguy cơ lây lan nhanh và gây ra các đợt bùng phát hơn cả.

Triệu chứng của bệnh cúm mùa có biểu hiện tương tự và khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, đau cơ, sổ mũi, ho, đau họng, mệt mỏi… Với thời tiết đang giao mùa như hiện tại, cũng chính là nguyên nhân thuận lợi khiến cho cúm B phát triển mạnh và dễ dàng gây bệnh ở đối tượng trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Do đó khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám thay vì tự ý mua bộ xét nghiệm cúm hay sử dụng thuốc cảm cúm để điều trị.

+ Việc tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ sẽ tăng nguy cơ kháng thuốc, dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn cũng như gây tổn thất về kinh tế.

+ Việc tự xét nghiệm có thể dẫn đến kết quả sai lệch, kéo theo xử trí bệnh không chính xác. Tốt nhất nên đến cơ sở y tế để những người có chuyên môn thực hiện và tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định có nên xét nghiệm hay không.

Cúm B lây từ người qua người thông qua giọt bắn có chứa virus trong không khí, nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, khạc nhổ, hắt hơi… Khi trẻ chạm vào các bề mặt có chứa dịch tiết hay giọt bắn bị nhiễm bệnh rồi đưa vào miệng, mũi hoặc mắt dẫn đến nguy cơ mắc bệnh rất cao.

 

Bệnh thường diễn tiến nhẹ và có thể hồi phục trong khoảng thời gian 2 – 7 ngày. Tuy nhiên với trẻ em, người cao tuổi, người có thể trạng thiếu máu, suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mãn tính về tim, phổi, gan, thận có thể diễn biến nặng hơn, gây biến chứng nguy hiểm thậm chí là tử vong.

Chủ động phòng ngừa cúm mùa  

Các chuyên gia cho biết, sở dĩ các ca mắc cúm tăng cao bất thường trong thời gian qua là do thời điểm giao mùa, nhiệt độ không ổn định tạo điều kiện cho virus phát triển. Thêm nữa, bệnh lây qua giọt bắn, dịch tiết mũi họng, dễ lây qua tiếp xúc ở nơi đông người. Đặc biệt ở môi trường học đường thì nguy cơ nhiễm bệnh càng lớn.

Để chủ động phòng ngừa cúm lây lan trong cộng đồng, mỗi người cần chủ động nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như sau:

+ Cần tiêm vacxin phòng cúm A, B cho mọi người dân, đặc biệt là trẻ em theo lịch trình hàng năm. Vacxin có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm tiến triển nặng khi mắc cúm.

+ Luôn giữ khoảng cách tối thiểu là 1m với những người đang có các triệu chứng cúm. Tốt nhất nên hạn chế tiếp xúc với các trường hợp nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

+ Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, vệ sinh mũi họng mỗi ngày bằng nước muối.

+ Che miệng khi ho, hắt hơi, giữ ấm cơ thể và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.

+ Khi thấy trẻ có các biểu hiện cúm mùa, nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây sang cho các trẻ khác.

+ Người có dấu hiệu sốt hay các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp được khuyên ở nhà để phòng tránh trường hợp nhiễm cúm rất dễ lây sang người khác ở giai đoạn đầu của bệnh.

+ Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nâng cao đề kháng cho cơ thể.

+ Tuyệt đối không tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt gia cầm bệnh, chết để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.