VĂN HÓA

'Dư âm' nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: 'Hẹn em từ muôn kiếp trước...'

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 27-12-2019 • Lượt xem: 7368
'Dư âm' nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: 'Hẹn em từ muôn kiếp trước...'

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (sinh năm 1925) vừa qua đời chiều 26/12 tại nhà riêng trên đường Trần Khắc Chân, Q.1 (TP.HCM). Thêm một cánh chim đầu đàn nữa của nền âm nhạc Việt Nam bay đi nhưng vẫn để lại nhiều “Dư âm” huyền thoại đẹp cho đời sống văn nghệ…

Tin, bài đọc thêm:

Cao Minh Đức, guitarist có hạng của Việt Nam

Chương trình "Âm nhạc VN, những chặng đường" gặp gỡ cuối năm

Chuyện kể đêm Giáng sinh (Kỳ 1)

Nguyễn Trọng Hiệp, người say hồn xưa

Nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất, tôi đã liên lạc ngay với nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp để hỏi thăm những tư liệu về bài hát “Dư âm” mà anh có, hòng cung cấp thông tin cho bạn đọc Duyên Dáng Việt Nam. Dù bận rất nhiều công việc, nhưng anh Hiệp cũng đã gác lại để cùng DDVN tìm những tư liệu mới trong một bài viết về nhạc sĩ quá cố. Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc những hình ảnh lần đầu công bố.

Hình chiếc dĩa than của hãng dĩa Tân Việt Nam ở Sài Gòn lần đầu tiên thu bài hát “Dư âm” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Trình bày bản này do hai ca sĩ là Diệu Minh và Mạnh Phát. Hòa âm nhạc là Võ Đức Thu.

Đặc biệt hơn, hai mặt dĩa chỉ vỏn vẹn hai bài hát. Mặt kia của dĩa thu bài “Nụ cười sơn cước” của nhạc sĩ Tô Hải. Trên dĩa còn có dòng chữ “made in France”. Dĩa nhạc này muốn nghe phải quay bằng tay. Thời gian phát hành chúng tôi ước chừng khoảng đầu thập niên 1960.

Bài hát "Dư âm" đã gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Hình chiếc dĩa than của hãng dĩa Tân Việt Nam ở Sài Gòn lần đầu tiên thu bài hát “Dư âm” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Trình bày bản này do hai ca sĩ là Diệu Minh và Mạnh Phát. Hòa âm nhạc là Võ Đức Thu. (Hình ảnh lần đầu được công bố trên Duyên Dáng Việt Nam, ảnh thuộc tư liệu của nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp)

*   

Chỉ với một ca khúc “Dư âm” nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi thẳng vào cõi bất tử như là một nhạc sĩ có dấu ấn sâu đậm khi nhắc đến, nói về nền Tân nhạc Việt.

Tuy nhiên, nhìn lại hành trình nghệ thuật ấy có nhiều thứ khiến kẻ hậu sinh như  tôi vẫn thấy nao lòng đó là thân phận người nghệ sĩ, lao đao long đong một kiếp.

Ông đã trải dài nhiều năm đau ốm cho đến khi mất vào tuổi 94. Cho đến khi nằm một chỗ ông vẫn khao khát tình bạn và tình đời. Những hơi ấm nghệ thuật mà người nghệ sĩ đi tìm trọn đời lại không mấy ai được mãn nguyện lúc về chiều. Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý điều đó càng thao thức trong trái tim những tri âm từng yêu tình khúc tuyệt hảo “Dư âm” của ông.  

Chân dunng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc)

Còn nhớ một lần cùng nhiều người bạn đến chơi, thăm ông trong căn nhà nhỏ, khá bề bộn trên đường Trần Khắc Chân, gần chợ Tân Định, tôi nghe ông thở dài: “Có thấy ca sĩ nào ghé đến thăm tôi đâu?”. Mà thật lạ, ca khúc “Dư âm” của ông khá là đặc biệt. Hình như ai cũng từng yêu thì đã hát một đôi lần trong đời. Như tôi chẳng hạn. “Hôm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ / Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ / Mái tóc nhẹ rung trăng vờn làn gió / Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời / Anh yêu tiếng hát êm như lời nguyền đẹp bao ước mơ / Anh như lầu vắng em như ánh trăng reo muôn ý thơ / Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến... / Tim anh băng giá đang nhại ngùng câu năm tháng mong chờ…”  

Vì cái tình đầu thơ dại mà Thế Lữ từng viết ra, chỉ ra đó “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên”.     

*

Theo tài liệu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 tại Vinh, Nghệ An, quê gốc ở Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông thông thạo bát âm của miền quê Vĩnh Phú, thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào. Lúc nhỏ, nhạc sĩ học ở Trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của Tino Rossi đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca. Ở đây, ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hòa thanh, hát bè. Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawaii.

Từ năm 1944, ông đi hát trong phòng trà ở Vinh kiếm sống. Năm 1945, Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Theo lời của Nguyễn Văn Tý, ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, nhưng ông coi tác phẩm đầu tay của mình là bài “Ai xây chiến lũy” được viết 1949.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tuổi "về chiều" (ảnh tư liệu)

Một số tài liệu âm nhạc ghi lại lời kể của ông lúc sinh thời về ca khúc “Dư Âm”. Đó là vào cuối năm 1950, khi về chơi ngang nhà người bạn ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An:

“Đây là một hình ảnh hoàn toàn có thực. Người con gái mà tôi yêu đó, ít hơn tôi gần 10 tuổi. Cho nên lúc đó gia đình cô không cho phép tiến tới hôn nhân. Người con gái đó đã phản ứng khi lần cuối cùng gặp nhau là nàng đợi đêm đến lúc trăng lên, mới ra sau nhà gội đầu, rồi ôm đàn ra hát. Đó là một cơn điên trong người nàng, như một phản ứng quyết liệt chống lại gia đình phong kiến. Và gửi cho tôi một lời thông điệp. Cho nên tôi ghi nhận hình ảnh đó một cách trọn vẹn. Đó cũng là hình ảnh tôi đã ấp ủ bấy nhiêu năm, và tôi vẫn coi đó như một nguồn cảm hứng để viết lên những lời ca trong bài Dư Âm.”

Tối hôm ấy ra về, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mang nặng trong lòng sự tan vỡ. Về đến đơn vị, khi mọi người đã ngủ, ông thắp ngọn đèn dầu, ngồi trong tấm cót cuộn tròn, viết Dư âm, một mạch, không sửa chữ nào. Sau này nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể lại trong hồi ký “Trái tim tôi lúc đó tan nát lắm rồi. Không thế sao lại hạ bút viết câu Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ”. Bài hát sau đó được phổ biến khắp nơi và trở thành nhạc trong bộ phim “Kiếp hoa” ở vùng tạm chiếm Hà Nội.

Về phim "Kiếp hoa" có tư liệu cho biết như sau: Đây là phim truyện đầu tiên quay tại Việt Nam năm 1953, được mệnh danh là niềm tự hào của nhà làm phim Việt. Vợ chồng ông bầu Trần Viết Long - Kim Chung mời những nhà làm phim ở Hong Kong về Việt Nam để thực hiện bộ phim Kiếp hoa do chính ông viết kịch bản, lấy bút danh là Trần Lang.

Vai nữ chính do vợ ông, nữ nghệ sĩ Kim Chung và em dâu là Kim Xuân, hai ngôi sao cải lương thời kỳ đó đảm nhận.

Những ai từng được xem Kiếp hoa lúc đó (hoặc sau này) trên các phương tiện truyền thông xã hội) rất thích thú với phần song ca của hai nghệ sĩ Kim Xuân và Kim Chung ca khúc “Dư Âm”.

*

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn nổi tiếng với rất nhiều ca khúc khác. Nhưng chỉ cần với một nhạc bản tuyệt tác “Dư âm” cũng đã thấy ông rất xứng đáng để đi vào cõi bất tử.

Chiếc dĩa than bài "Dư Âm" và bài "Nụ Cười Sơn Cước", lần đầu tiên được công bố trên Duyên Dáng Việt Nam, ảnh thuộc sưu tập của Nguyễn Trọng Hiệp