VĂN HÓA

Gặp lại hai nhà văn Mạc Can và Nguyễn Đông Thức qua 'Ma gánh hát v/s Ma bịnh viện'

Minh & My • 18-04-2023 • Lượt xem: 3288
Gặp lại hai nhà văn Mạc Can và Nguyễn Đông Thức qua 'Ma gánh hát v/s Ma bịnh viện'

Tập truyện được chia làm 2 phần: Ma gánh hát (Mạc Can) và Ma bịnh viện (Nguyễn Đông Thức) với những chia sẻ, quan điểm riêng của hai tác giả.

Tin bài khác: 

Niềm riêng ai tỏ - Đưa triết học vào ứng dụng thực tế

Vị ngọt hậu của những câu chuyện sau mặt báo của tác giả Hữu Thiện

Nếu Mạc Can cho rằng “Một người còn sống, dù già hay trẻ, cũng có một hay nhiều con ma thân yêu hay là ganh ghét vô hình bên cạnh. Nếu hiểu được vậy thì cuộc hội ngộ nầy sẽ vui vẻ, người ta không còn sợ ma quỷ nữa. Đôi lúc ma còn sợ người và người làm cho ma sợ”, thì Nguyễn Đông Thức lại không tin là có ma trên đời này. “Gì thì gì, tôi vẫn không hề tin chuyện có ma. Thần hồn nát thần tính, chỉ vậy thôi! Ai tin có ma thì sẽ thấy, bởi nó là cái chỉ trong tâm tưởng mình…”, cho tới khi ông cũng cảm nhận được sự hiện diện của “ma” khi đang say ngủ.

Nghệ sĩ – nhà văn Mạc Can đã khiến không ít khán giả bất ngờ khi phát hành tác phẩm này cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức, cơ duyên bắt đầu từ lời thách đố của nhà văn Nguyễn Đông Thức với nhà văn Mạc Can để động viên ông tiếp tục sự nghiệp cầm bút. Nhân vật con ma trong “Ma gánh hát” khá lạ, ông là một nghệ sĩ sân khấu có tài có tật, cô độc vì tự ám ảnh về hình dạng xấu xí như ma của mình. Ai cũng nghĩ ông là người cõi âm, còn mấy người “khuất mặt khuất mày” lại cứ tìm tới ông để bầu bạn. “Ma bị hiểu lầm, ngộ nhận, nó không xấu xí tiều tụy như người ta tưởng. Trong vài trường hợp nó rất vui tính, hình thể dễ nhìn”. Câu chuyện về “Ma gánh hát” này là hoàn toàn có thật, từ đầu đến đuôi vì tác giả là người trong cuộc, có sao nói vậy.

Hình ảnh tạm gọi là ma bằng chữ trong cuốn sách này được Mạc Can viết suốt ngày đêm trong một tháng trời, cho dù thời gian gần đây sức khỏe ông đã khá yếu. Thế là, dù ở trong phòng trọ chật chội, thiếu thốn đủ thứ nhưng tác giả Tấm ván phóng dao vẫn cần mẫn ngồi viết Ma gánh hát, còn nhà văn Nguyễn Đông Thức cật lực viết Ma bịnh viện xem ai về đích sớm.

Còn với nhà văn Nguyễn Đông Thức, ông cho rằng nơi nhiều ma nhất là nghĩa trang, ở đó bầu không khí luôn đìu hiu, u ám, “thỉnh thoảng có mấy cặp trai gái bí chỗ hẹn hò tò tí quá nên đưa nhau vào đó. Lâu lâu lại thấy họ hớt hãi chạy ra, mặt mày tái xanh, hỏi gì cũng không nói, chỉ biết là không bao giờ thấy quay lại nữa”. Thứ hai là các nhà tù trại giam tù trọng án, khổ sai, chung thân, bởi ở đó chỉ có vô chứ không có ra, một số tử tù cũng bị thi hành án trong khuôn viên trại. “Có một con ma đặc biệt ở khám Chí Hòa – Sài Gòn hồi đầu thập niên 1960, nổi tiếng đến nỗi tận bây giờ nhiều người miền Nam vẫn còn nhớ, cũng được nhắc tới trong chuyện này.” Thứ ba chính là các nhà thương, là nơi có nhiều người chết. Đặc biệt là Nhà Vĩnh Biệt hay còn gọi nôm na là nhà xác, chắc không ai dám hay muốn lui tới, trừ thân nhân. Câu chuyện ma mà tác giả viết trong tác phẩm cũng bắt đầu từ đây, tuy là “hài hài nhảm nhảm, đọc cho vui” nhưng có lẽ bạn đọc sẽ ngẫm nghĩ và rút ra được nhiều điều.

Nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can đã xuất bản một số tác phẩm như:

- Tấm ván phóng dao

- Vừa đi vừa nhìn vừa suy nghĩ

- Món nợ kịch trường

- Tờ 100 đôla âm phủ

Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã xuất bản những tác phẩm:

- Ngọc trong đá

- Ngôi sao cô đơn

- Vĩnh biệt mùa hè

- Vĩnh biệt Facebook