ĐỜI SỐNG

Gen Z có đang đòi hỏi quá cao trong công việc?

Thúy Vy • 10-12-2022 • Lượt xem: 803
Gen Z có đang đòi hỏi quá cao trong công việc?

Năm 2022, lớp trẻ đầu tiên sinh sau năm 2000 đã tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm và nhanh chóng tạo được những ảnh hưởng khiến xã hội biết đến sự hiện diện của họ. Khi xã hội ngày càng phát triển cùng với những thay đổi và giao thoa giữa các nền văn hóa, nhiều người cho rằng Gen Z là thế hệ “ảo tưởng” và luôn đòi hỏi quá nhiều trong công việc. 

Khi ranh giới giữa chuẩn mực truyền thống và phong cách hiện đại trở nên mong manh, nhà tuyển dụng và Gen Z dễ nảy sinh những hiểu lầm khó hóa giải.

Gen Z có quá nhiều sự lựa chọn nhưng “cả thèm chóng chán”

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, cơ hội nghề nghiệp đang mở ra theo cấp số nhân so với trước đây. Nếu như khi mới bắt đầu có Internet quay số qua điện thoại công cộng, số người sử dụng Internet chỉ đạt 205.000 người thì 10 năm sau con số này đã lên tới 17 triệu người. Tuy nhiên, nếu so với con số hơn 31 triệu người dùng internet năm 2012 với hơn 50 triệu người năm 2017, có thể thấy sự phát triển nhanh chóng của internet tại Việt Nam. 

Có vô số ngành nghề mới ra đời, nhiều lĩnh vực mới bắt đầu xuất hiện và mang nhiều vai trò khác nhau được tạo ra để đáp ứng nhu cầu rộng lớn của xã hội. Bên cạnh lợi ích của các phương tiện thông tin đại chúng, một người có ý thức ham học, ham hiểu biết có thể chủ động cập nhật các kiến ​​thức khác nhau, trở thành người đa tài, thông thạo nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Thế hệ Z đương nhiên có vô vàn cơ hội, họ có mọi lý do để tin rằng khi rời bỏ một công việc, sẽ có vô số công việc khác chờ đợi họ.

Không quá khó hiểu khi thế hệ Z luôn đặt tiêu chuẩn cao cho môi trường làm việc khi họ có tư tưởng "sống cho chính mình". Thế nhưng nhược điểm lớn nhất của Gen Z là “cả thèm chóng chán”, cái tôi cao trong khi chưa có nhiều trải nghiệm thực tế. Điều này dẫn đến văn hóa “muốn nghỉ là nghỉ”, “làm không phải vì tiền mà ít tiền chưa chắc đã làm” khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu khi làm việc với họ.

Gen Z cũng là một thế hệ vô cùng nhạy cảm. Vì sống trong xã hội mà ý kiến ​​cá nhân ngày càng được coi trọng và họ dần thoải mái bộc lộ cảm xúc cá nhân trên mạng xã hội nên những người này rất dễ bị tổn thương. Những lời trách móc từ cấp trên, sự khó chịu trong mắt đồng nghiệp, áp lực công việc quá nhiều ảnh hưởng đến việc đi lại hay đơn giản là “tâm trạng không tốt”… 

Gen Z nếu không tìm được môi trường phù hợp như mong muốn, họ sẽ không giữ được động lực và cảm hứng phấn đấu để thăng tiến bản thân hoặc ở lại lâu dài. Nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn về thái độ cho nghỉ việc thiếu văn minh của một bộ phận không nhỏ người lao động trong độ tuổi này. Khi đến họ chào hỏi ầm ĩ, nhưng khi ra về họ “lặn mất tăm”. Những hành vi như vậy hầu như không còn khiến họ có “cửa” để quay trở lại làm việc với môi trường đó, người quản lý đó. 

Bỏ dở công việc giữa chừng rồi đột ngột biến mất, cắt đứt liên lạc, rũ bỏ trách nhiệm là biểu hiện của sự trốn tránh, thiếu sự tử tế không dễ chấp nhận. Một người rời bỏ công việc có thể không đáng nói, nhưng khi rất nhiều trường hợp rời bỏ công việc với cùng một thái độ, làm cho người ta tự hỏi về văn hóa “nghỉ việc trong im lặng” của đa số các bạn thế hệ Z bây giờ.

Tất nhiên, khi xem xét nguyên nhân thì có thể đến từ nhiều khía cạnh như sự kết nối yếu kém của nhiều bộ phận khiến Gen Z khó xử lý công việc, áp lực quá lớn về khối lượng công việc phải đảm nhận hoặc khó thích nghi với môi trường làm việc hay văn hóa doanh nghiệp… Đồng thời, sự khác biệt về thế hệ cũng là một vấn đề cần tính đến.

Sự khác biệt thế hệ là hệ quả tất yếu của sự thay đổi. Cùng một độ tuổi nhưng ở những bối cảnh xã hội khác nhau tạo ra những khác biệt về cơ hội, tầm nhìn khả năng và quan điểm. Nhìn từ góc độ khách quan nhất, chúng ta phải thừa nhận rằng đôi khi nhịp sống hiện đại cũng là một nguyên nhân khiến giới trẻ có những lựa chọn khác với các thế hệ đi trước.

Gen Z có kỳ vọng cao khi họ bắt đầu làm việc

Theo khảo sát gần đây của một nền tảng về tìm kiếm việc làm, mức lương trung bình Gen Z mong muốn cho công việc chính thức đầu tiên ngay sau khi tốt nghiệp là 8,4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, có đến 88% sinh viên khá giỏi đặt mục tiêu trở thành người quản lý trong vòng 2 năm. 

Nền kinh tế cải thiện, lương hưu tăng lên và nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói đã giảm đi đáng kể. Nhiều cha mẹ không đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái trong việc tìm kiếm việc làm. Cha mẹ ở các thành phố lớn thấy rằng nếu con cái họ làm việc cực khổ hoặc chịu ấm ức, chúng luôn ngay lập tức có thể về nhà. 

Ngoài ra, Gen Z cũng luôn muốn có thể mở rộng các mối quan hệ, trải nghiệm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống đa dạng, thú vị. Tuy nhiên, theo khảo sát, rất nhiều Gen Z học xong đi làm trong 1 - 2 năm trở lại đây có dấu hiệu “vỡ mộng” khi sự kỳ vọng của họ khác xa rất nhiều so với thực tế cuộc sống và năng lực bản thân.

Việc đòi hỏi là hoàn toàn chính đáng

Được hưởng quyền lợi tốt, nơi làm việc thân thiện, sếp biết bảo vệ và nhìn nhận nhân viên là những điều bình thường và chính đáng với bất kỳ ai chứ không riêng gì Gen Z khi đi làm.

Câu chuyện thế hệ cũ than thở “năng lực thấp mà lười chịu khổ, đòi lương cao” là câu chuyện mà cả 8X, 9X cũng gặp phải chứ không phải chỉ đến khi thế hệ Z xuất hiện. Những bạn trẻ hiện đại ngày nay có điều kiện sống tốt, có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn, không còn mang nặng tư tưởng cống hiến, chăm chỉ. Việc này khác với các lớp anh chị trước đây, khi mà mục tiêu đôi khi chỉ dừng lại ở việc có một công việc. Nhưng thế hệ Z có sợ khổ hay không còn phụ thuộc vào giá trị của công việc mang lại cho họ.

Ngoài ra, có nhiều Gen Z rất năng động, vừa ra trường đã sớm có thu nhập kha khá, cũng có những người chưa va vấp nhưng đòi hỏi cao trong khi khả năng hạn chế, khiến cơ hội của họ bị thu hẹp. Và trên hết, không nên đánh đồng cả một thế hệ. Bởi trên thực tế vẫn cho thấy đây là một thế hệ thực sự tài năng, sáng tạo, năng động và nhạy bén. Họ là những người trẻ với tư duy của một thế hệ tương lai hội nhập trong và ngoài nước. Họ có những suy nghĩ, cá tính, định hướng riêng mình và không ngại tìm mọi cách để thực hiện những điều đó. 

Thế hệ sau ngày càng can đảm, đa năng, dám nghĩ dám làm và độ tuổi thành công cũng ngày càng trẻ hơn. Vì vậy, thế hệ Z không nên bị đánh đồng với văn hóa nghỉ việc không văn minh. Điều quan trọng là chúng ta luôn nhìn nhận sự việc, hiểu được một phần nguyên nhân của cả hai phía và khắc phục nó. Do đó, thực chất Gen Z không đòi hỏi quá cao. Vì thế hệ Z có lợi thế là tuổi trẻ, học hỏi nhanh và dễ dàng thích nghi. Họ không đợi đến khi đi làm mới học, mà họ đã chuẩn bị rất nhiều kỹ năng trước khi bước vào thị trường lao động. Điều này cũng nâng mức độ cạnh tranh và áp lực lên một tầm cao mới. 

Do đó, nếu muốn đạt được lợi ích đôi bên cùng có lợi, các nhân viên trẻ cũng nên thể hiện sự tôn trọng công ty trong suốt quá trình làm việc cho đến khi họ thực sự muốn ra đi.