Duyên Dáng Việt Nam

Học cách điều tiết cảm xúc để tồn tại vững vàng trong dịch bệnh

Châu Anh • 12-04-2020 • Lượt xem: 467
Học cách điều tiết cảm xúc để tồn tại vững vàng trong dịch bệnh

Emotional intelligence hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc, được biết đến là chỉ số cảm xúc (emotional intelligence quotient - EQ) của mỗi cá nhân. Nếu bạn sở hữu một "tâm trí lạnh", nghĩa là kiểm soát tốt hành vi cá nhân và cảm xúc của chính mình, hài hòa với mọi người, chắc chắn bạn sẽ tồn tại vững vàng, ngay cả khi đang dịch bệnh.

 

 

 

Ngược lại, với một người tài giỏi đến mấy nhưng không thể hòa hợp với đồng nghiệp và cấp trên, anh ta rất có khả năng sẽ trở thành mục tiêu bị “đào thải” khỏi môi trường đó. EQ thấp cũng là dấu hiệu của người có tính cách vô cảm, vô trách nhiệm, dễ tạo thành ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người xung quanh.

Dưới đây là 4 hành vi mà người có chỉ số cảm xúc thấp hay làm, nếu gặp kiểu người như vậy, hãy lưu ý

Kiểu người hay phàn nàn, than phiền

Khi buồn bực, con người có xu hướng tâm sự bằng cách phàn nàn về tâm trạng không tốt của mình với người khác. Nhưng lặp đi lặp lại việc này sẽ thành thói quen tệ hại và người khác cũng sợ hãi cả bạn.

Kiểu người này luôn cảm  thấy thế giới có lỗi với họ, đám đông đang quay lưng với họ. Điều này cho thấy họ luôn muốn mình là trung tâm, muốn mọi việc theo ý họ. Việc này cho thấy họ yếu kém về kiểm soát năng lực cảm xúc, không tự đối diện và giải quyết vấn đề.

Hãy nhớ rằng cách kém nhất chính là than vãn, kể khổ. Hãy hành động tích cực để thay đổi. Bạn có thể trình bày quan điểm, ý kiến của mình với chính đương sự, hoặc tự tay lên kế hoạch thay đổi, để những người và vật xung quanh không còn đem lại cảm giác khó chịu nữa.

Kiểu người thích 'nhảy' vào miệng người khác

Đây là kiểu người thường xuyên ngắt lời người khác khi họ đang nói. Trong quá trình giao tiếp, họ luôn cảm thấy những lời người khác nói không đúng, cho nên trực tiếp ngắt lời để nhận xét, hoặc “nhảy” vào câu chuyện một cách bất chợt với tâm lý thích thể hiện.

Đại đa số những người có thói quen xấu này đều không nhận ra tác hại của nó. Họ cho rằng bản thân “nhanh mồm nhanh miệng” hoặc lanh lợi thông minh khi giành được sự chú ý của người khác. Thực tế thì người này vô cùng mất lịch sự, thiếu kiềm chế và cũng không chịu lắng nghe. Người khôn ngoan thì họ sẽ làm ngược lại.

Kiểu người vô trách nhiệm chỉ thích đổ lỗi cho người khác

Những người luôn đổ lỗi cho người khác là những người không bao giờ thành công, bởi bạn sẽ không thể biết được mình thất bại ở điểm gì để lần sau còn rút kinh nghiệm.

Một người thường xuyên buộc tội, đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh xung quanh luôn có thói quen bắt đầu câu nói bằng "Tại vì… cho nên mới…". Họ không dám đứng ra đối mặt với sai lầm của mình mà trốn tránh mọi trách nhiệm bằng cách dựng lên một lá chắn bảo vệ. Những người, sự vật xuất hiện xung quanh đều có thể biến thành “lá chắn” này, tùy vào hoàn cảnh cụ thể.

Khi đứng trước sai lầm, một người có EQ cao sẽ chủ động suy xét về những khuyết điểm của bản thân trước tiên, sau đó tìm cách thay đổi bản thân và phát triển lên một tầm cao mới. Còn với người EQ thấp, họ lười thay đổi, lười quản lý chính mình, nên luôn lựa chọn lùi bước khi đứng trước rủi ro.

Kiểu người nóng tính

Có những người kiểm soát cơn giận dữ của mình rất tốt, nhưng cũng có người lại chẳng bao giờ làm được việc đó. Chính những ai luôn tỏ thái độ tức giận, không chịu để tâm đến cảm xúc của người khác là minh chứng điển hình cho trí tuệ cảm xúc khá thấp.

Tác phẩm “Binh pháp Tôn Tử” có viết rằng: “Chủ tướng không thể khởi binh khi đang tức giận và không thể chiến đấu khi lòng bực bội.” Sự nóng nảy hay tâm tính thất thường đều sẽ tác động tới năng lực tư duy, khiến chúng ta đưa ra những phán đoán sai lầm và suy nghĩ chủ quan, ảnh hưởng tới thành bại cuối cùng.

Nếu bạn đúng, bạn không cần phải nổi nóng. Còn nếu bạn sai, bạn không có quyền nổi nóng. Đây mới là người thông minh thực sự, song đa số mọi người đều không làm được. Chẳng phải tự nhiên mà người ta có một câu nói rằng: “Nhịn được cơn tức một lúc, tránh được mối lo trăm ngày”.