Duyên Dáng Việt Nam

'Hội họa thực sự là một cái gì đó rất ê chề'

Họa sĩ Trần Hải Minh • 09-09-2021 • Lượt xem: 1904
'Hội họa thực sự là một cái gì đó rất ê chề'

Họa sĩ trẻ hiện nay dường như bị mất phương hướng, không tạo được phong cách riêng của thế hệ mình. Khát vọng tiền bạc và danh vọng ngay lập tức đã làm lệch lạc suy nghĩ của họ về nghệ thuật... Đa số họ coi nghệ thuật là nơi để tiến thân chứ không phải là chốn dấn thân.

Tin và bài liên quan: 

Họa sĩ Ca Lê Thắng: 'Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới'

Nhà phê bình Nguyễn Quân: Họa sĩ Đinh Phong: Tốc lực nghệ thuật

Trần Đán: Điêu khắc Đào Châu Hải, một bước ngoặc trong nghệ thuật Việt Nam  

Trường hợp Trần Hải Minh: Nghệ thuật như một ý niệm khác biệt!

Nguyễn Quang Thiều: 'Tôi không phải là họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị'

Các hoạ sĩ thế hệ 1 (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân...) và hoạ sĩ thuộc thế hệ 2 (Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái...) họ đã luôn tìm tòi và đã tạo dựng, mở được một hướng đi đúng cho hội hoạ Việt Nam lúc khởi đầu. Tạm không nhắc đến thế hệ họa sĩ vẽ theo đường hướng “phổ cập - phong trào” (đã có tác dụng nhất định lúc chiến tranh), nay không còn phổ biến. Hoạ sĩ trẻ hiện nay dường như bị mất phương hướng, không tạo được phong cách riêng của thế hệ mình. Từ lúc “mở cửa”, họ ồn ào chen ra khẳng định bằng mọi hình thức. Nhưng họ bị lẫn lộn giữa hai khái niệm: Modem (hiện đại) và Mode (mốt - bởi vậy mà thời thượng).


"Hội chợ phù hoa" - Acrylic / 1m8x1m60 / 2021 - Họa sĩ Trần Hải Minh 

Một trong những khuynh hướng khá phổ biến khẳng định phong cách bằng ấn định motiv, một quan niệm dễ dãi trong hội hoạ. Tranh của họ lặp lại và nhàm chán - thiếu cá tính sáng tạo. Nếu so tranh của họ với tranh của các thế hệ ban đầu thì thấy thiếu sự lao động nghiêm túc, thiếu sự dằn vặt, trăn trở, một sự tìm kiếm, thử nghiệm... thiếu cả những nhìn nhận trung thực đối với nghệ thuật hay thậm chí cả những cảm xúc mang tính cá nhân... và họ cũng kém cỏi hơn thế hệ đàn anh cả về học vấn lẫn tri thức văn hóa.

Một motiv có thể nhìn thấy mãi ở một hoạ sĩ (hay thậm chí ở nhiều hoạ sĩ khác). Bình, vại... luôn được lặp lại. Trâu, cá... cũng luôn xuất hiện lại... Hoa sen, tượng phật, mái cong của đình .v.v luôn được tô màu, trau chuốt với cung bậc tình cảm giống nhau. Khát vọng tiền bạc và danh vọng ngay lập tức đã làm lệch lạc suy nghĩ của họ về nghệ thuật... Đa số họ coi nghệ thuật là nơi để tiến thân chứ không phải là chốn dấn thân.


"Lửa thiêng" - Acrylic / 80cmx1m2 / 2021 - Họa sĩ Trần Hải Minh 

Còn một khuynh hướng khác xuất hiện muộn hơn, đó là các hoạ sĩ cũng làm việc nhiều nhưng dường như họ chỉ muốn thử nghiệm lại các phái hoạ, trào lưu mà đồng nghiệp Âu - Mỹ đã đi qua... Và tiếc thay, nhìn tranh họ, ta thấy họ thiếu thời gian và điều kiện làm việc để có thể nghiệm trải và nhận định: Cũ - Mới của cá nhân; Ta và Người Ta.

Đó là hai trong những khuynh hướng tìm kiếm tiêu biểu của thập kỷ đột phá trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam vừa qua. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những hoạ sĩ với bản lĩnh trầm tĩnh và chính kiến riêng, luôn đứng ngoài khuynh hướng “thời thượng” này. Họ tập trung và kiên trì theo đuổi những quan điểm, mục tiêu riêng của họ để vươn tới những giá trị đích thực của nghệ thuật.


"Quyền lực của màu xanh" - Acrylic / 1m60x1m50 / 2021  - Họa sĩ Trần Hải Minh 

Câu nói của hoạ sĩ bậc thầy Antoni Tapies: “Các bạn trẻ trước khi đến với các trường đại học lớn, các bạn hãy tự học cách vẽ những bức tranh từ đáy lòng mình”. Lời khuyên đó của Tapies đối với các hoạ sĩ trẻ luôn có một ý nghĩa đặc biệt. Cũng quan trọng như vậy, đó là suy nghĩ và nhận định của một danh hoạ thế kỷ 20, Henri Matisse khi đã thành đạt, trong bức thư gửi nhà sưu tập nghệ thuật, bà Gertryde Stein: “Tại sao lại có quá nhiều cay đắng như vậy. Nếu như hội hoạ chỉ đến một mình thì dịu dàng biết bao... Hội hoạ thực sự là một cái gì đó rất ê chề...”.


Họa sĩ Trần Hải Minh viết người nghệ sĩ đích thực "luôn đứng ngoài mọi khuynh hướng “thời thượng". Anh đang đứng hay làm việc hàng ngày trong xưởng vẽ.  

Đó là lời khuyên và nhận định về hội hoạ của những bậc thầy. Họ muốn nhắc nhở các thế hệ hoạ sĩ rằng: vẽ là công việc khó khăn. Và bởi vậy, làm một người hoạ sĩ chắc còn khó hơn.

----------

(*)Chú thích ảnh chính: Một góc chụp xưởng làm việc của họa sĩ Trần Hải Minh ở Bình Dương. Anh năm 1962, là một trong những họa sĩ được đào tạo kỹ lưỡng và chính quy (6 năm tại trường ĐHMT Hà Nội, 7 năm tại trường ĐHMT Berlin - Đức). Sau 14 năm du học và làm việc như một họa sĩ chuyên nghiệp, anh trở về Việt Nam mở xưởng vẽ và Gallery.   

Họa sĩ Trần Hải Minh