Duyên Dáng Việt Nam

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Tôi không phải là một họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị'

DDVN • 01-01-2021 • Lượt xem: 2803
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Tôi không phải là một họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị'

Như thông tin trên DDVN, cuộc bày tranh mang tên "Người Thổi Sáo" cũng là tên triển lãm cá nhân lần đầu tiên của nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều sẽ được khai mạc vào lúc 10h sáng, ngày 07 tháng 01 năm 2021 tại Trung tâm Art Space, trường đại học Mỹ Thuật (số 42 - phố Yết Kiêu, Hà Nội). Thật đáng nể về sức làm việc khủng khiếp của thi sĩ khi ông cũng vừa đắc cử Tân Chủ tịch Hội Nhà Văn VN. Chúng tôi giới thiệu một số tác phẩm tranh do chính tác giả gửi về cho DDVN. 

Tin và bài liên quan: 

Toàn tập Nhà văn, Học giả Nguyễn Văn Xuân: 'Một di sản chữ'

Giữa thi pháp Nguyễn Quang Thiều và Thanh Tâm Tuyền

Thi sĩ Trần Vàng Sao: Một người Việt yêu nước mình

Diviners Fest: 'Những bài thơ tiếp giáp giữa Ngôn từ và Vũ trụ' của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Theo ban tổ chức cho biết, "Người Thổi Sáo" sẽ kéo dài đến hết ngày 15 tháng 01 năm 2021. Triển lãm này do nhóm Nhân sỹ Hà Đông đứng ra tổ chức.

"Sự mất ngủ của lửa" cũng là tên tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

 Triển lãm mang tên Người Thổi Sáo gồm hơn 53 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Bức tranh khổ lớn nhất là 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất là 50cm x 70cm. Hầu hết số tranh trong triển lãm này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm gần đây còn lại là những bức khác được mượn lại của những người đã sở hữu chúng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bắt đầu vẽ từ tháng 1/2005. Lý do ông đến với hội họa thật thật đơn giản. Ngày đó một người bạn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là dịch giả, họa sỹ Phạm Long Quận từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà ông. Một buổi trưa ông lấy 1 tuýp màu bóp nhẹ lên toan. Một màu vàng lộng lẫy hiện ra và cuốn ông đi.

Dịch giả, họa sỹ Phạm Long Quận đã thúc giục nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ. Anh ấy quả là một người đặc biệt giống một nhà thôi miên. Và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bị những lời của anh ấy về hội họa cùng với cái màu vàng đầu tiên vẽ lên toan cuốn ông đi không thể nào cưỡng nổi. 

Và chỉ 5 tháng sau ( tháng 05/2005), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được nhà văn Hoàng Minh Tường lôi vào cuộc triển lãm có tên "Nhà văn vẽ" cùng các nhà văn, họa sỹ Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn và Đoàn Lê. Trong triển lãm đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày 14 bức. Ông tặng bạn bè 3 bức cong lại đã bán hết. Số tiền bán tranh đã giúp ông xây một ngôi nhà nhỏ hai tầng ở làng Chùa cho bố mẹ. Sau đó ông không vẽ nữa và cũng nghĩ mình sẽ không bao giờ vẽ nữa. Ông chỉ nghĩ đơn giản là muốn vẽ thì phải học nhưng ông đã quá tuổi. Năm đó ông đã ở tuổi 48 tuổi. Hơn nữa, ông nghĩ ông chẳng còn thời gian để mà tập trung cho chuyện đó.

Nhưng một ngày của năm 2012 đã thay đổi ông. Một buổi, ông Trịnh Văn Sỹ, một thành viên của nhóm Nhân sỹ Hà Đông, mời mấy anh em đến nhà chơi. Vừa bước vào phòng khách nhà ông sỹ, Nguyễn Quang Thiều sững người lại. Trước mắt ông là những bức tranh giấy ông vẽ từ 7 năm trước ( 2005) giờ được đóng khung treo trang trọng. Đấy là những bức tranh ông vẽ bằng phấn sáp và mực màu. Ông không biết vì sao ông Trịnh Văn Sỹ lại có những bức tranh đó. Và câu chuyện ông Trịnh Văn Sỹ kể lại đã làm Nguyễn Quang Thiều xúc động khôn nguôi.

Mấy tuần trước khi mất, nhà thơ Dương kiều Minh gọi ông Sỹ đến đưa cho ông Sỹ những bức tranh giấy và nói :’’ Bác Thiều vẽ những bức tranh này và vứt đi. Tôi đã nhặt và giữ lấy. Bây giờ tôi không thể còn sống lâu được nữa. Tôi biết bác rất quí trọng bác Thiều nên đưa bác giữ”.

Bức tranh cuối cùng chuẩn bị cho triển lãm 'Người Thổi Sáo" vừa được vẽ xong ngày 27.12. 2020. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho DDVN biết. 

Nhà thơ Dương Kiều Minh là hàng xóm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Họ thường ngồi uống trà với nhau vào những ngày nghỉ. Những lúc ấy Nguyễn Quang Thiều hay lấy giấy ra vẽ rồi bỏ đi vì biết rằng đó chỉ là trò nghịch như của một đứa trẻ. Nhà thơ Dương Kiều Minh lặng lẽ nhặt những bức vẽ mà Nguyễn Quang Thiều bỏ đi và mang về giữ cẩn thận. Cũng năm đó, ông Sỹ xây xong nhà thờ và muốnnhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng một bức tranh. Nguyễn Quang Thiều lưỡng lự vì đã bỏ vẽ 7 năm rồi. Nhưng chiều bạn, ông đi mua một cái toan và một vài tuýp sơn dầu nhỏ bằng ngón chân cái. Ông đã vẽ bức Người thổi sáo (1). Và bây giờ lấy tên triển lãm là ‘’Người thổi sáo’’.

Tên triển lãm "Người Thổi Sáo" cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời thật của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi cho ông một khúc nào đó mà người thổi sáo mù muốn thổi nhất. Người thổi sáo mù ấy đã nhìn ông rất lâu bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên thổi. Giai điệu của khúc sáo ấy đã thay đổi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Những phiền muộn trong lòng ông bấy lâu nay đã tan biến. Những tháng ngày sau, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng ông không bao giờ thấy người thổi sáo mù đi qua nữa.

Những câu chuyện trên đã dẫn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào thế giới của màu sắc và ông biết ông không bao giờ có thể rời xa thế giới ấy được nữa. Ông vẽ không có phác thảo. Ông đứng trước toan và quết nhát màu đầu tiên lên toan và cứ thế cuốn theo màu sắc ấy. Có thể những bức tranh của ông là một văn bản khác của thơ ca của ông.

Nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều và Thi - nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh gặp nhau trong buổi giới thiệu bộ sách "Toàn tập" (7 cuốn) của Nhà văn Học giả Nguyễn Văn Xuân tại thành phố Đà Nẵng, 22.12.2020.

Ông đọc thơ để vẽ và vẽ để rồi làm thơ. Đấy là cái vòng tròn đầy ‘’ma thuật’’ cuốn ông đi. Ông làm mọi thứ với niềm đắm mê của mình: làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, viết tiểu luận, viết báo, dịch thuật, vẽ, chơi nhạc cụ dân tộc…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói :’’ Tôi không phải là một họa sỹ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị’’ ( I am not painter but dominated by colors).

DDVN