Những kẻ đeo bám chuyên theo dõi, thu thập thông tin cá nhân, lảng vảng xung quanh nhà nạn nhân, quấy rối trực tuyến… khiến nạn nhân sợ hãi và đe dọa tổn hại đến sức khỏe tinh thần, thể chất.
Anh nỗ lực nhằm nghiêm trị hành vi quấy rối tình dục nơi công cộngÚc: Báo động nạn quấy rối tình dục phụ nữ, phân biệt chủng tộc
Cuộc sống bị đe dọa và đảo lộn
Mới đây, ngôi sao TikTok 15 tuổi người Mỹ Ava Majury và gia đình đã tiết lộ một vụ việc đáng tiếc: cha cô đã bắn chết một kẻ đeo bám sau khi hắn xuất hiện tại nhà riêng của gia đình cô vào tháng 7/2021.
Việc nổi tiếng trên TikTok khiến Ava Majury trở thành nạn nhân của một kẻ đeo bám nguy hiểm
Ava Majury gia nhập TikTok vào năm 2020, khi mới 13 tuổi. Hầu hết các video của Ava đều quay cảnh cô hát, nhảy hoặc vui đùa với bạn bè, gia đình. Tháng 7/2021, một thanh niên 18 tuổi tên Eric Rohan Justin đã tiếp cận nơi ở của gia đình Majury tại Naples, bang Florida sau khi mua được thông tin cá nhân của cô bé từ bạn bè.
Justin xuất hiện tại nhà cô bé với một khẩu súng ngắn và bắn một phát qua cửa. Ngay lập tức, Ava và anh em trai của cô bé (17 tuổi và 11 tuổi) chạy vào trốn trong phòng ngủ của cha mẹ. Trong khi đó, cha Ava, một cựu cảnh sát, lấy vũ khí và đi ra phía trước ngôi nhà. Lúc Eric quay trở lại, cha của Ava đã nổ súng. Ông không bị buộc tội vì vụ giết người được coi là hợp pháp theo luật tự vệ của bang Florida.
Cũng vào trung tuần tháng Hai, một cảnh sát Hồng Kông (Trung Quốc) đã bị đình chỉ vì vướng vào cáo buộc theo chân hai phụ nữ về nhà và yêu cầu họ làm tình nhân của anh ta. Một phụ nữ đã đăng một đoạn video về viên cảnh sát lên mạng, kéo theo những người khác đưa ra các cáo buộc tương tự.
Một người nhận xét: "Tôi gần như chắc chắn rằng đây chính là kẻ đã theo dõi tôi vào mùa hè năm ngoái ở Sai Ying Pun và lảng vảng quanh căn hộ trên mái của tôi. Hắn ta thường xuyên leo lên mái nhà của tôi, cố gắng vào căn hộ của tôi và để lại cho tôi những đồ vật, ghi chú khiếm nhã".
Những người nổi tiếng như ca sĩ Taylor Swift thường có rất nhiều người đeo bám, rình rập
Xa hơn trong quá khứ, ngôi sao nhạc pop người Mỹ Taylor Swift đã bị nhiều kẻ xấu theo dõi đến mức cô luôn phải đem theo băng y tế bên người để phòng ngừa những vết thương do súng bắn hoặc dao đâm.
Những người nổi tiếng khác bao gồm Selena Gomez, Kendall Jenner, Halle Berry… đều từng vạch trần mặt tối của sự nổi tiếng khi chia sẻ những câu chuyện về kẻ đeo bám họ. Năm 2021, hai người hâm mộ của nam diễn viên kiêm ca sĩ Trung Quốc Vương Nhất Bác đã bị bắt sau khi khoe khoang trên mạng về việc đặt thiết bị theo dõi trên xe của thần tượng.
Nhà trị liệu tâm lý Gabrielle Tüscher tại Hồng Kông nói việc rình rập không chỉ đáng sợ mà còn có thể gây tổn thương tâm lý lâu dài. Phần lớn những kẻ theo dõi là nam giới. Các trường hợp có nguy cơ cao nhất thường xuất phát từ tiền sử bạo lực gia đình.
Tüscher giải thích: “Hành động đeo bám, rình rập có nguyên nhân sâu xa là về quyền lực và sự kiểm soát, tương tự bạo hành gia đình. Đó là một quyết định có ý thức của thủ phạm; họ hoàn toàn kiểm soát được hành vi của mình”.
Nguy cơ từ internet
Một cảnh sát Hồng Kông bị cáo buộc bám đuôi hai phụ nữ về nhà và yêu cầu họ làm tình nhân của anh ta
Tại nhiều quốc gia, những kẻ đeo bám trên internet bị xem là tội phạm. “Cyberstalking” - một thuật ngữ chung chỉ hành vi quấy rối trực tuyến, có thể có nhiều hình thức: vu khống, phỉ báng, buộc tội sai, trêu đùa, đe dọa.
Trong nhiều trường hợp, đặc biệt khi cả kẻ quấy rối và nạn nhân đều là cá nhân, động cơ có thể nhằm theo dõi các hoạt động trực tuyến của con mồi và trong một số trường hợp, theo dõi vị trí của nạn nhân ngoài đời thực để đe dọa, kiểm soát hoặc tống tiền; tiết lộ thông tin cá nhân nhạy cảm về nạn nhân hoặc thu thập thêm thông tin về nạn nhân để đánh cắp danh tính của họ, gây ra các tội ác khác trong thế giới thực như trộm cắp hoặc quấy rối.
Vào tháng Một vừa qua, một tòa án ở Anh đã xét xử một vụ án đặc biệt trong đó các nạn nhân (cả nam giới và phụ nữ) trên khắp nước này phải “thường xuyên sống trong sợ hãi” về một kẻ đã tạo ra hàng trăm hồ sơ Instagram và Facebook giả để theo dõi và quấy rối cuộc sống của họ trên mạng.
Suốt mười năm, Matthew Hardy (30 tuổi) ở Forest Place, Northwich đã giả mạo, đóng giả là bạn bè và thành viên gia đình của những người mà hắn ta theo dõi để thu thập thông tin về họ.
Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, Hardy sẽ gửi cho họ những tin nhắn giả dối nhằm tạo ra rạn nứt gia đình, khiến nạn nhân khó chịu và đau khổ. Các mục tiêu có rất ít điểm chung: họ khác nhau về độ tuổi, công việc và sống ở các khu vực khác nhau. Tuy nhiên, điều tất cả đều gặp phải là chứng lo âu dai dẳng do không biết danh tính người đứng sau các tài khoản hoặc lý do họ trở thành mục tiêu.
Lia (23 tuổi) - một nạn nhân của Hardy - nói: "Mọi người nghĩ đó chỉ là một vài tin nhắn nhưng không phải, đó là địa ngục. Hắn ta không dừng lại. Nếu bạn không trả lời, hắn sẽ gửi hàng trăm tin nhắn cả ngày lẫn đêm. Nếu bạn chặn tài khoản, hắn chỉ đơn giản là tạo một tài khoản khác".
Lia nói thêm: "Tôi không thể tin rằng vào năm 2021, mọi người có thể tạo tài khoản giả để khủng bố người khác và thoát tội lâu như vậy. Nếu chúng ta phải chứng minh danh tính của mình để tạo tài khoản mạng xã hội, hắn đã không thể đeo bám tôi như vậy trong nhiều năm".
Tự bảo vệ bằng cách nào?
Lia kể rằng Hardy đã gửi tin nhắn cho cô suốt đêm, con số tin nhắn mỗi đêm lên tới hàng trăm
Theo Gabrielle Tüscher, hành động của kẻ đeo bám ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh cuộc sống của nạn nhân, từ sức khỏe tinh thần và thể chất đến việc làm và đời sống xã hội. Nạn nhân sẽ thường xuyên bất an bởi những nỗ lực tiếp cận và thường bắt đầu cảm thấy như không có nơi nào an toàn. Những người bị nhắm mục tiêu có thể gặp một loạt tác hại, từ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm đến rối loạn ăn uống, mất tự tin và cảm giác bị cô lập.
Tüscher nói thêm: “Trong một số trường hợp, nạn nhân đã cố gắng tự tử, gặp phải các triệu chứng liên quan đến chấn thương và rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Việc theo dõi cũng có thể ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ và đời sống xã hội của nạn nhân. Một số thay đổi công việc, trường học, thậm chí chuyển nhà sau khi trở thành nạn nhân. Một số khác không dám ra ngoài vì sợ bị theo dõi và tự cô lập mình với bạn bè, gia đình”.
Mẹo của Tüscher để giữ an toàn trong cuộc sống: Nên thay đổi thói quen thường xuyên để kẻ theo dõi khó định vị bạn. Đề nghị bạn bè, gia đình và nhà tuyển dụng không cung cấp thông tin về bạn mà không có sự cho phép. Giữ nhật ký về mọi sự cố để có bằng chứng trước pháp luật và tìm kiếm sự giúp đỡ từ cảnh sát nếu cần thiết. Đối với nguy cơ bị theo dõi trên internet, một chiến lược hiệu quả là ẩn danh. Tránh đăng thông tin cá nhân chi tiết nơi bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng truy cập và sử dụng chúng để theo dõi bạn.
Ngoài ra, hãy bảo vệ hình ảnh riêng tư và đảm bảo rằng tất cả thông tin cá nhân, như kế hoạch đi nghỉ, ảnh và bài đăng, chỉ hiển thị với những người đáng tin cậy. Bạn có thể xem xét sử dụng tài khoản email chính để liên lạc với những người thân thiết và thiết lập tài khoản email ẩn danh cho tất cả các liên lạc khác.
Thường xuyên cập nhật tất cả phần mềm để chống rò rỉ thông tin, tránh sử dụng mạng wifi công cộng; tắt cài đặt định vị địa lý trên thiết bị; cài đặt phần mềm diệt virus để phát hiện phần mềm độc hại và luôn đăng xuất khỏi tất cả các tài khoản nếu không sử dụng.
Cuối cùng, hãy cẩn thận khi cài đặt các ứng dụng yêu cầu truy cập thông tin cá nhân của bạn.
Theo Ngọc Hạ/Phunuonline.com.vn