VĂN HÓA

Kỳ 11: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 24-02-2019 • Lượt xem: 21669
Kỳ 11: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Đà Lạt là nơi tôi và những tên bạn Chu Văn Hải (tục danh “Hải Heo”), Vũ Lê Cương và Nguyễn Ngọc Vượng (tự “Vượng Đớp” chủ tiệm vàng Ngọc Vinh ở Vancouver hiện nay) phác họa một chương trình du hí đặc biệt, đánh dấu cho một thời kỳ đầu tiên sống xa gia đình, tập tành làm người lớn.

Qua sự giao thiệp thư từ của Teenager's Club với những bạn ở xa, tôi quen với 2 cô tên Quyên và Cathy, là bạn thân với nhau ở Couvent Des Oiseaux, trên Đà Lạt. Qua hình ảnh gửi về, 2 nàng coi xinh xắn lắm, trong số đó có một nàng là con của một vị chức sắc của Ty Thủy Lâm. Thư qua, thư lại chỉ vài tháng sau, tôi và hai nàng đã tỏ ra thân thiết và “tình” ra phết khiến tôi bối rối không biết... chọn ai?

Chợ Đà Lạt, 1960

Nhân dịp được phép ngao du tự do, tôi quyết định rủ 3 thằng bạn trên đi Đà Lạt. Mỗi thằng một túi đựng quần áo, nhất định là không quên những đồ phụ tùng tối ưu cần thiết là lọ “after shave” và “lotion” bôi nách! Lúc ngồi trên xe đò trực chỉ Đà Lạt lòng bồi hồi không tả, tự ví mình như những tay giang hồ quái khách, anh hùng hảo hán trong các truyện kiếm hiệp đóng thành tập nhỏ mà tôi mê man theo dõi trước đó với những màn phóng kiến lên trời, phi thân vùn vụt. Hoặc là những nhân vật trong các tập “Đảng Đen”, “Đảng Sọ Người , “Đảng Đầu Lâu Máu”... với tàu ngầm, súng máy tôi tin. 110 kỳ của những cô tiên, những mụ phù thủy trong thời thơ ấu: Không còn. Những Thạch Sanh - Lý Thông”, “Thoại Khanh – Châu Tuấn", “Trần Minh Khố Chuối”, “Na Tra Lóc Thịt”... cũng đã chìm vào quên lãng. Những “Đông Chu Liệt Quốc”, “Càn Long Du Giang Nam”, “Tây Du Ký”, “Chung Vô Diệm” của nhà Tín Đức Thư Xá cũng không còn chỗ đứng trong đầu óc tôi. Thời buổi văn nminh, tân tiến ta phải có máy bay, tàu ngầm, súng siếc hay xe “xì gì” trong “Châu Về Hiệp Phố” mới hách xì xằng.

Tết Đà Lạt, 1968

Bốn thằng ngồi trên xe đò tán láo vung vít. Lần đầu tiên đi phiêu lưu mạo hiểm một mình, thằng nào cũng khoái chí, vẽ vời đủ thứ chuyện. Nhất là anh nào cũng mong mỏi “bắt” được một chị đào để tâm tình, hú hí. Tôi thì đã chắc ăn, có hai chị đang hồi hộp đón coi cái “dung nhan” của mình, cũng như tôi đang náo nức chờ xem chị nào được vào... chung kết.

“Đường trường xa, con chó nó tha con mèo” gần cả nửa ngày mới tới Đà Lạt. Nhưng cả 4 thằng ông mãnh chúng tôi chẳng có vẻ gì mỏi mệt. Lần đầu tiên một mình được “ra đi khi trời vừa sáng” để đứng ở “ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp” nên lấy làm thú vị vô cùng. Mấy năm sau, thấy giống hệt như lời ca của ông bạn nhạc sĩ Lê Hựu Hà của tôi đã viết là: “Đôi khi ta muốn thoát ly, đi thật xa khỏi cuộc đời này, lên rừng làm bạn thân với hươu nai”, thú vị lắm lắm. Hươu nai chưa thấy đâu, nhưng khung cảnh nên thơ và mát mẻ của Đà Lạt làm tôi dễ chịu vô cùng.

Góc đường Phan Đình Phùng - Đà Lạt, 1960

Những năm trước tôi đã từng được lên Đà Lạt vài lần với gia đình bác Đỗ Mạnh Quát mà Đỗ Phong Châu, con hai bác là bạn thân hoặc có khi cả với chú Đỗ Trọng Chu. Lúc đó còn là nhi đồng, bị theo dõi từng đường đi nước bước nên chỉ biết theo đi ăn tiệm, cưỡi ngựa trên sân Cù, tối về ngủ Hotel. Cùng lắm tôi và Châu ra mấy trụ đèn điện bắt cà cuống chơi hay thả bộ theo những bãi cỏ bắt dế, ngoài ra chả biết làm gì. Ông nhóc tì 17 tuổi là tôi ở trong một hoàn cảnh mới lạ như chuyến đi Đà Lạt lần này cảm thấy người lớn hẳn lên và cũng cảm thấy cái sự lãng mạn của mình nó tuôn ra xối xả. Bao nhiêu chữ nghĩa trong đầu được vận dụng một cách tối đa, đủ thứ văn chương thi phú tiêm nhiễm từ lâu qua sách báo phọt ra tùm lum để tôi tức cảnh sinh tình, “sáng tác” ngay một bài thơ đầu tiên và duy nhất trong đời, sặc mùi cải lương, cổ nhạc nam phần. Bây giờ đọc lại nối cả da gà, da vịt. Đại khái toàn những chữ học lóm nơi các đàn anh, đàn chị rồi mang ra ráp nổi tứ tung:

Gió chiều rung nhẹ hạt sương Xuân (thú thật là chưa thấy cái cảnh này bao giờ!).

Rũ áo thời gian lấm bụi trần (Mẹ kiếp! Cái áo “sơ mi” mới sắm làm gì có bụi với bạn!)

Dừng gót phiêu lưu bên quán vắng (Cứ như hiệp sĩ vào quán gọi tửu bảo mang ra rượu thịt ê hề.).

Xuân về dâng lệ mắt giai nhân (Đang mùa Hè, khéo vẽ ra mùa Xuân! Lại còn xài chữ “giai nhân” chẳng khác gì tuồng Tầu!)

Trường nữ sinh Đà Lạt Couvent Des Oiseaux

Thế nhưng sau đó đưa cho ông cậu lớn hơn 5, 6 tuổi tên Minh xem, cậu đã khen nức nở và đoán chắc sau này tôi sẽ thành một đại thi sĩ. Mới tí tuổi đầu mà làm được những câu thơ như một người từng trải, đúng là tài không đợi tuổi. Nghe những lời bốc thơm nơi người cậu - em ruột cô Lan, kế mẫu của tôi - tôi sung sướng quá sức, tưởng mình đã là một đấng thi sĩ có tầm cỡ, mặc dù không được khả quan về mặt thước tấc.

Đà Lạt xưa

Cũng có máu văn nghệ trong người, ông cậu tôi bèn rủ rê tôi thành lập một... thi văn đoàn cho nó hách với đời, bỏ qua rất uổng. Đang độ “tinh canh phát tiết ra ngoài” ào ạt như thế mà không hứng lấy thì nền văn hóa Việt Nam sẽ không có cơ hội ghi nhận một thi hào vĩ đại. Thời đó. không biết bởi lý do nào mà thi văn đoàn mọc lên như nấm, với hàng ngàn thi sĩ đua nhau “nhả ngọc phun châu” trên vườn thơ của các báo. Vườn nào, vườn nấy hoa thơm cỏ lạ mọc nhan nhản. Trong số đó nhật báo Ngôn Luận có vẻ nâng đỡ những mầm non văn nghệ nhất để câu khách học trò, ngoài những Bé Ngôn, Bé Luận, anh Hiếu Ky, chị Huyền... là những nhân vật hoạt họa một thời làm say mê những độc giả nhóc. Nghe lời đường mật của ông cậu, hai cậu cháu rù rì chọn tên cho thị văn đoàn của mình. Về tên các loại hoa hoét thì đã có đủ. Thi văn đoàn Hoa Hồng, Hoa Sim, Hoa Mai, Hoa Vạn Thọ, Hoa Hướng Dương, Hoa Mắc Cở, Hoa Thài Lài... không thiếu hoa gì. Chỉ còn lại ba cái tên dính dáng tới hoa là hoa... mồng gà, hoa... liễu và hoa... cứt lợn là chưa có. Thi văn đoàn “Hoa Mồng Gà” hay “Hoa Liễu” có vẻ... bệnh hoạn không chịu nổi, bị bỏ qua ngay. Còn thi văn đoàn “Hoa Cứt Lợn” thì nhất định không dám dùng vì nặng mùi xú uế, khó ngửi! Còn danh xưng “thi văn đoàn” đã có nhiều người xài quá, phải dùng danh xưng khác cho nó... khác người mới gây được sự chú ý nơi độc giả.

Cậu, cháu lại rù rì để cuối cùng chọn một cái tên rất lấy làm đắc ý là “Hội Hoa Cương”. Hoa cương là một loại đá quí và hiếm, như thế mới xứng đáng với thi tài của chúng tôi. "Thi phẩm” đầu tay của tôi được viết lại nắn nót và được trang trọng cho vào bao thư dán tem cò cẩn thận gửi đến báo Ngôn Luận. Dĩ nhiên tên “Hội Hoa Cương” được tô đậm nét và đóng ngoặc dưới tên đại thi sĩ Vũ Trường Kỳ. Chỉ một tuần sau thi phẩm có tựa đề “Xuân Nhớ Em” được nhét vào một rừng thơ trên trang “Thơ” của Ngôn Luận. Kiếm tìm, moi móc mãi mới thấy tác phẩm của mình nằm lẫn lộn trong một đống thơ của các thi sĩ mầm non. Hai cậu cháu sướng tê người.

Nhất định cho là “Hội Hoa Cương” sẽ sống hùng, sống mạnh vì đá hoa cương cứng lắm, không thể nào bể được. Ông cậu khuyến khích “sáng tác” tiếp, nhưng thi sĩ nhà ta bị... táo bón văn chương, rặn hoài không ra được chữ nào cho ra hồn. Ráp nối loạn xạ để cuối cùng chẳng hiểu mẹ gì! Cố rặn thêm vài ngày thì lâm vào tình trạng bế tắc, do đó “Hội Hoa Cương” không cưỡng nổi để âm thầm “phẹc – mê - bu – tích”.

(Còn tiếp)

Kỳ 10: https://duyendangvietnam.net.vn/ky-10-mot-thoi-nhac-tre---truong-ky.html