ĐỜI SỐNG

Kỳ lạ khúc gỗ trăm tuổi, thách thức mọi định luật vật lý

Kim Ngân • 12-11-2019 • Lượt xem: 4162
Kỳ lạ khúc gỗ trăm tuổi, thách thức mọi định luật vật lý

Một khúc gỗ khổng lồ nổi lơ lửng trên hồ Crater Lake, bang Oregon, Mỹ hơn 100 năm qua, không bị phân hủy và không tuân theo bất cứ định luật vật lý nào khiến các nhà khoa học “đau đầu” đi tìm lời giải.

Tin, bài liên quan:

Kỳ bí thành phố 1.300 tuổi dưới đáy hồ

Ngắm bãi biển phát sáng lấp lánh

Hàng loạt cá voi mắc cạn, chết bí ẩn

 

Khúc gỗ này dài khoảng 9m, phần nhô lên khỏi bề mặt nước cao 1,2m, đường kính khoảng 60cm và nổi tiếng với tên gọi "The Old Man of the Lake" (Ông già của hồ nước). Nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1902, khi Crater Lake trở thành công viên quốc gia.

Với độ sâu trung bình 350m, Crater là hồ sâu nhất nước Mỹ và sâu thứ 9 trên thế giới. Hồ này sâu tối đa 594m, hơn cả chiều cao của tháp Eiffel, tượng nữ thần tự do và Đài tưởng niệm Washington cộng lại. Do vậy, khúc gỗ này chỉ lơ lửng trên mặt hồ mà không thể chạm tới đáy.

Việc xác định niên đại bằng carbon cho thấy khúc gỗ này ít nhất 450 năm tuổi, trải qua gần 120 năm “du lịch” khắp hồ Crater. Người ta tin rằng, cây này ban đầu bị bật ra trong một vụ lở đất trên núi lửa, trôi dạt xuống hồ và chỉ còn một khúc nổi lấp ló sau nhiều thập kỷ. Nó di chuyển theo phương thẳng đứng trên mặt nước chứ không dừng lại một chỗ và đã đi cả ngàn dặm trong nhiều thập kỷ qua.
 

Nhà thám hiểm Joseph Diller từng mô tả về khúc gỗ trôi nổi dọc theo hồ Crater. 5 năm sau, ông quan sát thấy khúc gỗ đó đã di chuyển khoảng 400 m so với vị trí ban đầu. Nhà khoa học John Doerr còn dành 3 tháng để theo dõi di chuyển của khúc gỗ này vào năm 1938 và nhận định nó di chuyển không theo quy luật nào và thỉnh thoảng còn “đi” rất nhanh. Từ 1/7 đến ngày 30/9/1938, khúc gỗ di chuyển được hơn 99km, trong đó có ngày gió lớn, nó di chuyển tới 6km.

Để khám phá bí mật về khúc gỗ, năm 1988, các nhà khoa học đã cho tàu ngầm nhỏ xuống hồ để nghiên cứu hoạt động địa nhiệt trong hồ. Họ cho rằng khúc gỗ là một mối nguy hiểm cho hàng hải và đã neo nó vào gần đảo không người Wizard. Tuy nhiên, khi kéo khúc gỗ vào sát đảo thì mây đen kéo đến, gió bão nổi lên khiến họ phải thả nó ra. Ngay sau khi khúc gỗ được thả trôi, trời lại quang, mây tạnh. Vì những hiện tượng kỳ lạ, người dân địa phương đã thêu dệt nên nhiều câu chuyện kỳ bí về nó.

Những khúc gỗ bình thường chỉ nổi vài năm sau đó chìm xuống nhưng khúc gỗ này đã "thách thức" mọi định luật vật lý khi nổi theo chiều dọc trên hồ cả thế kỷ mà vẫn giữ nguyên kết cấu, không có dấu hiệu mục ruỗng hay phân hủy.

Các nhà khoa học cho rằng, có thể do nước trong hồ sạch và luôn ở nhiệt độ thấp nên khúc gỗ không bị mài mòn bởi thời gian. Nhờ những điều kỳ lạ này mà khúc gỗ vô tình trở thành điểm du lịch hấp dẫn của hồ miệng núi lửa. Du khách đến hồ Crater, có thể đi thuyền ra hồ để tận mắt chứng kiến khúc gỗ kỳ lạ này.