Duyên Dáng Việt Nam

Lang thang cùng mây trắng trời xanh

Thoại Vy • 25-07-2018 • Lượt xem: 1694
Lang thang cùng mây trắng trời xanh

Vợ chồng bác Nhân là chủ quán sách. Biết mình thích mấy câu thơ đó, bác tặng luôn cho tập thơ mong mỏng, mà đến giờ vẫn còn trân trọng giữ gìn như một kỉ vật, dù tập thơ nhỏ đã rất cũ. Lúc đó mới biết bác ấy chính là tác giả.

“Làm sao có được mươi đồng bạc

Tặng bạn chiều nay trái cóc xanh

Đưa tay anh hái trời xanh vậy

Trái cóc lòng anh mãi để dành”

Chẳng biết vì sao lại nhớ đến tận bây giờ mấy câu thơ giản dị của tác giả Hoàng Minh Nhân. Có thể vì trong đó thấy cả bầu trời xanh qua một trái cóc chua/ ngọt (Tùy người cảm nhận), cả một tấm lòng nâng niu và hào phóng. Sau này tình cờ biết bác trên đường đi học về, ghé vào một thư hiên để mượn sách đọc.

Ảnh minh họa

Thời đó, sách còn quý hiếm, ít ra là với người viết. Tìm được một chỗ thuê có nhiều sách ưng ý, như tìm được tri âm vậy. Vợ chồng bác Nhân là chủ quán sách. Biết mình thích mấy câu thơ đó, bác tặng luôn cho tập thơ mong mỏng, mà đến giờ vẫn còn trân trọng giữ gìn như một kỉ vật, dù tập thơ nhỏ đã rất cũ. Lúc đó mới biết bác ấy chính là tác giả.

Vẫn còn nguyên lời đề tặng và chữ kí tác giả, CLB văn học ĐN xuất bản - 1989. Về nhà hí hửng lật tìm bài thơ “Trái cóc” đầu tiên. Hóa ra chẳng gặp. Nhưng được cái giải an ủi là trong tập thơ có bài “Bất chợt I” tìm thấy được khoảng trời xanh be bé “Một đốm nắng của mùa thu từ giã – Bất chợt về xáo động cả trời xanh”. Đốm nắng thu nhàn nhạt cũ mà có sức công phá, làm náo động cả bầu trời xanh kí ức. Vậy thì mảnh trời xanh thời “trái cóc” nên xếp lại được rồi.

Đọc bài thơ “Khoảng trời, hố bom” của nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ lại nhớ các cô gái TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc. Gọi là “cô gái” bởi họ đã vĩnh viễn ra đi ở lứa tuổi thanh xuân – mãi mãi tươi thắm tuổi đôi mươi. Soi vào vẻ đẹp bất tử đó như soi vào trời xanh – mây trắng:
“Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh/ (….)/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái”.

Cũng vì yêu mến trời xanh nên trong cả tập thơ “Bên kia lời hẹn” của tác giả Triều La Vỹ, tôi chỉ thích vài câu: “Rong chơi – cho đã một ngày – Ngủ quên – Để mộng rơi gầy trời xanh” (Tứ tuyệt cho em). Vì “một ngày” là hữu hạn mà “trời xanh” là vô hạn chăng? Hay vì đôi khi cũng cần phải “ngủ quên” để có giấc mộng trời xanh an lành ?. Nhớ trời xanh - mây trắng là nhớ nhà thơ tài hoa Quang Dũng với mấy câu thơ được xem là “gấm vóc” đã đi vào cả âm nhạc:

Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương

(Đôi mắt người Sơn Tây)

Đằng sau mây trắng là đôi mắt đầy ám ảnh lưu lạc. Vì thế mây trắng Bất Bạt - Sơn Tây mới để lại nhiều dư vị đến thế. Vị ngọt ngào và cả đắng cay, chua xót nhưng trên hết là u uẩn.

Tìm về trời xanh mây trắng là tìm về “Bảy chữ” (Nguyễn Bính). Bảy chữ cuối bài thơ là “Vạn lí tương tư vũ trụ tình”. Thế nhưng người viết không tha thiết yêu thương như những câu thơ đầu của bài thơ: “Mây trắng đang xây mộng viễn hành/ Chiều nay tôi lại ngắm trời xanh/ Trời xanh là một tờ thư rộng/ Tôi thảo lên trời mấy nét nhanh (thanh)”. Chữ “thanh” hay hơn nên trong kí ức vẫn lưu lại. Bởi vì sau đó, dẫu có “Xe ngựa chiều nay ngập thị thành” thì vẫn mong nàng “bắt được trời xanh” để vơi đi nỗi lòng nặng trĩu. Tội nghiệp thi nhân Nguyễn Bính, hẳn phải đau đáu lắm và rất rất “chân quê” mới thốt ra được mấy chữ tặng nàng.

Nhớ trời xanh mây trắng là nỗi nhớ quê nhà xa ngái. Là hồn quê vời vợi đăm đắm “theo ngọn mây Tần xa xa” của nàng Kiều phải tha phương; là nỗi lòng của thi hào Nguyễn Du khi lưu lạc quê vợ ở Thái Bình hay khi đi sứ sang Trung Quốc ?. Biết rằng “mây trắng đi đâu cũng theo anh” (Bạch vân xứ xứ trường tùy quân – Lý Bạch), nên nhìn mây trắng – trời xanh là tưởng như cố hương neo ở đó. Bởi lẽ quê nhà đã đi vào tâm tưởng, trở thành một phần máu thịt của người lữ thứ xa quê.