VĂN HÓA

'Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn', gợi nhớ nhiều điều

My Minh • 03-12-2023 • Lượt xem: 6420
'Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn', gợi nhớ nhiều điều

Tác phẩm “Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn” của tác giả Lê Vân. Sách kể về cuộc sống mưu sinh qua nhiều thế hệ con người ở những con hẻm, chợ, chung cư, tiệm xưa quán cũ nhuốm màu thời gian tại Sài Gòn.

Tin bài khác:

Cuốn sách kinh điển về nghệ thuật chơi sách

‘Sài Gòn đẹp xưa’ - Về miền ký ức

Sách dày 196 trang gồm 26 bài viết với 4 chủ đề chính như: Hẻm Sài Gòn - những đời người; Trăm năm “kẻ chợ” Sài thành; Chuyện đời những chung cư Sài Gòn xưa cũ; Tiệm xưa quán cũ. Ở đó, có câu chuyện về những nơi chốn đời thường, câu chuyện về đời người. Dẫu có trải qua bao nhiêu thăng trầm thì nơi đây vẫn chào đón chúng ta như một người bạn hiền, một miền đất hứa.

Thật bình yên khi biết đâu đó giữa những chung cư lâu năm của Sài Gòn lại có những ngôi chùa như chùa Liên Trì (Quận 3), chùa Từ Đức (Quận 5) tọa lạc trên tầng cao. Sự hấp dẫn từ những ô cửa tựa khối rubic màu của chung cư Nguyễn Huệ (Quận 1) vẫn giữ nét hoài cổ dưới ánh đèn biển hiệu của hàng quán hiện đại. Có cả một con hẻm “Thiền” với rất nhiều chùa, tịnh xá, tịnh thất ở quận Gò Vấp... 

Những ngày thong dong, chúng ta lê la khắp quán xá giữa Sài Gòn hoa lệ, sẽ thấy những tiệm trà xưa rất xưa là Ô Tồng Ký (khu chợ Bến Thành), Di Phát (Quận 11)... vẫn đang gắng giữ những nét văn hóa, của những con người, thích đắm mình trong một tách trà nhuốm màu thời gian. Và nếu bạn có dịp ghé qua phở Tàu Bay (Quận 10) thì thử gọi một “tô xe lửa”, rẽ qua làm tô cháo lòng kèm dồi chiên cô Út (Quận 1), lại đợi khi chiều xuống để nhâm nhi dĩa phá lấu Tiều (góc đường Lê Lợi - Pasteur) quen thuộc để gợi nhớ tiếng rao ngày xưa “phá lấu ơ”, rồi đợi đến tối để ghé cơm cháo Tiều Châu nổi tiếng ở khu Chợ Lớn (Quận 5), thưởng thức ly cà phê vợt trứ danh Ba Lù (khu chợ Phùng Hưng, Quận 5), cơm tấm Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần, Quận 3), bánh mì Hòa Mã (góc Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3)... và còn rất nhiều nơi chúng ta chưa có dịp khám phá. 

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ:“Có thể xem Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn là một thứ mùi vị của Sài Gòn mà bạn có thể hít hà nó trong ly cà phê sáng sớm đầu ngày, hoặc trong một buổi chiều tối phố xá lên đèn có mưa bay. Vì kiểu gì bạn cũng có thể tìm thấy, ít nhất một nỗi nhớ trong lòng mình, với mảnh đất đầy bao dung và rộng rãi này!”. Quyển sách vừa lưu giữ ký ức của người trong truyện vừa là hành trình khám phá chuyện thường ngày ở thành phố này nhưng không kém phần hấp dẫn. Mùi vị của Sài Gòn là thứ làm cho bao nhiêu người vương vấn không quên. Những mùi vị của Sài Gòn là thứ có thể nắm bắt bằng vị giác, khứu giác... Nhưng có khi, phải sống đủ lâu, phải đi đủ nhiều thì mới nhận ra một vài mùi vị đặc biệt chỉ có thể chạm đến bằng yêu thương và trải nghiệm, của một con người thật sự thích khám phá và trải nghiệm vùng đất này.

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, báo Thanh Niên chia sẻ về tác phẩm: “Hẻm, chợ, cà phê vỉa hè… nơi gắn bó với phận đời của bao con người sống ở Sài Gòn, nhất là dân nghèo… Dù là dân cố cựu hay người ngụ cư, đã được Lê Vân vẽ bằng những nét ký họa đơn giản nhưng hết sức chân thật, đầy trải nghiệm về những điều giản dị nhưng thấm đẫm tình cảm. Sài Gòn, với tác giả, là nơi bao dung nhất cho những người con tứ xứ về đây. Họ mang cả quê hương, xứ sở trong chuyến ly hương”. Bởi, chợ gắn với đời sống, văn hóa của họ dù tha phương cầu thực. Họ lập chợ vì nhớ những món mang hồn cốt, hào khí quê hương một thuở. Sài Gòn có những khu chợ mang hồn cốt của ẩm thực người di cư như: Muốn ăn món Bắc thì ghé chợ Ông Tạ, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Phạm Văn Hai. Ai ăn món Quảng thì qua chợ đặc sản Bà Hoa… Hay thương vọng về những khu chợ đã lùi vào dĩ vãng như chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cháy. Nhắc đến chợ của người giàu thì người ta hay gọi chợ Bến Thành, chợ dành cho khách sang như chợ Cũ, chợ “chảnh” khi xưa chuyên bán cho giới nội trợ cao cấp là chợ Tân Định… hay ngôi chợ lâu đời nhất còn ở Sài Gòn là chợ Thái Bình (Quận 1, khi xưa gọi là chợ Khung Dong, chợ Cây Da còm)…

Tác giả Lê Vân

Và vậy là, sau khi lê la khắp các ngóc ngách Sài Gòn cùng tác giả, lật đến trang cuối, tiếng loạt soạt của trang sách khiến ta bừng tỉnh, nhưng trong lòng cứ vương vấn mãi những điều răn dạy của ông chủ quán nghèo: “Hận mình thiếu may mắn nhưng phận nghèo chí không nghèo. Phú quý do trời ban. Đức độ lưu muôn phương”. Sài Gòn, với Lê Vân, không phải là cuộc “cưỡi ngựa xem hoa”, không chỉ là “hòn ngọc Viễn Đông”, mà sâu hơn tất thảy, nó như lời của sư cô Tuấn Liên chia sẻ: “Người dân ở đây đều có tâm tính tốt, rồi khi họ dọn đi, chủ nhà mới dọn đến cũng người thiện tâm. Nên phước lành vẫn còn lưu lại ở con hẻm. Dù kinh tế, cảnh quan của con hẻm có thay đổi nhưng tình người ở đây không hề đổi thay”.

“Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn” lại đi một con đường hoàn toàn khác. Khi tác giả vừa là một nhà báo để chắt lọc những thông tin tinh tế nhất từ những nhân chứng là con người và kiến trúc đang hiện diện, cũng đồng thời là một du khách để không áp đặt mình vào bất cứ một công thức hay sự so sánh nào... Là hẻm cũ, chung cư cũ, món ăn cũ, những ngôi chợ cũ... nhưng đều là cái cũ độc đáo, duy nhất, riêng biệt và gần như miễn nhiễm với sự phai nhạt của thời cuộc. “Lê la cà phê, Ngõ hẻm Sài Gòn” không khác gì một cẩm nang du lịch đã được chứng thực bằng tất cả những giác quan của một con người chân thành thương nhớ với Sài Gòn.

Tác giả Lê Vân quê quán ở Thanh Hóa. Chị học Báo chí - Truyền thông và Điện ảnh tại TP.HCM. Chị là phóng viên của báo Thanh niên. Lê Vân vẫn thường tâm niệm: “Hãy kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn. Tôi tin rằng, mỗi câu chuyện bạn kể sẽ đem đến một đều tốt đẹp cho mọi người, bằng cách nào đó mà chính bạn không ngờ tới”.