Duyên Dáng Việt Nam

“Mắt Biếc”

Thoại Vy • 16-04-2018 • Lượt xem: 3436
“Mắt Biếc”

Lấy cảm hứng và liên tưởng từ tác phẩm Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thành viên Thoại Vy đã gửi đến Duyên Dáng Việt Nam những dòng cảm xúc mơ mộng về hình ảnh của đôi mắt “sắt như dao cau”, đầy quyến rũ.

Không phải là ám ảnh vì tên một cái truyện của ông Nguyễn Nhật Ánh mà bạn đọc thuở “mắt biếc” yêu thích. Cũng không mơ màng về một đôi mắt “sắc như dao cau” mà ca dao vẫn xưng tụng. Và, không hẳn là những đôi mắt thiết tha ngước nhìn lên tượng Đức Bà Maria trong thánh đường, khi các tín đồ Cơ đốc nam nữ thề thốt trọn đời bên nhau. Chắc mong sau này hài nhi sẽ có đôi mắt đượm buồn như Đức Mẹ. Cũng không phải những cặp mắt kẻ đậm với vòng cung mày sắc nét mà các thiếu nữ, thiếu phụ hiện đại vẫn xem đấy như “à la mode”. Dẫu những đôi mắt ấy vẫn đèm đẹp nhưng lại lờ nhờ như màu xanh của nước sông Đồng Nai, sông Thị Vải, sông Tô Lịch ….


Ảnh minh họa

Đó là khóe mắt làm chao đảo lòng người như cụ Nguyễn Du từng đúc kết “Làn thu thủy, nét xuân sơn”. Là những đôi mắt hút hồn khiến các trang nam nhi đã “mỏi cánh phiêu du” phải buột miệng thề thốt và tự nguyện bị giam cầm, mặc ai công hầu khanh tướng, bỏ ngoài tai chuyện vá trời lấp bể:
Mộng giang hồ đã nguôi quên,
Vì em mắt biếc ta mềm tâm tư.
(Vì em mắt biếc - Mùi Quí Bồng) 
Hoặc giả bạn sẽ nghĩ đến ánh mắt yêu kiều qua giọng buông lơi của Tuấn Ngọc hay trầm tư kiểu Sỹ Phú khi ca bản “Mắt biếc” của Ngô Thụy Miên. Giàu trí tưởng tượng cũng có thể hình dung một ánh nhìn hun hút, thu vào đáy mắt cả bóng hình ai lẫn sân ga hắt hiu quạnh quẽ, trong một ngày mưa vời vợi xanh.

Biết đâu, bạn sẽ thích đắm chìm vào “đôi mắt như hồ thu” của Đoàn Chuẩn trong một cõi thu xưa ngăn ngắt trong lành. Còn xao xuyến hơn nhiều nếu được nghe nhạc phẩm “Gửi gió cho mây ngàn bay” qua giọng ca quyến rũ đến liêu trai của danh ca Lệ Thu.

Nếu xem đấy là hồi ức thì Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn đã viết lên trang nhật kí đời mình - một tình yêu trong veo - bằng đôi mắt xanh tình tự của âm nhạc. Và đã để thuyền lòng chìm đắm trong dòng mắt em, anh như thi sĩ Du Tử Lê đã tự nguyện :
Để mắt em xanh - để môi em mềm 
Tôi là lá giữa buổi chiều.... sắp tối
(Hiến chương tình yêu - Du Tử Lê)

Mắt như lá xanh, mắt xanh màu lá non hay mắt - lá - xanh thì thào với gió, thắp sáng trời chiều ? Một liên tưởng rất gợi. Mắt lá đan nhau là những giao kết không lời của tình yêu mà “mắt em xanh” là một quy ước bất biến trong “anh” - Du Tử ? Có một đôi mắt như nước hồ xanh thẳm đã xô dạt cả miền cô liêu trong tâm tưởng thi nhân. Là “đôi mắt xanh” của nàng thơ để Sóng Việt chạm đến những nấc thang diệu vợi của mấy dòng sáu – tám phá cách mà tài hoa:
Mắt em đã trộm hồn tôi
Một đời tôi lội trong hồ mắt em
(Đôi mắt thơ)

Mắt biếc đôi khi vương vấn buồn. Có lẽ vì thế nên nhiều thiếu nữ, thiếu phụ ngày nay ra sức trang điểm, trau chuốt “cửa sổ tâm hồn” bằng đủ loại mĩ phẩm sẫm màu, kể cả thoa vào nét mi, chân mày… cốt sao để lộ ra những khoảng buồn vô cớ và giấu bớt đi những hớn hở có nguyên do. Họ tìm mọi cách làm nổi bật “đôi mắt như hồ thu” như Si Di Tử Bì xưa, vì ám ảnh màu nước Thái Hồ trong xanh mà vẽ mày cho Tây Thi, khiến làn thu ba của người đẹp càng trở nên nghiêng thành.

Và vì mắt trong sáng mà đượm buồn đương nhiên là đẹp, đẹp vì chất chứa sâu thẳm nội tâm, nên kiệt tác “Chiến tranh và hòa bình” của đại văn hào Nga L. Tônxtôi đã dành những dòng nâng niu, cảm động khi nhắc đến đôi mắt của tiểu thư Maria. Cặp tuyệt nhãn của công tước tiểu thư đẹp đến nỗi khiến người đọc quên bẵng nhan sắc khiêm nhường của nàng “Tuy thân hình yếu đuối xấu xí và bộ mặt gầy gò, nhưng đôi mắt của nàng lúc nào cũng buồn. Quả thật đôi mắt của công tước tiểu thư to, sâu và sáng (…) đẹp đến nỗi nhiều khi nó làm cho khuôn mặt vô vị có sức quyến rũ hơn là một khuôn mặt đẹp”. 
Không biết bao nhiêu người đã đồng cảm với đôi mắt sâu xa nhân hậu, thấu suốt vô cùng thế thái nhân tình của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” hay cách nhìn đời, nhìn người trong veo mà thăm thẳm buồn của lão thi sĩ Bùi Giáng: 
Bây giờ riêng đối diện tôi 
Còn hai con mắt khóc người một con 
(Mắt buồn)

Còn người viết thì thương cả đôi mắt Sơn Tây – Bất Bạt nhiều u uẩn trong cơn binh biến loạn lạc của nhà thơ Quang Dũng “Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ/ Em có bao giờ lệ chứa chan” (Đôi mắt người Sơn Tây). Cần vin vào những đôi mắt trong vắt và buồn như thế để thi ca Việt có nơi chốn đi – về và an bình trú ngụ trong cõi riêng của nó. Dẫu đôi khi đường thơ cũng lắm phong trần điêu linh. Chính những đôi mắt đượm buồn ấy mới khiến vẻ đẹp của thi phẩm bước lên những nấc thang mới, diệu vợi hơn, nhằm chạm đến những tinh khôi nguyên khởi của nghệ thuật.